Chuyên gia Park Chung-gun bị ‘quên’ ở lễ vinh danh đội tuyển bắn súng: Tôi cảm thấy buồn!

19/10/2023 20:02 GMT+7

'Thứ tôi cần không phải tiền thưởng, mà là sự ghi nhận xứng đáng cho tâm huyết của một người thầy', ông Park Chung-gun mở đầu câu chuyện. Một ngày trước, chuyên gia người Hàn Quốc bị coi như 'vô hình' ở lễ vinh danh đội tuyển bắn súng Việt Nam sau ASIAD 19.

'Tôi chỉ cần sự ghi nhận'

Lễ vinh danh đội tuyển bắn súng Việt Nam ngày 18.10 gây ra phản ứng mạnh, khi Liên đoàn Bắn súng Việt Nam dù tặng bằng khen, trao thưởng cho các VĐV, HLV như Phạm Quang Huy, Lại Công Minh, Phan Công Minh, Hoàng Xuân Vinh, nhưng lại "bỏ quên" chuyên gia Park Chung-gun - người thầy đã gắn bó mật thiết và có nhiều công lao với bắn súng Việt Nam.

Chiều 18.10, ông Park Chung-gun ngồi lặng lẽ ở một góc bàn. Chuyên gia người Hàn Quốc không biểu lộ quá nhiều cảm xúc trong buổi lễ vinh danh mà các học trò lần lượt lên nhận bằng khen, nói lời cảm ơn, các lãnh đạo nói về công trạng hay những vất vả khó khăn để có huy chương ASIAD 19.

Nhưng cái tên Park Chung-gun chẳng được xướng lên dù chỉ một lần. Ông lặng lẽ ra về trước khi buổi lễ khép lại, mắt rơm rớm nước mắt. Bức ảnh chụp chung của cả đội tuyển bắn súng Việt Nam chiều 18.10, hiển nhiên, không có sự hiện diện của ông Park.

"Cảm giác của ông khi ấy là gì? Buồn bực, thất vọng, hay chỉ đơn giản là nuốt nỗi buồn vào cổ họng rồi để nó trôi tuột đi?", tôi mở đầu câu chuyện với ông Park Chung-gun. Chuyên gia Hàn Quốc mỉm cười, nhưng đó là nụ cười chua chát.

"Bạn gọi đó là nỗi buồn cũng được, nỗi thất vọng cũng được", HLV Park Chung-gun nhớ lại.

Ông vừa kể chuyện, vừa nhìn thực đơn đồ uống rồi gọi: "Cho một cốc sinh tố xoài". Bạn không nghe nhầm đâu, người đàn ông Hàn Quốc trung niên nói từ "sinh tố xoài" tròn vành rõ chữ, không phải bằng tiếng Hàn hay tiếng Anh, mà là tiếng Việt. 10 năm sống ở Việt Nam, ông Park nói không sõi tiếng Việt, nhưng rất thích dùng nó để biểu thị sự gần gũi.

Ông Park kể, ông thích cảm giác khi học trò của ông như Phạm Quang Huy hay Trịnh Thu Vinh gọi mình là "thầy ơi". "Đấy, họ gọi tôi như vậy, gọi thầy ơi, thầy ơi rất tình cảm". Tôi không chỉ yêu đất nước, con người Việt Nam, mà còn yêu nghề, yêu những mối quan hệ mà nghề nghiệp đã mang lại cho tôi".

Ông hạnh phúc vỡ òa khi Phạm Quang Huy giành HCV ASIAD 19, dù Huy đánh bại chính một xạ thủ đồng hương của ông (VĐV Lee Woo-ho) để lên ngôi vô địch. Ông Park nói, đó là thành quả của quá trình rèn luyện, vượt khó bền bỉ trước giải đấu.

Nỗi buồn vô hạn của người thầy bắn súng Việt Nam  - Ảnh 2.

HLV Park Chung-gun và người viết

Vậy mà ngày vinh danh, ông Park Chung-gun không nhận được dù chỉ một lời cảm ơn. Tất cả đều biết sự hiện diện của chuyên gia Hàn Quốc, nhưng bục trao thưởng hôm nay, bên cạnh là những bó hoa tươi thắm đang chờ sẵn, lại chẳng có thứ gì dành cho ông.

