Chinh phục đỉnh cao Fansipan

09/10/2010 10:07 GMT+7

(TNTS) Fansipan là ngọn núi cao nhất trong ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia nên được gọi là “nóc nhà Đông Dương”. Người địa phương gọi là Huasipan - nghĩa là “phiến đá khổng lồ chênh vênh”. Chúng tôi vừa có cuộc chinh phục Fansipan ngoạn mục, để lại nhiều ấn tượng khó phai.

Háo hức xuất phát

Chương trình huấn luyện với tên gọi “Thử thách 2010” mà mục tiêu là chinh phục đỉnh Fansipan cao 3.143m với slogan “Never ever give up” (Không bao giờ bỏ cuộc) dành cho nhân viên và hướng dẫn viên Lửa Việt, được tổ chức thành 2 đợt vào cuối tháng 9 và đầu tháng 11.2010 như một tiêu chí bắt buộc để đánh giá chất lượng cá nhân. Đoàn 66 người, có 2 người Campuchia, 1 Hàn Quốc, còn lại 63 người Việt, trong đó có các nhà báo thuộc Đài truyền hình HTV7 và VTV4, 9 nhà báo, 8 bác sĩ. Người lớn tuổi nhất là 67 và nhỏ nhất 19 tuổi, thuộc đủ ngành nghề. Tất cả hẹn nhau ở ga Hà Nội lúc 20 giờ 30 để lên tàu đi Lào Cai. Từ Sapa, bộ phận tiền trạm cho biết: “Trời mưa liên tục, thời tiết xấu, phải mua thêm áo mưa dự phòng”. Hà Nội mấy bữa nay cũng mưa. Trên tàu mọi người đều khó ngủ vì phấn khích và hồi hộp.

Sáng 26.9, đoàn đến Lào Cai, trời vẫn mưa rỉ rả. Tất cả lên xe thẳng hướng Sapa, nhận phòng tạm, cất hành lý, ăn sáng vội vã. Lại lên xe tạm biệt Sapa, qua thác Bạc đến trạm Tôn - xuất phát điểm chinh phục Fansipan. Ai cũng nai nịt gọn gàng, từ đầu đến chân cứ như “những nhà leo núi chuyên nghiệp”: Ba lô gọn nhẹ với nước uống, bánh trái giải mệt, quần áo, đèn pin… Lều trại, túi ngủ, thức ăn… đã có các porter gùi lên trước. 9 giờ 30, từ trạm Tôn ở độ cao 1.900m, đoàn hăm hở xuất quân với lời hẹn ước: “Ra đi giữ vẹn lời thề/Chưa lên tới đỉnh, chưa về thủ đô”.

Hành trình lên đỉnh cao

Mục tiêu của ngày đầu tiên là phải có mặt ở độ cao 2.800m để hôm sau lấy sức lên đỉnh 3.143m. Dù đã được chuẩn bị trước về thông tin nhưng ai cũng ngỡ ngàng trước cảnh trí đẹp như mơ. Từ xa, Fansipan sừng sững trong mây trắng xóa, kiêu hãnh và thách thức. Đường mòn khúc khuỷu, hết bò lên rồi lại xuống, len lỏi qua những rừng cây bạt ngàn, cứ ngỡ như trong phim thần thoại. Cây nào cũng “mặc áo ấm” bằng rêu. Hương rừng đặc sánh phảng phất trong gió lạnh.


