Trợ cước cho ai ?

15/09/2005 00:15 GMT+7

Kể từ năm 1998, tại nhiều vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, Nhà nước đã thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước cho người dân. Mỗi năm đã có hàng trăm tỉ đồng từ ngân sách trung ương được rót xuống để ngành thương mại tổ chức cung ứng muối iốt, dầu hỏa, giấy vở học sinh, phân bón, giống cây trồng... cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa được mua với giá ổn định, bằng với giá bán tại các vùng đồng bằng. Thậm chí, có một số mặt hàng còn được cấp không thu tiền như bột canh iốt.

Thế nhưng, trên thực tế, có thật là những người dân được hưởng chính sách này được mua, nhận các sản phẩm đúng như mong muốn của người đề ra chính sách không?

Theo kết quả thanh tra, kiểm tra của các cơ quan thanh tra tài chính thì ở nhiều nơi, người dân không hề được hưởng chính sách này. Ở Yên Bái, một tỉnh có tới 70 xã vùng cao được nhận hàng trợ giá, Công ty Thương mại-Du lịch Yên Bái đã lập chứng từ khống để được thanh toán tiền trợ giá, trợ cước. Trong 2 năm 2003 và 2004, công ty này đã cung ứng 7.600 tấn muối iốt, được ngân sách thanh toán trên 3,7 tỉ đồng. Nhưng trên thực tế, kiểm tra tại 5 huyện, số lượng muối iốt được trợ giá, trợ cước thực nhận chỉ đạt 4.044 tấn.  Cũng trong 2 năm đó, Công ty Thương mại - Dịch vụ Yên Bái thực nhận gần 426.000 tấn dầu hỏa, được thanh toán tiền trợ cước vận tải gần 156 triệu đồng, nhưng các cửa hàng lại giao cho các đại lý một lượng chỉ đạt 57%... Trên thực tế, lượng hàng chính sách chủ yếu đến trung tâm các huyện. Phần lớn các đại lý nhập chung hàng trợ giá với hàng của riêng mình, bán cùng giá kinh doanh. Có phần nào thừa ra, các đại lý giao cho những người gọi là làm "marketing", hay đi lang thang rao bán ở các bản làng mà người dân tộc gọi trệch ra là "ma khoét túi".

Tình hình cũng tương tự ở một số nơi khác. Như tỉnh Bình Dương, thậm chí giá bán phân bón, một mặt hàng được trợ giá tại các huyện trong tỉnh này lại cao hơn cả giá phân bón xuất kho tại thị xã Thủ Dầu Một từ 20 - 60 đồng/kg tại cùng thời điểm. Có nơi như huyện Đồng Phú, người ta chi tiền trợ cước cho các xã không đúng đối tượng. Hàng chục đại lý khi bán hàng đã không hề niêm yết giá, không có biển hiệu bán hàng chính sách theo đúng quy định hiện hành... Và như thế, người dân làm sao có thể biết được mình đến mua ở đâu thì được trợ giá và được trợ giá bao nhiêu?

Một chính sách lớn nhưng được thực hiện như thế thì e rằng vẫn là một câu chuyện về thất thoát ngân sách. Đồng bào nhiều nơi trông mong được mua hàng của Nhà nước, có trợ giá để bớt khó khăn nhưng xem ra, ở nhiều nơi, có trợ giá, trợ cước hay không có thì người dân vẫn cứ phải mua với một mức giá thực tế trên thị trường thôi.

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.