Bảo vật quốc gia: Đao cẩn tam khí, 'siêu phẩm' binh khí thời Trần

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
12/05/2024 07:21 GMT+7

Sự tinh khiết của kim loại, kỹ thuật khảm cao đã cho ra đời đao cẩn tam khí thời Trần, được tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long.

"Thanh kiếm" từ Hoàng thành Thăng Long

Đao cẩn tam khí được phát lộ ở một hố khai quật tại Hoàng thành Thăng Long hồi năm 2002. Đao được tìm thấy trong một lớp đất lấp lòng hồ thời Trần. Cũng trong lớp đất này còn chứa nhiều hiện vật có niên đại thời Lý, Trần khác. Phần lớn các hiện vật đó là cấu kiện trang trí kiến trúc, tiêu biểu nhất là đầu tượng rồng thời Lý có kích thước lớn nhất hiện biết. Khu vực này cũng là nơi tìm thấy di vật kim loại khác như: dao, nhíp, tiền xu…

Bảo vật quốc gia: Đao cẩn tam khí, 'siêu phẩm' binh khí thời Trần- Ảnh 1.

Đao cẩn tam khí ở Hoàng thành Thăng Long

TƯ LIỆU CỤC DI SẢN VĂN HÓA

Hình dáng của đao cẩn tam khí hiện nay là nguyên bản khi phát hiện từ hố khai quật. Cán đao chỉ còn phần lõi, phần chuôi bọc gỗ, chốt chuôi và miếng chắn đã bị mất. Thân bị bẻ gập thành 2 phần, phần đầu bị bẻ cong. Khi mới xuất lộ, bề mặt đao bị ô xy hóa nhẹ, phần lớn họa tiết hoa văn bị lớp ô xy hóa che phủ.

Hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết, niên đại của đao được xác định nhờ họa tiết hoa văn trang trí trên thân đao. Đó là những họa tiết hoa văn cánh sen, hình người và đặc biệt là họa tiết văn mây hình khánh, loại hình văn mây điển hình của thời Lý, Trần. Cộng với tham khảo địa tầng phát lộ đao, các nhà khảo cổ cho rằng niên đại của đao là thời Trần, thế kỷ 14.

Điều thú vị là khi phát hiện, hiện vật này được gọi là kiếm. Cả phiếu mẫu vật lẫn cuốn sách Hoàng thành Thăng Long - lịch sử ngàn năm từ lòng đất đều gọi là kiếm. Việc xác định tên gọi đao dựa trên mô tả phân loại của sách Võ kinh tổng yếu, bộ sách quân sự do Tống Nhân Tông cho biên soạn trong khoảng năm 1040 - 1044. Theo phân loại đó, hiện vật ở Hoàng thành Thăng Long ứng với loại "thủ đao" - đao có một lưỡi sắc và tay cầm ngắn như kiếm.

Theo hồ sơ Cục Di sản văn hóa, khi mới phát hiện, hiện vật này bị bẻ gập, khó hình dung hình dáng nguyên bản nên bị nhầm lẫn là loại kiếm cong. Tuy nhiên, với bản vẽ phục hồi và nhất là hình ảnh phục nguyên hình dáng bằng công nghệ 3D cho phép khẳng định đó không phải là kiếm mà là đao, loại thủ đao hoặc đao đơn thủ bản hẹp.

Binh khí hiếm hoi thời Trần được tìm thấy

Hồ sơ bảo vật đánh giá hoa văn trang trí trên đao đặc biệt tinh xảo với nhiều đồ án khác nhau được trang trí nhắc lại ở hai mặt, tạo cảm giác 2 mặt như một. Đồ án hoa văn có thể được chia làm 3 phần, trong đó phần từ thân đao đến mũi là phức tạp nhất với nhiều đồ án. Trong số này có đồ án hình người được thể hiện ở tư thế nhảy múa, hai tay nâng cao trên đầu như đang nâng đỡ vật gì đó; đồ án với một bông hoa 5 cánh lớn ở trung tâm, dây lá phát triển ra hai bên và ngoài cùng là đồ án mây tốt lành hình khánh.