Tác giả bên tấm kim loại khắc dòng chữ Fansipan - 3.143m - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Có mùi rêu, mùi cỏ mục, mùi thảo quả, mùi bùn non, mùi đất ẩm và nhiều loài hoa cộng hưởng. Thi thoảng gặp mấy con trùn đất “ngáng đường” - loại trùn màu xanh nâu, to cỡ ngón tay và dài chừng 4 tấc - nhiều người hết hồn ngỡ là rắn! Qua suối, nước trong và lạnh, giật mình thì thấy nòng nọc núi cỡ ngón tay cái trở lên. Dù đã có gậy và cây hai bên lối mòn đế níu tay, nhiều đoạn khách vẫn phải... bò để vượt lên phía trước. Mồ hôi ướt đẫm lúc nào không hay. Bắt đầu cởi bớt áo và tách nhóm theo sức bền. Nhóm đầu: Hăm hở - nhóm giữa: Xàng xê - Nhóm cuối: Lê lết. Lúc đầu còn hò hát vang trời, chụp ảnh lia lịa và ngắm cảnh nhìn cây; về sau mải lo “vượt qua chính mình” nên chủ yếu là chọc ghẹo, cười đùa để lấy sức. 12 giờ 10, nhóm đầu tiên lên đến trạm 2.200 để nghỉ và dùng bữa trưa dã ngoại gồm cơm vắt với chả lụa và muối mè. Ai cũng ăn ngon lành vì đói. Nhóm cuối tới nơi lúc 13 giờ thì nhóm đầu đã lên đường đi tiếp.

Lại lên xuống quanh co giữa các đồi trọc do bị cháy rừng mấy năm trước và các rừng trúc. Đường ngày càng khó đi và trơn trượt. Fansipan đỏng đảnh và cao ngạo như một cô gái biết mình đẹp nên làm cao, lúc gió, lúc mưa bất chợt. Nhiều người phải thuê porter đeo giùm ba lô dù chỉ vài ký. Có hội chứng tuột... quần vì bùn đất nhão nhoẹt bám đầy hai ống chân, lâu lâu cứ phải kéo lên. Thỉnh thoảng lại có người “vồ ếch” lấm lem mặt mũi. Có đoạn đường dốc đứng phải bò “toàn thân” hoặc nhờ các thang sắt, các lan can xi măng hỗ trợ. Bù lại cảnh trí đẹp đến ngỡ ngàng. Hàng chục loài đỗ quyên khoe sắc kiêu sa. Rồi hoa báo xuân, hoa cúc dại; các loại phong lan, địa lan e ấp, hoa mua ngọt ngào…

Mọi người đều cảm nhận “khả năng và sức chịu đựng của con người là vô tận. Đã lên đỉnh Fansipan thì không có việc gì là không thể làm được”

Ở độ cao trên 2.000m hình như hoa lá cỏ cây đều mượt mà, rực rỡ hẳn lên. Có lúc như đi trong mây, giữa rừng trúc xào xạc vi vu, liêu trai và huyền hoặc. Nhóm Hăm hở đến đỉnh 2.800m lúc 17 giờ 45 - còn nhóm Lê lết gần 19 giờ 30 mới tới. Họ phải “hành quân đêm”, mò mẫm với đèn pin và cảm giác ráng mà lết, thế nào cũng phải tới nơi vì không thể ở lại giữa rừng.

Đến nơi, có người để nguyên quần áo ngã phịch xuống vì mệt. Trời vẫn mưa rả rích. Cả đoàn ăn vội bữa cơm nóng với gà nướng, đậu hũ kho, rau xào và canh luộc. Quá thịnh soạn và cực kỳ ngon vì đói và lạnh. Dù đã mặc thêm áo ấm và chui vào túi ngủ, nằm như cá hộp trong mấy nhà bạt mà vẫn rét run người. Cả đêm mưa tầm tã, gió gầm gào như hù dọa, báo hại nhiều người phải chờ sáng mới dám đi vệ sinh!

7 giờ hơn trời mới bớt mưa và hửng sáng. Ăn vội tô mì, thêm quả trứng và chuẩn bị lên đỉnh 3.143m. Có 5 khách nữ phải dừng cuộc chơi vì bị bong gân, trật khớp và “hết xí quách”. Còn lại 61 người dù đã cạn sức vẫn quyết chí đội mưa lên đỉnh. Có ai đó tếu táo “Ăn có thể nửa bữa, ngủ có thể nửa giấc nhưng không thể yêu nửa trái tim và đi Fansipan nửa đường quay lại”. Cả đoàn hối hả lên đường trong cơn mưa rả rích.

