Bảo hiểm bỏ rơi “thượng đế” - Bài 2: Hợp đồng người mua bị... thiệt!

12/10/2009 23:48 GMT+7

“Nghiên cứu kỹ các điều kiện bảo hiểm (BH), thảo luận sửa đổi hợp đồng BH trước khi ký (nếu cần thiết) để tránh thiệt thòi khi xảy ra sự cố”, một chuyên gia pháp lý khuyên những ai đang có ý định mua BH.

Hợp đồng bảo hiểm lập lờ

Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre) phân tích: “Hợp đồng BH là sự thỏa thuận bình đẳng giữa bên mua và doanh nghiệp BH. Theo đó, bên mua BH phải đóng phí, doanh nghiệp phải trả tiền BH hoặc bồi thường cho người được BH khi xảy ra sự kiện BH đã thỏa thuận... Luật còn quy định trong trường hợp hợp đồng BH có điều khoản không rõ ràng sẽ được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua”. Trên thực tế, hiếm thấy có trường hợp nào người mua BH có thể thỏa thuận hay thay đổi một điều khoản nào đó của hợp đồng mẫu, ngay cả trong trường hợp điều khoản đó không phù hợp với quy định của pháp luật.

Đơn cử như trường hợp của ông Phạm Xuân Hùng (ngụ ấp Tân Định 1, xã Suối Đá, H. Dương Minh Châu, Tây Ninh), chủ DNTN xăng dầu Mỹ Ý. Ông Hùng mua BH cháy nổ của Công ty cổ phần BH Viễn Đông với tổng giá trị tài sản trên 1,3 tỉ đồng, mức phí 4.480.000 đồng/năm. Bao gồm BH cháy nổ chính với tài sản là nhà xưởng, trụ bơm, xăng dầu, hàng rào, bồn chứa và BH phụ: máy bay rơi, bạo động, đình công, động đất, núi lửa, giông bão... “Trong mẫu đơn yêu cầu, tôi đánh dấu vào tất cả những yêu cầu BH phụ nói trên và yên tâm kinh doanh vì nghĩ đã có BH", ông Hùng nói.

“BH là hợp đồng dân sự, không nên có sự can thiệp của bên thứ 3 (công an, giám đốc). Chỉ cần các bên tự cung cấp thông tin sự cố, bên bán BH phải tham gia ngay từ đầu để xác định rõ yếu tố lỗi và thương lượng bồi thường (nếu chỉ có yếu tố dân sự), còn không thỏa thuận được thì đưa ra tòa.

Ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM

Ngày 29.8.2008, gió lốc làm hư hỏng nặng 20m tường hàng rào và 1 mái che của DN, tổng thiệt hại 23 triệu đồng. Ông Hùng gọi điện thoại, nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường. Ít tháng sau, gió lốc tiếp tục làm hư hỏng 30m tường cao 2m, ông Hùng lại liên lạc. Sau nhiều lần liên lạc, cuối cùng hai nhân viên BH cũng xuất hiện đưa cho ông 1 triệu đồng “hỗ trợ” cho cả hai lần bị rủi ro mà không làm thủ tục bồi thường với lý do chỉ BH rủi ro cháy nổ mà thôi. Ông Hùng cho rằng đây là hành vi lập lờ, trên mẫu giấy liệt kê các rủi ro phụ để khách hàng đăng ký nhưng khi cấp giấy chứng nhận BH lại lờ đi mà không có văn bản nào từ chối làm người mua BH lầm tưởng tất cả yêu cầu BH phụ này đã bao gồm trong BH cháy nổ bắt buộc chính. "Cứ đi tới đi lui hoài, bất mãn quá tôi bỏ luôn 1 triệu đồng đó không thèm lấy, đi mua BH của đơn vị khác cho xong. Tui cũng không biết đơn vị mới này thế nào, chỉ khi nào có rủi ro xảy ra mới biết họ làm ăn ra sao", ông Hùng than.

