Thịt “bẩn” vẫn cứ tràn về

10/10/2009 23:30 GMT+7

Mặc dù cơ quan thú y đã áp dụng các quy định mới nhằm hạn chế tình trạng nhập khẩu thịt kém chất lượng, nhưng các vụ phát hiện thịt “bẩn” gần đây cho thấy khâu kiểm soát vẫn còn nhiều lỗ hổng. Nghe đọc bài

Nhập thịt “bẩn” vì ham rẻ

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 30.9, cơ quan thú y đã phát hiện lô hàng chân gà nhập khẩu của Công ty TNHH giao nhận xuất nhập khẩu Việt Mỹ (TP.HCM) kém chất lượng. 3 lô chân gà đông lạnh nhập khẩu, số lượng 72 tấn của Công ty Việt Mỹ nhập từ Ba Lan về kho lạnh Nhan Hòa (huyện Bình Chánh) bị đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh phát hiện thấy phần lớn lượng hàng đã bị chủ hàng bán ra thị trường mà không khai báo với cơ quan thú y địa phương. Khi kiểm tra, hàng tồn còn trong kho rất ít, chất lượng lại không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chân gà dính đầy lông, da lụa cũng như các chất bẩn khác. Thậm chí khi mổ dưới lòng bàn chân gà còn phát hiện cả mủ do gà bị nhiễm trùng.

Liên quan đến trách nhiệm của một số cán bộ kiểm dịch thuộc Cơ quan thú y vùng VI, nơi liên tiếp để “lọt” các lô hàng pín dê, chân gà không đảm bảo chất lượng vào thị trường trong nước trong thời gian qua, ông Bùi Quang Anh cho biết: “Chúng tôi đã kiểm điểm nghiêm khắc đồng thời luân chuyển cán bộ tại Cơ quan thú y vùng VI. Về vụ cấp phép cho DN nhập khẩu 48 tấn chân gà kém chất lượng, trước mắt chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng để kiểm soát chặt chẽ hơn, không để sót, lọt những lô hàng không đảm bảo vệ sinh vào thị trường nội địa đồng thời sẽ xử lý nghiêm những cá nhân liên quan”. (Q.D)

Giới kinh doanh hàng đông lạnh nhập khẩu đều biết hàng chân gà từ Ba Lan có chất lượng rất kém, nguồn hàng này còn được một số người Việt ở Ba Lan về VN chào bán với giá 300 USD/tấn, thậm chí là bán trả chậm, đến khi nào bán được hàng mới lấy tiền. Trong khi chân gà có chất lượng xuất xứ từ Brazil giá khoảng 1,7 USD/kg (tương đương 30.000 đồng/kg) thì hàng chân gà từ Ba Lan chỉ khoảng 500 USD/tấn, tương đương 6.000 đồng - 7.000 đồng/kg. Vì vậy nhiều DN trong nước vẫn ham rẻ mua về phân phối, mặc dù quy định kiểm soát thịt nhập khẩu đã được siết chặt hơn trước.

Lỗ hổng từ khâu kiểm soát

Trước tình trạng thịt “bẩn” vẫn tiếp tục lọt lưới để vào thị trường, ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Trung tâm thú y vùng VI - giải thích: “Việc kiểm soát hàng đông lạnh nhập khẩu đã được ngành thú y chấn chỉnh rất nhiều. Từ ngày 1.10, hàng nhập về phải để ở cảng, sau khi có kết quả xét nghiệm đạt chất lượng mới được đưa hàng về kho lạnh. Hàng không đạt buộc phải tái xuất hoặc tiêu hủy, không cho chuyển mục đích sử dụng như trước đây. Việc lấy mẫu hàng trong container cũng được chấn chỉnh là phải lấy mẫu ở 3 vị trí khác nhau (tại cửa, giữa và cuối container), quy định là vậy, nhưng do hàng đóng trong container nên không thể bốc dỡ hàng ngàn thùng trong container nên nhân viên thú y đa phần đều lấy 3 mẫu ở khu vực cánh cửa container.

