Làm sao để tránh du học nhầm trường "dỏm"?

14/09/2005 21:15 GMT+7

Sự kiện Trường AIT (Singapore) đóng cửa đã khiến cho đông đảo du học sinh Việt Nam và những người đang có ý định đi du học không khỏi lo ngại: liệu họ có bị rơi vào số phận tương tự như những du học sinh của AIT ? Làm thế nào để khi đi du học không bị vào nhầm những trường "dỏm"? Phóng viên Báo Thanh Niên đã đề cập vấn đề này với ông Nguyễn Văn Khôi - Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo.

* Thưa ông, hiện nay nhu cầu du học tự túc ở Việt Nam rất lớn, và họ thường đi qua con đường từ các trung tâm tư vấn du học nên khó tránh khỏi khả năng bị rơi vào những trường "dỏm" do quảng cáo của các trung tâm tư vấn du học không trung thực. Ông có thể khuyên họ điều gì?


Ông Nguyễn Văn Khôi

- Theo tôi, để tránh du học vào những trường "dỏm" thì trước hết người học phải chủ động trong việc nắm bắt thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như trên mạng, trên báo chí, từ các đại sứ quán, các cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam... để biết trường định theo học có đảm bảo chất lượng hay không. Khi đã biết đầy đủ thông tin thì điều quan trọng khác là phải có ràng buộc trách nhiệm giữa các bên khi ký hợp đồng với các trung tâm tư vấn du học. Khi đã ký hợp đồng, các trung tâm này phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho họ. Điểm cần lưu ý khác là khi đến nước sở tại, du học sinh cần phải đăng ký công dân ở cơ quan Việt Nam tại các nước sở tại. Điều này các trung tâm tư vấn du học cần phải có trách nhiệm, hướng dẫn nhắc nhở các du học sinh trước khi họ lên đường. Khi đã có thông tin đầy đủ thì sẽ làm giảm đi sự rủi ro cho người học và các cơ quan chức năng mới có thể hỗ trợ được khi cần thiết.

* Về phía cơ quan quản lý, ông thấy cần có trách nhiệm như thế nào trong việc đảm bảo cho du học sinh không bị rủi ro khi đi du học?

- Hiện nay, công tác quản lý các trung tâm tư vấn du học đã được giao cho các sở GD-ĐT quản lý. Các sở sẽ có trách nhiệm quản lý các cơ sở tư vấn du học được cấp phép hoạt động trên địa bàn của mình. Nghị định quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của Chính phủ ban hành ngày 16/9/2004 đã nêu rõ, trách nhiệm của các sở GD - ĐT là: Trình UBND cấp tỉnh cấp phép hoạt động của các cơ sở dịch vụ du học tự túc trên địa bàn theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra hoạt động của tổ chức này theo quy định của pháp luật. Như vậy trách nhiệm của Bộ GD - ĐT là hướng dẫn các sở thực hiện và kiểm tra giám sát việc thực hiện đó.

* Để xảy ra tình trạng du học sinh gặp những rủi ro như trường hợp của AIT, thì trách nhiệm của cơ quan quản lý đến đâu? Và theo ông có cần phải cải tiến lại sự quản lý này hay không?

- Việc quản lý hoạt động du học tự túc không phải là bây giờ mới đặt ra. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua công tác quản lý du học sinh tự túc của ta gặp nhiều khó khăn vì việc cấp phép hoạt động cho các trung tâm này không tập trung vào một đầu mối. Việc giám sát và đánh giá hoạt động của các trung tâm chưa được thường xuyên và chặt chẽ. Nay việc này đã được giao cho các Sở GD-ĐT. Tôi biết, các sở đang từng bước chấn chỉnh hoạt động này. Về phía Bộ, chúng tôi đang tiếp tục hướng dẫn các sở trong việc thực hiện. Trước mắt, các sở cần ban hành các văn bản hướng dẫn quy định hoạt động của các trung tâm trên địa bàn cua địa phương mình. Yêu cầu các trung tâm tư vấn du học trên địa bàn báo cáo đầy đủ thông tin về việc đã giới thiệu bao nhiêu du học sinh đi du học ở những trường nào, những trường đó có đảm bảo chất lượng hay không. Mặt khác, các sở cần thường xuyên kiểm tra thông tin của các trung tâm, nếu như các trung tâm thông tin sai cho du học sinh, các sở cũng phải chịu trách nhiệm. Còn về phía Bộ GD-ĐT, chúng tôi luôn phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an để quản lý trong lĩnh vực này và luôn có trách nhiệm với những lưu học sinh dù họ đi học bằng con đường nào. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, về phía du học sinh cần có trách nhiệm thông tin về bản thân cho các cơ quan quản lý biết. Có như vậy thì mới tránh được những rủi ro không đáng có do cơ quan quản lý thiếu thông tin về họ.

* Xin cảm ơn ông!

97% học sinh Ait Academy đã chuyển sang trường mới

Sau sự kiện sinh viên Việt Nam "chết đứng" ở Singapore, như Thanh Niên đã loan tải, Cơ quan Xúc tiến giáo dục, thuộc Tổng cục Du lịch Singapore đã gửi e-mail cho Thanh Niên, thông báo rằng Ban Giám hiệu của AIT Academy cho biết tính tới nay đã có 97% trong số 925 sinh viên quốc tế có tên đăng ký tại trường đã được bố trí chuyển sang trường mới. 

Cụ thể, Học viện Quản lý Nanyang đã xác nhận nhận sinh viên vào các khoa Y tá, Khách sạn và Du lịch (các khoa này cấp chứng chỉ quốc gia của Viện Đào tạo kỹ thuật ITE). Trường Shines cũng đã xác nhận tiếp quản sinh viên đang theo học tại AIT trong chương trình liên kết với Đại học European University sẽ được nhập học vào trường. Đại học Murdoch cũng sẽ cử giảng viên sang tiếp tục dạy số sinh viên của mình tại AIT. Đối với số 3% sinh viên còn lại thuộc chương trình liên kết với Đại học Southern Queensland (chủ yếu đến từ Trung Quốc), trường này đang cân nhắc để chuyển sang một trong hai trường là Informatics hoặc MDIS. 

Các sinh viên đã đóng học phí cho AIT sẽ không phải đóng thêm một khoản phụ phí nào, trừ phi họ phải học thêm môn học để có đủ học trình đáp ứng chương trình học mới. Các thông tin chính thức về giáo dục Singapore có thể tham khảo tại trang web tiếng Việt của Cơ quan Xúc tiến giáo dục Singapore: www.singaporeedu.gov.sg.

Vũ Thơ (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.