Chung tay giải quyết vấn đề ăn xin

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
21/05/2024 05:15 GMT+7

Chương trình "5 không", trong đó "không có người lang thang xin ăn" đã trở thành "thương hiệu" của TP.Đà Nẵng trong nhiều năm qua. Thế nhưng, thời gian gần đây, tình trạng người ăn xin đang quay trở lại…

Báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn năm 2024 cho biết, chỉ trong vòng 4 ngày diễn ra lễ hội (26 - 29.3), Phòng LĐ-TB-XH Q.Ngũ Hành Sơn đã phối hợp với Tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn (Tổ 550) phát hiện 37 trường hợp lang thang ăn xin, ăn xin biến tướng, trong đó đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội 1 trường hợp.

Đây là con số đáng suy ngẫm khi chủ trương "không có người lang thang xin ăn" của TP.Đà Nẵng đã được thực hiện từ nhiều năm. Không chỉ vậy, thời gian qua, một số tuyến đường trung tâm TP ghi nhận có tình trạng người xin ăn vạ vật ở vỉa hè, lang thang xin tiền ở các quán xá…

Sở LĐ-TB-XH TP.Đà Nẵng cũng nhìn nhận thời gian gần đây, tình trạng lang thang đánh giày, bán hàng rong chèo kéo khách và xin ăn biến tướng xuất hiện trở lại một số khu vực cấm, khu danh lam thắng cảnh có đông du khách, gây mất mỹ quan đô thị. Năm 2023, Tổ 550 đã phối hợp các đơn vị, địa phương phát hiện, xử lý 409 trường hợp (tăng 59 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022); phối hợp với công an các phường, xã đưa 147 lượt người vào Trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng tạm thời và Bệnh viện Tâm thần để chăm sóc, điều trị.

Hiếm nơi nào có hẳn một nghị quyết của HĐND TP quy định về chính sách hỗ trợ công tác xử lý người lang thang, xin ăn trên địa bàn như Đà Nẵng. Trong đó có nội dung thưởng nóng cho tập thể, cá nhân phát hiện, theo dõi và thông báo cho lực lượng chức năng xử lý người xin ăn, xin ăn biến tướng… với mức 300.000 đồng/trường hợp.

Bởi vậy, chính quyền các địa phương ở Đà Nẵng cần tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, thay vì cho tiền, khi phát hiện người ăn xin nên tích cực thông báo cho cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết (đường dây nóng 02363.550.550). Khi báo tin, người dân không những không dung túng cho hành vi phản cảm, mà còn góp phần xây dựng nếp sống văn minh. Có được sự chung tay của cả cộng đồng, tệ nạn này mới hy vọng sẽ không còn đất "bén rễ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.