'Cánh tay phải' của Đại tướng Tổng tư lệnh ở Điện Biên Phủ

TS Ngô Vương Anh
TS Ngô Vương Anh
03/05/2024 07:00 GMT+7

Đại tướng Hoàng Văn Thái là 'cánh tay phải' đắc lực của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong các hoạt động quân sự. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Tham mưu trưởng chiến dịch.

Bí mật làm Tham mưu trưởng chiến dịch Trần Đình

Chiến dịch Trần Đình là tên khác của chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 11.1953, thiếu tướng Văn Tiến Dũng đang là Đại đoàn trưởng Đại đoàn Đồng bằng được điều về Việt Bắc đảm nhiệm cương vị Tổng tham mưu trưởng thay cho thiếu tướng Hoàng Văn Thái. Chỉ một số rất ít người khi đó biết tướng Hoàng Văn Thái được cử làm Tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ (bí danh chiến dịch Trần Đình) sẽ mở sau đó vài tháng. Năm 1975, lại có sự hoán đổi thú vị ngược lại. Tướng Thái và tướng Dũng đổi vai trò cho nhau khi Hoàng Văn Thái nhận vị trí Tổng tham mưu trưởng thay cho Văn Tiến Dũng vào nam chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

'Cánh tay phải' của Đại tướng Tổng tư lệnh ở Điện Biên Phủ- Ảnh 1.

Đại tướng Hoàng Văn Thái

TƯ LIỆU

Ngày 26.11.1953, thiếu tướng Hoàng Văn Thái dẫn đầu Bộ Tư lệnh Tiền phương lên đường đi Tây Bắc. Ngày 30.11, ông nghiên cứu tập đoàn cứ điểm Nà Sản. Đây là tập đoàn phòng thủ được xây dựng rất kiên cố mà trận công kích trước đó của ta đã không thành công. Việc nghiên cứu thực địa kỹ lưỡng đã cung cấp cho ông nhiều kinh nghiệm để vận dụng cho trận quyết chiến Điện Biên Phủ khi đối đầu với hệ thống công sự kiên cố của quân Pháp.

Ở căn cứ Sở chỉ huy chiến dịch tại Mường Phăng, lán của tướng Giáp và lán của tướng Thái được bố trí trên cùng một sườn đồi. Lán của hai vị tướng Tư lệnh và Tham mưu trưởng cũng chỉ cách lán họp của Bộ Chỉ huy chiến dịch không đến 100 m. Công binh đã đào 69 m đường hầm nối thông hai căn lán đó để hai vị tướng chỉ huy cao nhất muốn gặp nhau bàn việc quân có thể đi theo đường hầm, bảo đảm vừa an toàn vừa bí mật mà không cần bước ra cửa lán.

Dù ban đầu ủng hộ phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh", nhưng Hoàng Văn Thái đã băn khoăn: Làm thế nào để đưa pháo vào trận địa khi ta chủ trương đánh sớm, đánh nhanh mà chưa kịp làm đường cho xe kéo pháo? Làm thế nào để hạn chế tác dụng của máy bay, pháo binh, giảm bớt thương vong khi ta đánh liên tục cả ban ngày?... Khi Tổng tư lệnh quyết định thay đổi phương án tác chiến ở Điện Biên Phủ, ông đã đôn đốc các đơn vị khẩn trương rút về theo đúng chỉ thị, bố trí lại lực lượng rồi tổ chức thực hiện triệt để phương châm "đánh chắc, tiến chắc", bóc dần từng lớp cứ điểm, ngày càng siết chặt "con nhím Điện Biên Phủ", cho đến thắng lợi hoàn toàn.

'Cánh tay phải' của Đại tướng Tổng tư lệnh ở Điện Biên Phủ- Ảnh 2.

Chiến thắng ở Điện Biên Phủ

TƯ LIỆU

Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Quyết định cân não làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

Bước trường chinh không mỏi

Đại tướng Hoàng Văn Thái tên thật là Hoàng Văn Xiêm, sinh tháng 5.1915 tại làng An Khang, tổng Đại Hoàng (nay là xã Tây An, huyện Tiền Hải, Thái Bình). Tháng 3.1938, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuộc đời binh nghiệp cống hiến cho cách mạng của ông có thể tính chính thức bắt đầu từ tháng 3.1941, khi ông được cử lên tăng cường cho Đội du kích Bắc Sơn còn non yếu. Tháng 9.1941, với bí danh là Quốc Bình, ông cùng với Hoàng Minh Thảo, Đàm Quang Trung, Vũ Lập được cử đi học tại trường Quân sự Liễu Châu (Trung Quốc). Cuối tháng 10.1944, Hoàng Văn Xiêm có bí danh mới Hoàng Văn Thái - cái tên đó đi cùng ông suốt cuộc trường chinh không mỏi.