"Tôi cảm thấy buồn, nhưng hãy hiểu rõ điều này. Tôi không cần tiền, dù chỉ 1 đồng cũng không cần. Thứ tôi cần là sự trân trọng, là danh dự của một người làm nghề bằng cả trái tim", HLV Park Chung-gun nói rõ ràng, rành mạch và viết chữ "trân trọng" vào công cụ dịch của Google, để chắc chắn rằng tôi hiểu đúng từ ấy.

Xạ thủ giành HCV ASIAD 19 đầu tiên cho Việt Nam: Con nhà nòi, học trò HLV Hoàng Xuân Vinh

Trái tim người thầy

Gắn bó với bắn súng Việt Nam từ năm 2006 theo lời đề nghị của Liên đoàn Bắn súng Hàn Quốc, HLV Park Chung-gun đã bồi dưỡng nên nhiều thế hệ xạ thủ tài năng. Dù công việc ở Hàn Quốc đang ổn định, lại được gần gia đình, nhưng ông vẫn quyết định tới Việt Nam.

Chuyên gia Park Chung-gun đã dìu dắt bắn súng Việt Nam từ những ngày khó khăn nhất, khi đội tuyển bắn súng thiếu đạn, thiếu bia điện tử, nhìn đâu cũng thấy thiếu thốn. Trong thể thao quả thực cơ sở vật chất rất quan trọng, hãy nhìn những VĐV đẳng cấp thế giới được trang bị "tận răng" để hiểu yếu tố ấy cần thiết thế nào.

Nhưng ông Park tâm niệm, rằng điều cốt lõi làm nên chiến thắng trong thể thao vẫn phải là con người. Và chuyên gia người Hàn Quốc đến Việt Nam, có những ngày đổ mồ hôi, sôi nước mắt đầy khó nhọc với biết bao lứa xạ thủ cũng là nhờ có "đức tin" và niềm kiêu hãnh nghề nghiệp mà chính ông cũng chẳng lý giải được.

"Người ta hay nói về kỹ thuật, nhưng hãy nhớ, thể thao cần có tâm lý. VĐV phải xây dựng nền tảng tâm lý tốt, có ý chí vững vàng. Là người thầy, tôi phải yêu thương, thấu hiểu VĐV như người cha. Đôi lúc lại lắng nghe, tâm sự với họ như người bạn", HLV Park Chung-gun phân tích.

Nỗi buồn vô hạn của người thầy bắn súng Việt Nam  - Ảnh 3.

HLV Park Chung-gun trân trọng kỷ niệm với học trò Hoàng Xuân Vinh

Nói đến hai tiếng "người cha", ông nghẹn lại. Chuyên gia người Hàn Quốc chỉ tay vào đầu, nói rằng thứ kết nối giữa người với người chính là cảm xúc và trái tim. Lắng nghe cảm xúc và thấu hiểu tâm tư, suy nghĩ của VĐV là điều khó khăn nhất.

Ròng rã nhiều năm trời, ông Park Chung-gun ở bên động viên, giúp học trò củng cố tinh thần. "Chúng ta đều là con người, phàm là con người, chẳng thể thiếu lúc mệt mỏi, sợ hãi, lo âu hay muốn chùn bước. Nhưng điều làm nên khác biệt của một VĐV giỏi là phải vững vàng. Tôi lắng nghe, động viên họ và cùng họ vượt qua khó khăn như một người đồng hành, đơn giản chỉ có vậy".

Ông Park Chung-gun kể về kỷ niệm với Hoàng Xuân Vinh ở Olympic Rio 2016. Hai thầy trò đã ôm chầm lấy nhau đầy hạnh phúc sau tấm HCV lịch sử, nhưng ông Park nhanh chóng kéo học trò về lại mặt đất với lời dặn dò.

"Em hãy nhớ, rằng khi có được thành quả, điều đầu tiên chúng ta nghĩ tới đừng bao giờ là tiền bạc hay hào quang. Là VĐV, chúng ta hãy học cách biết ơn. Hãy đặt tay lên trái tim, rồi gửi lời cảm ơn đến Tổ quốc, đến những người đã giúp em có thành công này, đến gia đình, đến bạn bè. Hãy luôn nhìn xung quanh với trái tim tràn ngập yêu thương và sự biết ơn. Hiểu rằng mình có được thành công này là nhờ ai, em sẽ luôn khiêm nhường, dũng cảm và không ngừng tiến lên", ông Park nhớ lại.

