"Loạn" truyện tranh

24/09/2006 23:01 GMT+7

Khảo sát 10 điểm cho thuê truyện tranh tại các quận 1, 2, 3, 5, Bình Thạnh (TP.HCM), chúng tôi nhận thấy 2/3 số truyện tranh cho thuê có nguồn gốc từ nước ngoài, nhiều nhất là Nhật Bản. Trong đó, không ít truyện tranh mang màu sắc bạo lực hoặc có những cảnh chỉ dành cho người lớn...

Một số truyện tranh nước ngoài được làm theo kiểu sao y bản chính, dịch sang tiếng Việt cẩu thả rồi đem in và bán. Dạo quanh một vòng thị trường, chúng tôi nhận thấy loại truyện tranh "không rõ nhãn mác" hiện đang lan tràn khắp các điểm cho thuê truyện.

Đáng lưu ý hơn, ở các nước phát triển, truyện tranh không chỉ dành cho thiếu nhi mà còn cho nhiều đối tượng khác nhau. Do vậy, ở mỗi loại truyện họ đều ghi rõ giới hạn cụ thể dành cho đối tượng độc giả. Thế nhưng khi truyện tranh nước ngoài vào VN, không ít người làm sách đã lờ đi những dòng cảnh báo và giới hạn đối tượng độc giả. Vì thế mới có chuyện  - truyện tranh của người lớn và những cảnh hôn hít, âu yếm, đánh đấm loạn xạ... mà trẻ em ta lại "có cơ hội" tiếp cận, đọc như sách dành cho mình.

Ví dụ rõ nhất là bộ truyện Lời thề sao băng của NXB Kim Đồng được dư luận quan tâm gần đây. Câu chuyện không có gì đáng phê phán với ước mơ được làm vợ, làm mẹ của một nhân vật nữ. Truyện có vài hình ảnh nhân vật nam áp mặt vào ngực nhân vật nữ âu yếm và những nụ hôn cùng với đôi ba cảnh trên giường khá kín đáo, có thể phù hợp với những chàng trai cô gái trưởng thành. Thế nhưng, khi đến nhà sách Nguyễn Huệ vào trưa ngày 20/9/2006, chúng tôi đã thấy những cô bé tuổi quàng khăn đỏ đang ngồi đọc say sưa truyện này.

Ngoài ra, do phải tôn trọng bản quyền theo tinh thần Công ước Berne, muốn chỉnh sửa hoặc biên tập cho phù hợp với VN phải qua nhiều công đoạn xin phép rất vất vả, nên để tiện thì NXB (mua bản quyền) cứ việc dịch, in ấn như bản gốc. Vì thế trong nhiều truyện tranh, ngoài lời văn ngô nghê, khó hiểu, kỳ quặc thì còn vô số những hình ảnh hoàn toàn không có giá trị giáo dục; như bộ truyện Shin -Cậu bé bút chì dù bị phê phán và NXB đã ngưng phát hành, nhưng các quyển đã tung ra hiện vẫn lưu hành và có trong cặp sách của các em.

Một số hình ảnh không dành cho trẻ em

Danh sách những truyện tranh "có vấn đề" ngày càng dài với Giang hồ bá đạo, Hiệp khách quyền, Ám hành ngự sử, Hot Gimmick, Inu Yasha, Ingenuo, Madonna, Rebirth, Thiên thần Tokyo… Công bằng mà nói thì những hình vẽ "nóng", bạo lực cũng như những "chỉ dẫn chết người" về giới tính không phải dày đặc trong các truyện tranh kể trên. Nhưng đáng lưu tâm là những truyện tranh trên không-dành-cho-tuổi-thiếu-nhi, vậy mà đối tượng này vẫn là độc giả chủ yếu.

Mạng internet cũng là nơi góp phần tô đen bức tranh này. Chỉ với vài thao tác đơn giản, các độc giả nhí có thể tìm được vô số truyện tranh bẩn. Thậm chí, tác hại từ truyện tranh bẩn trên mạng còn nguy hiểm hơn truyện tranh in rất nhiều vì các em chỉ cần vài ngàn đồng là có thể sở hữu hàng chục truyện tranh loại này. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên lưu tâm giám sát việc đọc truyện tranh của con trẻ để tránh việc chúng lướt net tìm truyện tranh bẩn và lén lút chuyền cho nhau.