Trao đổi về trường hợp này, ông Phan Quốc Dũng, Tổng giám đốc BH Viễn Đông vẫn khẳng định BH của ông Hùng là cháy nổ, nhưng nguyên nhân tổn thất là do lốc xoáy nên không được bồi thường. “Tuy nhiên để quảng bá thương hiệu và thể hiện thiện chí nên chúng tôi hỗ trợ số tiền trên” - ông Dũng nói.

Nhiêu khê thủ tục

Một bạn đọc khác đang sử dụng chiếc Ford Everest cho biết đã mua BH của Bảo Minh đến năm 2010 mới hết hạn. Lúc mua thông qua một đại lý, tư vấn miệng nghe dịch vụ cũng “ngon” nên mua. Đến khi đụng chuyện mở hợp đồng ra coi thì té ngửa. “Hợp đồng chỉ ghi vỏn vẹn mấy chữ “điều kiện BH theo quy tắc số...” mà không có quyển quy tắc nào kèm theo. Khi có tai nạn xảy ra họ bắt bẻ, trừ tiền đủ kiểu, lúc thì nói khai báo không kịp thời, khi thì bảo mình có lỗi trong tai nạn... Trong khi đó, hợp đồng lại không ràng buộc trách nhiệm nếu chủ xe liên lạc mà nhân viên BH không đến ghi nhận tai nạn kịp thời thì bị chế tài gì?”, anh này ấm ức.

Chủ một đơn vị vận tải ở Q.5, than phiền: “Khi xảy ra tai nạn giao thông, thường phần thiệt thuộc về người mua BH. Cách đây không lâu, khi ô tô tải 15 tấn của chúng tôi vào cảng Bến Nghé chở hàng tông xe tải khác khiến ca-bin xe hư hỏng nặng. Sau đó, việc sửa chữa diễn ra ở ga-ra do BH chỉ định kéo dài mấy tháng khiến chúng tôi không kinh doanh được, bị thiệt hại kinh tế nhưng không thể bắt bẻ được BH vì chuyện này không có thỏa thuận trong hợp đồng”.

Bên cạnh đó, với người mua BH còn có nỗi ám ảnh khác là giấy xác nhận tai nạn giao thông của cơ quan công an khi đi làm thủ tục bồi thường BH. Bất cứ vụ bồi thường nào, công ty BH cũng yêu cầu khách hàng cung cấp giấy xác nhận này. Anh Tùng đang sở hữu một chiếc xe Honda Civic nói: “Không ai bỏ hơn nửa tỉ đồng ra tậu xe mới rồi cố tình va quệåt để lấy tiền bồi thường vài triệu đồng. Tuy nhiên, thủ tục BH xe quá nhiêu khê làm nản lòng khách hàng. Như tôi chạy xe ngoài đường bị xe máy va quệåt trầy xước, móp méo; khi liên hệ với BH thì được biết phải có xác nhận của công an phường hoặc giám đốc công ty nơi xe đậu xảy ra va quệåt xác nhận. Không biết, anh công an phường nào chịu xác nhận mấy vụ việc dân sự chẳng liên quan đến nghiệp vụ của mình. Thậm chí xe bị va quệåt xong, người gây hậu quả bỏ chạy rồi thì lấy gì làm bằng chứng chứng minh. Đó là chưa kể chỗ mình bị va quệt không có ông giám đốc nào cả thì cậy nhờ ai?”, anh Tùng bức xúc.

Xung quanh vấn đề này, ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cũng phản ứng: “BH là hợp đồng dân sự, không nên có sự can thiệp của bên thứ ba (công an, giám đốc). Chỉ cần các bên tự cung cấp thông tin sự cố, bên bán BH phải tham gia ngay từ đầu để xác định rõ yếu tố lỗi và thương lượng bồi thường (nếu chỉ có yếu tố dân sự), còn không thỏa thuận được thì đưa ra tòa. Đằng này, BH lại để chủ phương tiện phải tự mày mò, nhờ vả người khác thương lượng với thân nhân người liên quan đến vụ tai nạn. Đôi khi những vụ thương lượng này còn còn dẫn đến cả xô xát... Khi thương lượng xong chưa phải là hết mà còn phải chờ BH xem xét mới biết có được bồi thường hay không là làm khó người mua BH”.

Lê Nga - Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.