Bảo vật quốc gia: Đao cẩn tam khí, 'siêu phẩm' binh khí thời Trần- Ảnh 2.

Kỹ thuật khảm tam khí thời Trần rất tinh xảo

Các nhà nghiên cứu cho rằng đồ án từ thân đến mũi đao này dường như nhằm diễn tả một câu chuyện. Có người cho rằng hình người trang trí trên thân đao là hình ảnh của Đa Văn Thiên Vương, một trong bốn vị thuộc Tứ Thiên Vương. Cấu trúc của đồ án khá giống những đồ án trang trí trên các cấu kiện trụ tháp Phật Tích và Chương Sơn, điều này gợi ý về những câu chuyện của Phật giáo.

Cũng phải nói đến kỹ thuật cẩn tam khí của đao - kỹ thuật khảm kim loại quý (thường là vàng bạc) lên đồ đồng. Kỹ thuật này còn có tên là tượng khảm. Phân tích hóa học cho thấy đao được rèn từ sắt với hàm lượng sắt lên tới 98,43%. Các điểm kim loại màu vàng là hợp kim đồng kẽm, chính sự tham gia của kẽm giúp đồng có màu vàng và sáng bóng giống như vàng. Các họa tiết trang trí màu trắng được cho là cẩn bạc với tỷ lệ bạc đến 65,03%. Tại hai vị trí lấy mẫu, lớp bạc được cẩn khá dày. Các kết quả phân tích này cho thấy trình độ phát triển cao của kỹ nghệ rèn thời Trần. Họ đã rèn được sắt với mức độ tinh khiết rất cao, sự góp mặt của mangan và titan cũng làm tăng cường độ bền của vật liệu.

Đao cẩn tam khí - Hoàng thành Thăng Long là một trong số rất hiếm binh khí thời Trần đến nay đã biết. Trong lịch sử Đại Việt, nhà Trần được coi là thời kỳ có lực lượng quân đội mạnh, 3 lần chiến thắng giặc Mông - Nguyên đã minh chứng rõ nhất cho điều đó. Chiến thắng trước đối thủ lớn như vậy có được nhờ tài năng của tướng lĩnh, tinh thần quả cảm của người lính, sự đoàn kết trên dưới một lòng. Tuy nhiên, để có chiến thắng như vậy, một điều vô cùng quan trọng là binh khí. Đao cẩn tam khí - Hoàng thành Thăng Long là minh chứng cho thấy trình độ và kỹ thuật trong sản xuất binh khí của nhà Trần.

Kỹ thuật khảm của đao cũng được đánh giá là "thần sầu" với những nét khảm nhỏ, mảnh và sâu. Nó cho thấy cả khả năng thẩm mỹ lẫn trình độ và sự khéo léo của người thợ. Kỹ thuật cẩn tam khí bắt đầu từ Trung Hoa và lan ra các nước. Trước đây, các di vật trong nước tìm thấy có cẩn tam khí thường có niên đại Lê Trung Hưng. Vì vậy, các nhà nghiên cứu lúc đầu cho rằng đao này cũng có niên đại Lê Trung Hưng. Tuy nhiên, địa tầng ở Hoàng thành Thăng Long, hoa văn và thành phần chất liệu của nó đã cho phép khẳng định đao có niên đại thời Trần. Như vậy, kỹ thuật tượng khảm xuất hiện ở VN sớm hơn, đến thời Trần kỹ thuật này đã được sử dụng một cách thành thạo. Đao cẩn tam khí - Hoàng thành Thăng Long là minh chứng sống động cho kỹ thuật tượng khảm ở VN dưới thời Trần, đồng thời làm thay đổi nhận thức về sự phát triển của kỹ nghệ luyện kim của VN thời cổ trung đại.

Sự tinh xảo và cầu kỳ của hoa văn có thể cho thấy đao cẩn tam khí - Hoàng thành Thăng Long không phải là loại đao thường, chủ nhân của nó ít nhất cũng thuộc tầng lớp cao hoặc nắm giữ một vị trí quan trọng trong triều Trần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.