Đường nhão nhoẹt, bùn lầy, trơn trượt. Cả cây số đường đá cheo leo nhiều đoạn phải bò. Từ độ cao 2.800m trèo lên 2.900m lại bò xuống 2.700m rồi mới lên lại. Gần 350m độ cao mà sao vời vợi nghìn trùng. Phải cắn răng chịu đựng, người này động viên người kia đi bằng niềm tin và khát vọng. 10 giờ 45 - nhóm đầu tiên lên đỉnh, vỡ òa hạnh phúc, vừa hét vừa nhảy cẫng lên như con trẻ. Bao nhiêu cực nhọc gian truân phút chốc tan biến. Tiếng reo hò vọng xuống thúc giục nhóm Lê lết cố lên. 12 giờ 30 nhóm cuối cũng chạm đích. Tất cả tràn ngập niềm vui, ôm chầm lấy nhau sung sướng rồi khui sâm-banh mừng “chiến thắng vĩ đại”, tranh thủ chụp những tấm ảnh để đời cạnh khối tam giác kim loại có dòng chữ “Fansipan - 3.143m”.  

Niềm vui trở về

Khi lên chủ yếu là leo dốc, bị ép tim cùng với việc giảm áp suất ở độ cao nên đi một đoạn là phải dừng để thở. Lúc xuống đi nhanh hơn nhưng đôi chân luôn phải chịu sức nặng của toàn thân nên căng cơ. Lúc đi háo hức lên đỉnh nên ít có dịp nhìn kỹ đường. Khi về qua nhiều đoạn đường cũ mà “lạ hoắc”. Không ai tưởng tượng nổi mình đã đi qua những đoạn đường khó khăn và nguy hiểm như vậy! Thi thoảng gặp mấy chú ếch và những loài chim rất lạ tôi chưa từng thấy đang nhảy nhót trong các bụi cây ẩm và tối. Dù mệt rã rời nhưng được tiếp thêm niềm vui chiến thắng nên mọi người đều nỗ lực. 11 giờ 30 nhóm cuối cùng về tới trạm Tôn. Tất cả đều bình an - chiến thắng. Có người cười mà mắt đỏ hoe...

Đêm 28.9 tại nhà hàng Luxury Hotel, Lửa Việt và Sapa Village - 2 đơn vị đồng tổ chức cuộc leo núi đã tổng kết và cấp giấy chứng nhận cho từng thành viên. Ban tổ chức đã trao giải “Những người hạnh phúc nhất” cho vợ chồng giáo sư - bác sĩ Trương Văn Việt (người lớn tuổi nhất), vợ chồng bác sĩ Bùi Quốc Thắng (Bệnh viện Chợ Rẫy), anh Phí Trí Trung - biên tập viên chương trình truyền hình 1.001 điểm đến thú vị của Saigon Media mừng sinh nhật ở điểm cao 2.200m. Quà tặng cũng được gửi đến bác sĩ Trần Quý Ngọc (Bệnh viện Nguyễn Trãi) lên tới đỉnh đầu tiên, bạn Nguyễn Chung Thủy (Lửa Việt) người nhẹ cân nhất, nhóm phóng viên truyền hình của Sài Gòn Tiếp Thị, bạn Lý Thanh Phúc (người 2 lần chinh phục đỉnh Fansipan)… Đoàn cũng không quên biểu dương những đôi giày bộ đội “Made in Việt Nam” đã đánh bại nhiều thương hiệu tầm cỡ thế giới giành danh hiệu “Chắc, bền, an toàn, hiệu quả” của dân leo núi.

Chinh phục Fansipan là khóa huấn luyện đặc biệt, là thước đo chính xác ý chí, nghị lực, tính cách cá nhân của từng người. Mọi người đều cảm nhận “khả năng và sức chịu đựng của con người là vô tận. Đã lên đỉnh Fansipan thì không có việc gì là không thể làm được”. Khi bạn đọc những dòng này thì đoàn 2 “Chinh phục Fansipan 3.143m - Chào mừng đại lễ Thăng Long” đang chuẩn bị lên đường vào đầu tháng 11.

Nguyễn Văn Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.