Có ngoại hình đẹp, học ngành du lịch và dịch vụ mới thành công?

22/02/2023 10:27 GMT+7

Theo chuyên gia, yêu cầu ngoại hình là cần có ở một số vị trí đặc thù như lễ tân khách sạn. Tuy nhiên, với ngành du lịch và dịch vụ nói chung, đây chỉ là một điểm cộng, không quyết định thành công trong nghề.

Nhiều băn khoăn từ học sinh trong bối cảnh ngành du lịch, dịch vụ đang phục hồi sau những tác động của dịch Covid-19 đã được các chuyên gia giải đáp trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành du lịch-dịch vụ" diễn ra vào chiều 21.2.

"Thời điểm vàng" để học ngành du lịch

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT về quy mô đào tạo ĐH trong năm học 2021-2022, khối ngành VII, trong đó có nhóm ngành du lịch-dịch vụ, xếp thứ 3 về số lượng người theo học, tương đương hơn 435.000 sinh viên.

Lý giải con số này, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết sau giai đoạn "trầm mình" vì đại dịch, ngành du lịch đang "trở mình" nhanh chóng và dự kiến trong năm 2023 sẽ có sức nóng "rất lớn".

Có ngoại hình đẹp, học ngành du lịch và dịch vụ mới thành công? - Ảnh 1.

Các khách mời tham gia chương trình

LÊ THANH HẢI

"Du lịch cùng công nghệ thông tin là 2 ngành có cơ chế đào tạo đặc thù nên đây là thuận lợi cho những thí sinh có đam mê. Tuy nhiên, bạn trẻ cũng cần phân định rõ bản thân mê đi du lịch hay mê làm du lịch, vì mỗi lựa chọn sẽ có một tâm thế tiếp cận khác nhau. Ngoài ra, nghề này đang yêu cầu tính thích ứng nhanh, xông pha và có nhiều ý tưởng, nhất là sau những biến động vừa qua", ông Tư lưu ý.

Đồng quan điểm trên, thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Sài Gòn, nhấn mạnh, du lịch được Việt Nam xem là ngành kinh tế mũi ngọn, có tốc độ hồi phục nhanh nhất sau dịch Covid-19.

"Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp để làm trong ngành du lịch và nhà hàng, khách sạn. Bạn phải biết quảng giao, thích giao tiếp, luôn giữ nụ cười trên môi, quan trọng nhất là khả năng tháo vát, xử lý tình huống và chân thành, kiên nhẫn với khách hàng", bà Xuân nêu quan điểm.

Có ngoại hình đẹp, học ngành du lịch và dịch vụ mới thành công? - Ảnh 2.

Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Sài Gòn

LÊ THANH HẢI

Chia sẻ thêm về thị trường lao động, thạc sĩ Huỳnh Trọng Hiếu, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho hay trong giai đoạn dịch Covid-19, nhiều người làm du lịch chọn chuyển đổi nghề nghiệp và đến nay đã ổn định với cuộc sống mới, trong số đó có không ít nhân sự chất lượng cao.

"Vì ngành du lịch, dịch vụ đang ở trong quá trình hồi phục trở lại, thị trường lại thiếu vắng lao động nên đây chính là 'thời điểm vàng' để theo học", ông Hiếu nói.

Đối với mức lương khi ra trường, thạc sĩ Nguyễn Thị Thủy, giảng viên bộ môn Du lịch Trường ĐH Mở TP.HCM, bật mí người học có thể kiếm được đến 50 triệu đồng/tháng nếu nỗ lực và thu nhập từ ngành du lịch "luôn cao hơn những nghề khác". Tuy vậy, để đạt được con số này, bà Thủy khuyên thí sinh trước hết phải xác định mình có đủ yêu nghề hay không.

Có ngoại hình đẹp, học ngành du lịch và dịch vụ mới thành công? - Ảnh 3.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thủy, giảng viên bộ môn Du lịch Trường ĐH Mở TP.HCM

LÊ THANH HẢI

"Công việc của chúng ta là phục vụ khách hàng chứ không phải tận hưởng cá nhân. Nếu yêu nghề, ngay khi bước vào môi trường đào tạo, bạn phải thay đổi thái độ, nhận thức phù hợp với tinh thần của người làm dịch vụ, đảm bảo tự chủ trong công việc và bổ sung những kỹ năng mềm cần có", thạc sĩ Thủy đưa ra lời khuyên.

Chú ý gì để có sức cạnh tranh?