Đó cũng là lời dặn mà chuyên gia Hàn Quốc dành cho mọi lứa học trò mà ông dìu dắt và yêu thương. Dạy cho học trò đoạt huy chương ASIAD, Olympic đã khó, phải dìu dắt họ trở thành người tử tế và khiêm nhường mới đích thực là người thầy.

Bất chợt tôi hỏi ông, liệu ông có nghĩ mình đã tạo nên lịch sử cho bắn súng Việt Nam, rằng nếu không có Park Chung-gun, sẽ chẳng có HCV Olympic 2016 hay ASIAD 19.

Ông Park mỉm cười, một nụ cười hiền hậu của một ông chú Hàn Quốc. "Ừ, lịch sử đấy, nhưng điều đó chẳng quan trọng. Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là được thấy học trò trưởng thành, trở thành người lễ độ, biết nói lời cảm ơn". Ông muốn họ luôn nhìn cuộc đời với thái độ cầu tiến và biết ơn, và người ta nhìn họ bằng ánh mắt cảm thông, động viên.

Chứ chẳng phải là "cỗ máy" kiếm huy chương hay thành tích.

Nỗi buồn vô hạn của người thầy bắn súng Việt Nam  - Ảnh 4.

Nỗi buồn vô hạn của người thầy bắn súng Việt Nam  - Ảnh 5.

Nỗi buồn vô hạn của người thầy bắn súng Việt Nam  - Ảnh 6.

HLV Park được học trò tôn trọng

"Anh biết không, tôi không muốn người ta chỉ nhìn vào huy chương để đánh giá VĐV. Mỗi VĐV có một chu trình phát triển riêng, có lên, có xuống, có thành công, có thất bại. Nếu ta chỉ nhìn vào huy chương đánh giá, điều ấy chẳng công bằng với họ đâu. Tôi không giống những người khác, tôi đánh giá VĐV bằng cả quá trình, đong đếm từng giọt mồ hôi, nước mắt và nỗ lực họ đã bỏ ra. Đó thực sự là cái tâm của một người thầy, mà tôi nghĩ đã làm thầy, thì nên nhìn nhận VĐV của mình như thế. Bằng tinh thần thể thao, bằng trái tim bao dung và nhẫn nại. Hãy đối xử với nhau thành thật, đừng bao giờ dối trá. Một môi trường chỉ toàn những lời dối trá, rồi sẽ chẳng đi đến đâu", HLV Park Chung-gun kể lại.

Yêu Việt Nam bằng cả trái tim

Dòng tâm sự của ông Park ngưng lại, khi tôi đề cập đến chuyện hợp đồng. Hết tháng 10 này, hợp đồng của ông sẽ đáo hạn. "Về Hàn Quốc hay ở lại Việt Nam cống hiến tiếp, ông đã nghĩ đến chưa?", tôi hỏi.

Ông Park Chung-gun suy nghĩ rất lâu. Sự dứt khoát, trực diện của người thầy bắn súng không còn, khi ông nói nửa chừng rằng còn đầy những đắn đo, suy nghĩ. Ông suy tư chẳng phải vì lễ vinh danh, mà còn bởi cách đối xử giữa người với người, có lẽ còn điều gì đó chưa trọn vẹn.

"Tôi sẽ suy nghĩ kỹ, rồi làm việc với Cục TDTT. Việc tôi đi hay ở không quan trọng đâu, thật đấy. Cái cần thiết nhất là xây dựng môi trường thể thao với sự khoa học, bài bản, cùng một nền văn hóa biết nói lời cảm ơn. Sự biết ơn sẽ làm nên tất cả. Tôi muốn học trò mình hiểu điều đó. Đừng quay lưng với những người từng hết lòng giúp đỡ mình", ông Park Chung-gun nói.

Sau một câu chuyện dài, HLV Park nhìn từng vạt nắng khi Hà Nội vào thu. Ông nói mình đã lỡ yêu đất nước này, yêu con người nơi đây, nên dù đã đánh đổi cả tuổi xuân để theo nghiệp huấn luyện bắn súng, có lẽ thầy Park cũng không tiếc.

"Nếu có rời đội bắn súng, tôi cũng sẽ ở Việt Nam thôi, ở đây mọi thứ rất tuyệt. Tôi có những người bạn Hàn Quốc, có cả người anh em thân thiết Park Hang-seo nữa. Tôi muốn tận hưởng từng khoảnh khắc, còn chuyện tương lai, có lẽ chúng ta phải chờ thêm", ông Park Chung-gun khép lại câu chuyện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.