Bên cạnh đó, Cục Xuất bản nên có chế tài đối với những đơn vị tung ra những sản phẩm gây ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Khi cần thiết có thể thu hồi những sách đã phát hành và yêu cầu các NXB kiểm duyệt chu đáo hơn.

Những bức xúc...

Đạo diễn Cảnh Đôn: “Nhiều người nói rằng truyện tranh manga là một "quả bom nguyên tử" mà nước Nhật đã quăng vào thế giới. Còn tôi, nói thật là không xem nổi vì nó quá kém thẩm mỹ. Tôi rất mê truyện tranh nhưng chỉ thích xem truyện của phương Tây, đặc biệt là bộ Tin Tin. Tôi đã "học" được rất nhiều qua Tin Tin từ bố cục, đường nét đến hình ảnh... để bổ sung cho nghề đạo diễn của mình. Còn hỏi tại sao những bộ truyện tầm phào với những cái lỗi "dễ sợ" như báo đã nêu lại lọt được vào thị trường? Xin để các cơ quan có trách nhiệm trả lời, vì NXB nào cũng được lãnh đạo chặt chẽ lắm mà!”.

Chị Trần Cẩm Nhung (Q.3, TP.HCM): “Tôi và chồng tôi đều có bằng đại học nhưng cũng bất lực, không thể quản lý nổi khi con mình quá mê truyện tranh Nhật Bản. Ban đầu, chúng tôi còn xem qua để kiểm tra, nhưng rồi không còn sức để xem nữa, bởi truyện tranh bán đầy rẫy trước trường học, mình không cho con mua thì chúng lại mượn của bạn mà xem trong giờ chơi. Trách nhiệm phải thuộc về NXB, các cơ quan chuyên ngành, đã quản lý lỏng lẻo để cho những ấn phẩm dễ dãi tràn lan thị trường. Lợi nhuận bao nhiêu mà làm hỏng những thế hệ trẻ, sao họ không tính đến điều ấy?”.

Chị Phan Thị Mỹ Hạnh (Công ty Phan Thị): “Trước Công ước Bern thì chỉ có hơn 90 đầu sách ngoại, còn bây giờ nhiều hơn và được công khai xuất bản nữa. Thần đồng đất Việt của chúng tôi và Kiến Tí Nị của Công ty Kiến Vàng vất vả vô cùng để ngoi lên, nhưng đều có nguy cơ bị đè bẹp. Hiện Kiến Tí Nị đã ngưng phát hành rồi. Chúng tôi tự bươn chải, sáng tạo, tự bỏ vốn xoay xở mà không có sự hỗ trợ nào, trong khi các bộ truyện có sẵn chỉ cần dịch ra đã thu lợi rất cao, ai mà không ham. Nếu tình hình này kéo dài e rằng những ai tâm huyết sẽ không dám vào cuộc nữa. Quả là đáng suy nghĩ khi không chỉ truyện Nhật Bản mà cả truyện Hàn Quốc, Trung Quốc tràn ngập thị trường VN”.

Thành viên Chibi fish, diễn đàn manga-gdt: "Bây giờ truyện tranh dù niêm yết là dành cho độc giả trên 16 tuổi nhưng 12 tuổi vẫn có thể mua về đọc. Nhưng phải nói thêm, truyện Hot grimick thật sự rất hở hang. Tui chỉ xem 1 tập đã chịu không nổi rồi, cốt truyện nhảm lắm cơ!".

Thành viên FinalFantasyVII, diễn đàn manga-gdt: "Quả thật khi đọc nhiều bộ truyện cũng thấy nhiều cảnh quá mát mẻ trên mức trẻ em, nhưng hãy xét một cách công bằng, trước một thị trường đầy cám dỗ thế liệu có cách nào ngăn chặn được không?... Dưới hình thức này hay hình thức khác, sex sẽ tự tìm đến các bạn nhỏ. Theo ý kiến của tôi, việc ngăn chặn từ khâu kiểm duyệt tại NXB là cần thiết. Tuy nhiên các bạn hãy bắt đầu từ chính bản thân mình, hãy bỏ thời gian hơn nữa để quan tâm đến trẻ con, tạo nhiều hơn nữa những hoạt động bổ ích cho các bạn nhỏ...".

Hoàng Kim  - V.N (ghi)

Vinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.