Bị xúc phạm và quy chụp ở giải 7 người, trọng tài FIFA World Cup đã nói…

12/07/2023 22:39 GMT+7

Đang ở Malaysia tham dự khóa tập huấn trọng tài Elite của AFC, trọng tài FIFA Trương Quốc Dũng đã có chia sẻ cùng Thanh Niên về điều chỉnh luật mới nhất trong hệ thống giải bóng đá 7 người VPL S4, làm rõ tranh luận tại SPL-S5.

Trọng tài FIFA Trương Quốc Dũng tham gia điều hành trọng tài tại VPL-S4

Trọng tài FIFA futsal Trương Quốc Dũng tham gia điều hành trọng tài tại VPL-S4

Linh Nhi

Mùa giải VPL-S4 đang diễn ra trên các sân cỏ trong cả nước, với chất lượng chuyên môn và mức độ căng thẳng, hấp dẫn tăng dần. Kéo theo đó là áp lực dành cho giới trọng tài khi mỗi quyết định đều có thể ảnh hưởng kết quả của một trận đấu và gây tranh cãi, kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Mới đây, trong trận đấu giữa WTeam và Bamboo ở vòng 5 giải bóng đá 7 người vô địch quốc gia – khu vực miền Nam (SPL-S5), trọng tài Trần Đình Thịnh thành tâm điểm. Trọng tài Thịnh đã quyết định phạt thẻ vàng đối với pha phạm lỗi, xoạc bóng từ phía sau của cầu thủ Mai Thành Danh Toại (Bamboo) ở tình huống gần giữa sân, nhằm ngăn cản cầu thủ Trần Tấn Đông (Wteam) dẫn bóng phản công, đối mặt với cầu môn phía trước chỉ còn thủ môn.

Đây chỉ là một trong các tình huống được đưa ra mổ xẻ ở trận cầu nhiều dư âm này. Trước đó, ở tình huống dẫn đến bàn thắng mở tỷ số của WTeam, cả 2 trọng tài điều khiển trận đấu không phát hiện ra lỗi của cầu thủ đội Wteam khi phạm lỗi và có hành vi vung tay vào mặt hậu vệ Bamboo. Và sau quyết định phạt thẻ vàng tạo ra tranh luận đúng sai, có đội trưởng Huỳnh Bá Phương của Wteam sau khi phạm lỗi nhận thẻ vàng đã dùng tay xô trọng tài dẫn đến nhận thẻ vàng thứ 2 rời sân, khiến đội nhà thua Bamboo 1-2.

Sau trận đấu, trọng tài Thịnh và người chịu trách nhiệm phân công trọng tài đã bị phản ứng dữ dội. Thậm chí còn phải nhận những lời lẽ xúc phạm.

Trước những tranh cãi, trọng tài FIFA Trương Quốc Dũng - ủy viên Ban chấp hành VFF và phụ trách trọng tài ở khu vực phía nam của VPL-S4 đã quyết định lên tiếng để chia sẻ và có những lý giải, giúp rộng đường dư luận.

Trọng tài Trần Đình Thịnh rút thẻ vàng cầu thủ Bamboo

Trọng tài Trần Đình Thịnh rút thẻ vàng cầu thủ Bamboo

Linh Nhi

Đầu tiên, ông Dũng thừa nhận thiếu sót của BTC, bộ phận điều hành, quản lý trọng tài về việc áp dụng hiệu đính luật mới với loại hình bóng đá 7 người, vốn lâu nay chưa được quy chuẩn và tùy từng điều kiện, hoàn cảnh các trọng tài sẽ áp dụng theo luật futsal hay sân 11. Điều đáng tiếc là thay đổi này chỉ kịp phổ biến đến các trọng tài nhưng chưa thông báo, phổ biến rộng rãi đến các đội bóng, dù là về mặt tinh thần luật. 

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng nếu xét về luật thì trọng tài Trần Đình Thịnh không sai và lý giải: "Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã có cuộc họp chuyện môn, trong đó có nội dung Hiệu đính luật sân 7, với thành phần có Trưởng Ban trọng tài VFF Đặng Thanh Hạ, trọng tài FIFA Hoàng Ngọc Hà, Phòng Điều hành trọng tài VFF và chuyên gia Đoàn Phú Tấn...

