Bước ngoặt mới trong cuộc điều tra nhằm vào ông Trump

Khánh An
Khánh An
15/10/2022 07:45 GMT+7

Ủy ban Hạ viện phụ trách điều tra vụ bạo loạn ngày 6.1.2021 tại tòa nhà Quốc hội Mỹ quyết định triệu tập cựu Tổng thống nước này Donald Trump để lấy lời khai.

Tờ The New York Timesngày 14.10 đưa tin Ủy ban Hạ viện Mỹ phụ trách điều tra vụ bạo loạn hôm 6.1.2021 tại Điện Capitol đã bỏ phiếu nhất trí triệu tập cựu Tổng thống Donald Trump để phục vụ điều tra. Giới quan sát cho rằng diễn biến mới khiến cuộc chiến pháp lý nhằm vào cựu tổng thống Cộng hòa ngày càng nóng, trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 8.11 đang đến gần.

“Quyết định nghiêm trọng”

Ủy ban Điều tra hạ viện gồm 7 nghị sĩ đảng Dân chủ và 2 thành viên Cộng hòa đã bỏ phiếu 9-0 ủng hộ việc gửi trát triệu tập ông Trump, theo đó ông được yêu cầu cung cấp tài liệu và làm chứng có tuyên thệ về vai trò mà ông có thể liên quan trong vụ bạo loạn. Nghị quyết trên trước đó được đệ trình bởi hạ nghị sĩ Cộng hòa Liz Cheney, Phó chủ tịch Ủy ban Điều tra. Trong buổi điều trần công khai ngày 13.10, bà Cheney gọi cựu Tổng thống Trump là “nhân vật trung tâm” trong vụ bạo loạn.

Phiên điều trần ngày 13.10 của Ủy ban Hạ viện điều tra vụ bạo loạn

AFP

Hạ nghị sĩ Dân chủ Bennie Thompson, Chủ tịch Ủy ban Điều tra, gọi việc triệu tập là “hành động nghiêm trọng và đặc biệt”, đồng thời cho rằng ông Trump phải có trách nhiệm giải trình và trả lời cho hành động của mình. Theo Đài ABC, ít nhất 10.000 người biểu tình đã xông vào khuôn viên, trong đó 2.000 người xông vào bên trong tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6.1.2021 nhằm ngăn việc chứng nhận chiến thắng cho Tổng thống Joe Biden. Trước đó vào cùng ngày, ông Trump có bài phát biểu cáo buộc gian lận bầu cử dù không có chứng cứ. Bộ Tư pháp cho biết có 5 người thiệt mạng, gồm 4 người biểu tình và 1 cảnh sát, bên cạnh gần 140 cảnh sát bị thương. Đến nay, hơn 900 người đã bị bắt và bị truy tố. Ủy ban Điều tra đã thẩm vấn hơn 1.000 người kể từ khi được thành lập vào tháng 7.2021.

Kịch bản xấu cho ông Trump

Sau khi Ủy ban Điều tra tống đạt trát triệu tập, cựu Tổng thống Trump sẽ có 2 lựa chọn, trong đó việc tuân thủ sẽ dẫn đến các bước đàm phán về thời gian, địa điểm và phương thức. Tuy nhiên, theo CNN, nếu ông từ chối thì Hạ viện có thể bỏ phiếu cáo buộc ông về hình sự đối với hành vi xem thường trát triệu tập và đề nghị Bộ Tư pháp truy tố. Một cựu trợ lý của ông Trump là ông Steve Bannon đã bị truy tố về tội xem thường trát triệu tập và dự kiến sẽ bị tuyên án trong tháng này, với khung hình phạt từ 1 - 12 tháng tù giam. Một cựu cố vấn khác của ông Trump là ông Peter Navarro cũng bị buộc tội coi thường quốc hội và dự kiến ra tòa vào tháng 11.

Phản ứng trên mạng xã hội, ông Trump gọi Ủy ban Điều tra là “trò cười”, đồng thời cáo buộc các thành viên gây chia rẽ đất nước. Ông chất vấn tại sao ủy ban trên không triệu tập ông từ vài tháng trước. “Vì sao họ chờ đến lúc gần cuối, những thời điểm cuối trong cuộc họp sau cùng của họ?”, ông thắc mắc. Theo AFP, ông Trump nổi tiếng về khả năng tận dụng thời gian tối đa nhằm đối phó các cuộc điều tra, và khó có khả năng ông đồng ý đưa ra chứng cứ. Bất cứ trát triệu tập nào cũng sẽ hết thời hạn khi nhiệm kỳ quốc hội mới bắt đầu vào tháng 1.2023. Nếu giành lại thế đa số tại hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ, phe Cộng hòa dự kiến sẽ lập tức chấm dứt cuộc điều tra.

Gia tăng lời đe dọa "nội chiến, nổi loạn" sau vụ FBI khám nhà cựu Tổng thống Trump

Nỗi lo sợ của các lãnh đạo quốc hội Mỹ

Hãng Reuters ngày 14.10 đưa tin Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, lãnh đạo phe đa số tại thượng viện Chuck Schumer và các nghị sĩ hàng đầu khác đã khẩn cấp gọi cho giới lãnh đạo quân đội và nhân viên Nhà Trắng trong vụ bạo loạn ngày 6.1.2021. Tại phiên điều trần hôm 13.10, Ủy ban Điều tra lần đầu đưa ra đoạn phim cho thấy không khí lo sợ bao trùm giới lãnh đạo quốc hội, sau khi họ được sơ tán đến căn cứ Fort McNair cách đó khoảng 3 km.

Khi đó, bà Pelosi, ông Schumer, lãnh đạo phe Cộng hòa tại thượng viện Mitch McConnell và thượng nghị sĩ Cộng hòa John Thune gọi cho Bộ Quốc phòng đề nghị quân đội can thiệp. Bà Pelosi và ông Schumer còn gọi cho quyền Bộ trưởng Tư pháp khi đó là ông Jeffrey Rosen. Bà Pelosi nói qua điện thoại cho biết những kẻ bạo loạn đập vỡ cửa sổ và cướp phá các văn phòng và mọi thứ.

Bà Pelosi còn gọi cho thống đốc Virginia khi đó là ông Ralph Northam hỏi nhờ binh sĩ, cảnh sát hỗ trợ. Bà còn định gọi cho thống đốc Maryland Larry Hogan nhờ lực lượng vệ binh quốc gia can thiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.