Clip trẻ bật khóc khi thấy người lớn lao động vất vả: Chuyên gia giáo dục nói gì?

11/11/2023 11:17 GMT+7

Gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều video clip cô giáo cho học sinh cấp 1 xem cảnh người lao động vất vả để giáo dục các em tình yêu thương ba mẹ. Không ít em liên tưởng đến sự vất vả của ba mẹ mình rồi bật khóc.

Những video clip gây "bão mạng"

PV Thanh Niên liên hệ được với cô Lô Thị Dung, trường TH Quang Phong 1, thuộc huyện miền núi Quế Phong, Nghệ An là một trong những cô giáo trong câu chuyện trên.

Theo nữ giáo viên, ngoài kiến thức thì việc giáo dục đạo đức cho học sinh là vô cùng quan trọng. Vì thế, cô muốn lồng ghép cách giảng dạy này vào những bài học văn hóa. Cụ thể là cho học sinh của mình xem những video cảnh người lớn lao động vất vả để giáo dục các em tình yêu thương ba mẹ. Mục đích là để các em biết phụ huynh phải cố gắng rất nhiều, việc đi làm, kiếm tiền lo cho con ăn học không phải là điều dễ dàng.

Video cô Dung cho các em xem cảnh người lớn lao động vất vả để dạy học sinh về tình yêu thương cha mẹ được đăng lên mạng xã hội, thu hút gần 1 triệu lượt xem.

Cô Dung chia sẻ, hiện cô đang chủ nhiệm các em học sinh lớp 3. Sĩ số lớp là 30 em thì có đến 28 em là con của hộ nghèo và cận nghèo. Các em đều có ba mẹ đi làm xa nhà, là công nhân trong các khu công nghiệp ở miền Bắc. Vì thế, học sinh chủ yếu được ba mẹ gửi cho ông bà ở quê nhờ chăm sóc, nuôi dạy.

"Tôi không nghĩ khi mở video này các em lại trầm tư đến vậy. Tôi cũng sắp khóc theo các em, phải cố kìm nước mắt để dỗ dành học sinh. Tuy không được ở bên ba mẹ thường xuyên nhưng mong các con yêu thương họ nhiều hơn. Mong các em sẽ lấy đó làm động lực để phấn đấu, vượt qua hoàn cảnh", cô giáo nói.

Đoạn clip nhận được nhiều sự tương tác từ cư dân mạng. Mạng xã hội gần đây cũng xuất hiện thêm nhiều video tương tự do các cô giáo đăng tải. Nhiều người thắc mắc, không biết trẻ em ở độ tuổi cấp 1 có hiểu ý nghĩa sâu xa của những video đó hay không. Theo họ, trẻ con luôn yêu thương ba mẹ không phải vì ba mẹ cực khổ vì mình.

Có ý kiến cho rằng, việc cho học sinh xem video người lớn lao động cực khổ, để hướng các em đến việc phải yêu thương cha mẹ là dấy lên sự xúc động nhất thời của trẻ, nhồi nhét mong muốn của người lớn vào đó.

Nếu xem video cha mẹ đi làm cực khổ mới thương, vậy có những cha mẹ không cực khổ như vậy thì không cần thương? Chưa kể, xoáy vào con trẻ rằng cha mẹ cực khổ nuôi con, vô hình trung có thể tạo tâm lý cho trẻ tự cảm thấy mình là gánh nặng của gia đình.

Mối quan hệ yêu thương của con trẻ với cha mẹ cần là sự tự nguyện, khởi nguồn từ chính trong lòng đứa trẻ. Đứa trẻ yêu thương cha mẹ vì sự gắn bó, gần gũi, sự cảm thấy được chăm sóc, được lắng nghe.

Chuyên gia nói gì?

Tuy vậy, bên dưới đoạn video vẫn có rất nhiều bình luận ủng hộ việc làm này của cô giáo khen ngợi đây là cách giáo dục ý nghĩa, cần áp dụng rộng rãi trong trường học. Vậy, cách làm của các giáo viên có hợp lý không? Có nên áp dụng cách này để giáo dục con trẻ về tình yêu thương dành cho ba mẹ hay không?

Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Phương bày tỏ quan điểm: "Việc lồng ghép nội dung video như vậy về bản chất là hay và hữu ích. Tuy nhiên, giáo viên nên lưu ý trao đổi tiếp với học sinh về cảm nhận và cảm xúc của chính các em về nội dung video. Nghĩa là làm thêm công đoạn đón nhận và chia sẻ cảm xúc. Hãy để cho các em biểu đạt cảm xúc của mình".

Xem cảnh người lớn lao động vất vả có giúp trẻ thêm yêu thương ba mẹ?  - Ảnh 2.

TS Giáo dục học, chuyên gia khai vấn học đường Nguyễn Thụy Phương.

NVCC

TS Thụy Phương - chuyên gia khai vấn học đường lý giải, khóc nức nở hay rơm rớm nước mắt là khác nhau, cảm xúc của học sinh 6 tuổi khác học sinh 11 tuổi, điều kiện gia đình cả vật chất lẫn tinh thần cũng khác nhau, sinh hoạt gia đình nông thôn hay thành thị cũng khác nhau, số phận hay câu chuyện của các gia đình cũng khác nhau... Từ những khác biệt đó mà giáo viên phải hiểu và biết cách phân tích, giáo viên sẽ phải giải thích lại cho các em học sinh vì sao có bạn lại khóc nức nở như vậy.

Ví dụ, khi học sinh biểu đạt vì sao mình lại rơm rớm vì mình thương người lao động vất vả, sẽ khác với một học sinh khác kể rằng cảnh này làm em nhớ đến bà, đi làm ngoài đồng về, bà ngã giữa nhà rồi qua đời. Từ câu chuyện của mỗi cá nhân học sinh đó, giáo viên tổng kết lại cho học sinh hiểu bối cảnh.

"Ngoài ra, giáo viên cũng có thể đặt những câu hỏi mang tính gợi ý, rằng các em sẽ làm gì khi nhìn thấy những người thân, người quen làm việc khó nhọc, cực khổ. Đây là cách hướng học sinh đến những giải pháp tương ứng và phù hợp với lứa tuổi của mình", TS Thụy Phương chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.