Có một nội dung được tất cả thông qua: Loại hình 7 người khác bóng đá 11 và 5 người, cho nên việc phạm lỗi ngăn cản tình huống tấn công cầu môn cân nhắc dùng thẻ đỏ. 

Lý do là sân 11 khi đối mặt thủ môn thì khả năng ghi bàn thắng cao, thẻ đỏ là mặc nhiên nhưng sân 7 khung thành nhỏ thì cơ hội ăn bàn không rõ ràng, nên lấy phần Dogso (ngăn cản một bàn thắng hoặc cơ hội ghi bàn rõ rệt) của Futsal vào áp dụng cho sân 7.

Lỗi ở đây là từ sau vòng play-off anh em trọng tài đã áp dụng theo quán triệt, nhưng BTC chưa phổ biến, chỉ dẫn và giải thích rõ ràng cho các đội bóng, cầu thủ hiểu về thay đổi trong cách định nghĩa một pha bóng phạm lỗi và việc dùng thẻ xử lý của anh em trọng tài.

Trọng tài Trương Quốc Dũng, từng đem vinh dự về Việt Nam khi được FIFA trao trọng trách tác nghiệp tại futsal World Cup 2016 ở Colombia. Ông hiện cũng đang là ủy viên Ban trọng tài VFF và có tên trong nhóm trọng tài Elite của AFC.

Quay trở lại pha phạm lỗi của Danh Toại, ông Dũng đánh giá: "Đầu tiên, khi đặt mình ở vị trí trọng tài với 2 điều cần phân tích. Thứ nhất, nếu Dogso (ngăn cản một bàn thắng hoặc cơ hội ghi bàn rõ rệt) trong luật futsal thì phải bảo đảm đủ 5 yếu tố: Hướng tấn công, khả năng kiểm soát bóng và giành quyền kiểm soát bóng, vị trí và số lượng đội phòng ngự kể cả thủ môn, khoảng cách giữa vị trí phạm lỗi và cầu môn, liệu cầu môn có được bảo vệ bởi thủ môn hay không. 

Trong 5 yếu tố này, thiếu một trong những yếu tố thì sẽ chỉ vàng. Ở đây, thủ môn vẫn ở trong khu vực cấm địa thì chỉ bị thẻ vàng thôi. Nếu thủ môn ra khỏi vòng cấm địa sẽ là thẻ đỏ.

Thứ hai, nếu trọng tài cân nhắc mức độ phạm lỗi với 3 mức: dùng lực quá mức, liều lĩnh hoặc chỉ bất cẩn. Đây là tình huống cầu thủ xoạc từ phía sau, không chơi bóng và ngáng luôn, ngăn chặn cầu thủ tấn công không chơi bóng được nữa. Nhưng liên quan đến mức độ phạm lỗi, trọng tài nhận định ở mức liều lĩnh. Nếu cầu thủ nắm, kéo, xô đẩy cũng chỉ bị thẻ vàng.

Thực ra làm bóng đá 7 người nhiều năm, áp lực trận đấu rất khủng khiếp và chỉ cần một sai sót là các đội bóng quy chụp cho rằng trọng tài tiêu cực.

Bị xúc phạm và quy chụp ở giải 7 người, trọng tài FIFA World Cup đã nói… - Ảnh 4.

Cầu thủ Wteam ăn mừng ghi bàn vào lưới Bamboo

Linh Nhi

Trước câu hỏi: "Vậy theo ông do đâu các đội bóng phản ứng mạnh?", ông Dũng trả lời: "Có một trận play-off mùa này, ở tình huống chỉ nắm kéo, trọng tài lại rút thẻ đỏ vì mặc định sân 11 người. Thời điểm trận play-off đó tôi không có mặt trên sân nhưng sau buổi thi đấu đó anh em trọng tài đã họp và thống nhất lại với nhau. Trọng tài đồng nhất xử lý rất quan trọng, đó là bài học sâu sắc cho anh em trọng tài ở mùa giải năm nay. 