Để đón đầu nhu cầu doanh nghiệp và thị trường du lịch mới như Ấn Độ, thạc sĩ Xuân cho biết chương trình đào tạo trong năm 2023 sẽ mở thêm 2 ngành mới tập trung vào năng lực ngoại ngữ gồm hướng dẫn viên quốc tế và quản trị khách sạn cao cấp. "Điểm khác biệt là cả 2 sẽ tiến hành xét tuyển riêng, trong đó có phỏng vấn bằng ngoại ngữ và kiểm tra tư duy", bà Xuân thông tin.

Có ngoại hình đẹp, học ngành du lịch và dịch vụ mới thành công? - Ảnh 4.

Sinh viên ngành dịch vụ tham gia một cuộc thi chế biến món ăn Việt ngày tết với nguyên liệu chính là việt quất

NGỌC LONG

Một trong những băn khoăn của thí sinh đối với ngành du lịch, dịch vụ là nếu không nổi bật về ngoại hình thì liệu có thành công. Trả lời vấn đề này, thạc sĩ Xuân nhận định tùy theo vị trí sẽ có sự ưu tiên nhất định. Chẳng hạn, khu vực lễ tân của các khách sạn quốc tế có thiết kế chuẩn về chiều cao nhất định nên nhân sự làm công việc này phải có ngoại hình sáng sủa, cao ráo.

"Nhưng nếu làm hướng dẫn viên du lịch thì ngoại hình không là yếu tố quan trọng. Ở thời điểm hậu đại dịch, khi các tour chữa lành 'lên ngôi', người làm du lịch ngoài kiến thức, sức khỏe còn phải biết cách lắng nghe, thấu cảm và hiểu tâm lý du khách. Làm sao để du khách cảm thấy thoải mái và an toàn là yếu tố hàng đầu các công ty du lịch đang hướng đến, và cũng là mục tiêu của chương trình đào tạo", bà Xuân lưu ý.

Có ngoại hình đẹp, học ngành du lịch và dịch vụ mới thành công? - Ảnh 5.

Làm du lịch có cần ngoại hình đẹp hay không là thắc mắc của nhiều học sinh

G.H

Thạc sĩ Thủy đồng thời lưu ý, khi nói về cái đẹp của con người, ta không nên chỉ tập trung vào ngoại hình. "Có khi chỉ cần một nụ cười đẹp, một hành động đẹp cũng có thể khiến khách hàng hài lòng", bà Thủy chia sẻ.

Theo thạc sĩ Thủy, ngành du lịch, dịch vụ đang rất cần lao động chất lượng cao, và nếu thí sinh thấy bản thân có ưu thế ngoại ngữ lẫn sự năng động, sáng tạo thì nên tận dụng điều này.

Tương tự, thạc sĩ Tư cũng nhìn nhận ngoại hình chỉ là điểm cộng, và tố chất quyết định để thành công trong ngành là kiến thức.

"Học du lịch là học trở thành kho tàng của thế giới vì phải có nền tảng kiến thức cực kỳ rộng và vững chắc về các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị... để thuyết minh lẫn thiết kế tour. Trong thực tế, nhiều hướng dẫn viên thành công chỉ nhờ biệt tài nhỏ như khả năng hoạt náo cho khách trên xe để giảm đi mệt mỏi sau hành trình", ông Tư cho hay.

Có ngoại hình đẹp, học ngành du lịch và dịch vụ mới thành công? - Ảnh 6.

Thạc sĩ Huỳnh Trọng Hiếu, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn

LÊ THANH HẢI

Mặt khác, thạc sĩ Tư thông tin người học muốn làm hướng dẫn viên phải trải qua kỳ thi riêng mới được cấp giấy phép hành nghề, chứ không phải ra trường là được làm việc ngay như lầm tưởng của nhiều người.

Theo ông Tư, ở những ngành quản trị, sinh viên không chỉ học "cách làm sếp" mà còn tiếp xúc với những quy trình rất nhỏ để hiểu rõ bản chất của toàn hệ thống, như cách nấu ăn, xếp khăn, quản lý buồng phòng...

"Trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, nếu mạnh 2 ngoại ngữ thì sẽ có sức cạnh tranh cực kỳ lớn trong thị trường", ông Tư nói thêm.

Lưu ý thêm với phụ huynh, thạc sĩ Hiếu cho rằng bậc cha mẹ khi cho con em đăng ký phải biết được con em có phù hợp với ngành nghề hay không, như muốn làm dịch vụ du lịch thì không được say xe và phải có sức khỏe tốt, hay ở dịch vụ ăn uống nên có năng khiếu về kỹ thuật và chế biến món ăn.

"Ở ngành dịch vụ, việc làm không bao giờ thiếu nên thí sinh hãy chiêm nghiệm rõ bản thân và ngành nghề, sau đó mạnh dạn đăng ký hồ sơ", ông Hiếu đúc kết trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chọn ngành học tương lai: Khối ngành du lịch-dịch vụ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.