Vì vậy một số doanh nghiệp trong nước, hoặc nhà xuất khẩu làm ăn bất chính lợi dụng sơ hở này để độn hàng kém chất lượng vào bên trong container, cơ quan thú y không kiểm soát được”. Ông Nguyễn Xuân Bình cũng cho biết hàng từ Ba Lan có chất lượng rất kém, bằng chứng là thời gian vừa qua có rất nhiều lô hàng dồi trường, cánh gà từ nước này nhập vào VN bị phát hiện nhiễm vi sinh, nhiều lô bị buộc tái xuất. Cơ quan thú y đã biết nguồn hàng này có vấn đề nên đã để ý lấy mẫu kiểm tra kỹ hơn.   

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, nhận định: Vụ chân gà đông lạnh nhập khẩu từ Ba Lan có diễn tiến quá phức tạp, người mua, kẻ bán nhập nhằng, hàng tuồn ra thị trường không khai báo. Do đó chi cục đã có văn bản báo cáo vụ việc lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như UBND TP.HCM để có biện pháp xử lý. Đồng thời chi cục cùng các đoàn kiểm tra liên ngành tiếp tục truy xuất các lô hàng không đạt chất lượng, bắt buộc chủ hàng phải thu hồi hàng về. 

Làm sao ngăn chặn?

Thanh Niên đã phỏng vấn ông Bùi Quang Anh - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN và PTNT) về vấn đề ngăn chặn thịt “bẩn”.

* Thưa ông, tại sao chúng ta vẫn không ngăn chặn được thịt “bẩn” nhập khẩu?

- Nguyên nhân bước đầu được xác định là do các doanh nghiệp (DN) cố tình tìm mọi cách nhập khẩu các lô hàng ấy vào VN vì lợi nhuận. Một phần khác, lực lượng thú y đã có sai sót trong việc phối hợp kiểm tra, xử lý giữa cơ quan thú y trung ương và địa phương, thiếu nhân lực và phương tiện. Hiện chúng ta đang thiếu các quy định về tiêu chuẩn đối với các sản phẩm động vật nhập khẩu, cụ thể là tiêu chuẩn về vi sinh vật đối với các loại phủ tạng động vật... nên các cơ quan chuyên môn gặp khó khăn trong việc kiểm dịch nhập khẩu về số lượng và chủng loại nhập khẩu. Những năm trở lại đây, lượng nhập khẩu các sản phẩm gia súc, gia cầm đông lạnh tăng cao. Năm 2007 là 44.178 tấn, năm 2008 là 119.130 tấn và 6 tháng đầu năm 2009 là 57.206 tấn, bao gồm thịt bò, trâu, lợn, gia cầm, dê, cừu, phủ tạng, móng giò, chân gà... nên việc kiểm soát từ nhập khẩu đến lưu giữ, sơ chế, tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn.

* Phải làm gì để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này?

- Để kiểm soát thịt nhập khẩu, ngoài những biện pháp như không sử dụng biện pháp chiếu xạ, tạm ngưng nhập khẩu một số mặt hàng như phủ tạng, chúng tôi đã báo cáo Bộ NN và PTNT cho phép soạn thảo, ban hành, bổ sung các tiêu chuẩn, chỉ tiêu về vệ sinh thực phẩm; đưa việc nhập khẩu và tiêu thụ thực phẩm vào danh mục kinh doanh có điều kiện; cho phép cử cán bộ chuyên môn kiểm tra các cơ sở giết mổ, chế biến của các công ty xuất khẩu từ nước ngoài. Chỉ có những cơ sở nào đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của chúng ta mới được phép xuất khẩu vào VN.

Tất nhiên, trước đó, chúng ta phải bổ sung thêm những quy định về chất lượng đối với sản phẩm động vật nhập khẩu vào VN để chúng tôi có “cái gậy” mà hành động. Các DN nhập khẩu cũng phải chứng minh được mình đáp ứng đầy đủ các quy định, tiêu chuẩn về kho bãi, phương tiện vận chuyển, bảo quản để có thể tổ chức kinh doanh sản phẩm động vật đạt chất lượng. Cơ quan thú y sẽ xem xét và cấp phép cho các DN đáp ứng được tiêu chuẩn đã đề ra.

Quang Duẩn (thực hiện)

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.