Từ phải sang: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Song Hào, Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm, Thượng tướng Hoàng Văn Thái chỉ đạo và theo dõi tác chiến trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975

Từ phải sang: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Song Hào, Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm, Thượng tướng Hoàng Văn Thái chỉ đạo và theo dõi tác chiến trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975

TƯ LIỆU

Ngày 22.12.1944, Hoàng Văn Thái là một trong số 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, được phân công phụ trách tình báo và kế hoạch tác chiến. Theo hồi ức của các đồng đội, ông là người cầm lá cờ trong buổi lễ thành lập đội. Trong trận đánh đồn Nà Ngần, ông cũng là người cắm lá cờ chiến thắng. Không chỉ Hoàng Văn Thái mà cả vợ ông cũng "có duyên" với lá cờ trong những ngày trọng đại. Trong buổi lễ Độc lập ngày 2.9.1945 ở Hà Nội, bà Đàm Thị Loan, phu nhân của ông, là một trong hai người nhận vinh dự kéo lên lá cờ đỏ sao vàng trong giờ phút thiêng liêng.

Ngày 7.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Bộ Tham mưu và chỉ định Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng. Ông trở thành Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi mới 30 tuổi. Ngày 20.1.1948, Hoàng Văn Thái nhận quân hàm thiếu tướng trong đợt phong quân hàm cấp tướng đầu tiên cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trung tướng Nguyễn Bình và các thiếu tướng Lê Thiết Hùng, Nguyễn Sơn, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng, Lê Hiến Mai, Trần Đại Nghĩa. Năm 1980, ông được phong quân hàm đại tướng. 

Trước thềm Đại hội Đảng lần thứ VI, lúc 5 giờ 7 phút sáng ngày 2.7.1986, đại tướng Hoàng Văn Thái đột ngột qua đời. Hơn 45 năm gắn bó với từng bước trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, đi qua hai cuộc kháng chiến, tham gia chỉ huy 15 chiến dịch lớn, ông được đánh giá là một trong những tướng lĩnh có ảnh hưởng quan trọng nhất trong việc hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Vị tướng tham mưu lỗi lạc và tài hoa

Không chỉ là vị tướng tham mưu nổi danh từ thời kỳ Điện Biên Phủ, Hoàng Văn Thái còn là một người yêu âm nhạc, là một nhạc công có tài kéo nhị. Ít người biết ông là tác giả bài hát Phất cờ nam tiến sáng tác ngay trong đêm trước buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với những lời ca hào sảng, tràn đấy khí thế: "Cờ giải phóng phất cao mau thẳng tiến/ Trời phía Nam dân chúng đang chờ ta/ … Phong trào lên đang sục sôi chuẩn bị khởi nghĩa/ Mau bước đều lên, tiến tới cho kịp thời cơ ...Tung cờ giải phóng trên đất Thăng Long, trên thành Huế, trên Sài Gòn, mũi Cà Mau...".

Cũng ít người biết, từ năm 1949, Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã đề xuất hệ thống tổ chức đơn vị Quân đội Việt Nam ghi tắt theo ký hiệu. Từ cấp đầu tiên là tiểu đội, mang ký hiệu A, trung đội mang ký hiệu B, đại đội là C… cho đến đại (sư) đoàn mang ký hiệu F. Từ đó đến nay, các ký hiệu chỉ từng cấp đơn vị được sử dụng thống nhất trong toàn quân.

Sau Điện Biên Phủ tới cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hoàng Văn Thái là vị tướng tham mưu tài giỏi, là linh hồn của Bộ Tổng tham mưu. Người Mỹ đã từng coi ông là người số 1 trong danh sách Việt Cộng tại miền nam Việt Nam. Trong suốt những chặng đường binh nghiệp về sau, Hoàng Văn Thái luôn tâm niệm và thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tham mưu trong ngày giao nhiệm vụ cho ông: "... tổ chức, huấn luyện quân đội cho giỏi; tổ chức nắm địch, nắm ta rõ ràng, bày mưu kế khôn khéo; tổ chức chỉ huy thông suốt, bí mật nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ cách mạng". Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá về đại tướng Hoàng Văn Thái: "Ông là vị tướng trận mạc, sống nhân hậu, tình nghĩa được quân đội ta và nhân dân ta mến phục".

Ký ức ‘khoét núi, ngủ hầm’ và khối bộc phá ngàn cân trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.