Đồng thời, BTC cũng nhận phần lỗi vì chỉ thông báo thồng nhất cho anh em trọng tài, mà chưa kịp phổ biến, giải thích cho các lãnh đội, các CLB tham dự hiểu rõ.

Việc gì đến mặc nhiên nó sẽ đến, đã chọn công việc này thì phải chấp nhận và đối diện với những điều không hay, những tiêu cực từ phía dư luận". 

Ông Dũng nói tiếp: "Tôi vẫn luôn nói anh em tầm quan trọng của công việc và trách nhiệm với nghề, đây là sân chơi chung, không của cá nhân ai. Sau lưng còn cả tập thể, những người luôn tin tưởng chúng ta nếu có những việc không hay chính chúng ta là người thất bại. Tổn thất vật chất không quan trọng mà là ảnh hưởng cả phong trào, ảnh hưởng đến các đội bóng.

BHL và ban lãnh đạo CLB Wteam phản ứng quyết định của trọng tài Trần Đình Thịnh

BHL và ban lãnh đạo CLB Wteam phản ứng quyết định của trọng tài Trần Đình Thịnh

Linh Nhi

Nhân đây, tôi muốn gửi gắm đến các CLB nếu có phương án giúp công tác trọng tài tốt hơn cứ đề xuất BTC tôi sẵn sàng rút lui, vì đây không phải là chuyện cá nhân mà là vì hệ thống vì cái chung và đó là trách nhiệm của tôi. Nhưng đã làm trọng tài có làm sẽ có sai, nhưng hễ có sai lại phản ứng, quy chụp thì tội anh em trọng tài. Có người hỏi tôi nếu nâng chế độ trọng tài thì sao? 

Tôi nói đã nâng thì không biết bao nhiêu cho đủ vì nếu thấy đủ là nó đủ. Anh em làm nghề vì danh dự, đam mê, quan trọng là tin tưởng và trân trọng nhau. Có những lời đề nghị hàng trăm triệu đồng từ các CLB chẳng có ý nghĩa gì, các ông bầu có nghĩ đến không?

Ban Trọng tài VFF có hỏi chúng tôi về chuyện này. Tôi cũng chia sẻ thẳng thắn và phân tích dưới góc độ trọng tài tại sao đưa ra quyết định như vậy".

Ông Dương Thanh Liêm - Phó trưởng BTC giải VPL-S4

Là người có chơi bóng, có gần 20 năm làm báo và có 10 năm hành trình tổ chức bóng đá 7 người, tôi cũng như phía BTC hiểu, chia sẻ với CLB. Từ "phủi" rồi phong trào sân 7 phát triển, mô hình nhân rộng ra toàn quốc, sân chơi hiện nay mới đang từng bước phát triển, hoàn thiện để tiệm cận các tiêu chí bóng đá chuyên nghiệp. Bản chất thì nhiều CLB vẫn chỉ là đội phong trào, một số HLV hay ông bầu có tâm huyết, đam mê và đầu tư, muốn phát triển nhưng chưa có đủ trải nghiệm, hiểu biết về luật hay không xuất phát từ thế giới thể thao, bóng đá vốn có những đặc thù. Chưa kể, ai làm hay chơi bóng đá có khát vọng, dám đầu tư cũng đều chịu nhiều áp lực, mong muốn thành công, thành tích… Cuộc chơi, ai cũng máu và cuộc chơi nào cũng đều có luật lệ, xác định chơi thì phải tôn trọng luật chơi, sân chơi chung và những người chơi chung. Điều VietFootball chúng tôi muốn và đã, đang cố gắng làm là lắng nghe, hỗ trợ và chia sẻ cùng các đội bóng trong cuộc chơi này để cùng chung tay xây dựng, phát triển một loại hình bóng đá như là đặc sản của Việt Nam, sau 10 năm đã có một cộng đồng cùng một đời sống riêng, với hệ thống giải đấu quy mô toàn quốc. Nó là thứ tài sản chung của cả cộng đồng, không thể là của riêng ai…


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.