Cảnh giác với chuẩn đầu ra tiếng Anh

31/10/2011 16:22 GMT+7

Tùy từng ngành học, sinh viên (SV) muốn tốt nghiệp phải đạt trình độ tiếng Anh theo chuẩn quy định. Tuy nhiên, rất đông SV không vượt qua được cửa này.

Có khả năng 50% không đạt

Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Anh tại trường ĐH Kinh tế TP.HCM” do trường này tổ chức ngày 26.10, thạc sĩ Trần Thị Phỉ - Phó phòng Khảo thí-đảm bảo chất lượng nhà trường, cho biết: “Trình độ tiếng Anh đầu vào của đa số SV trường sau 7 năm học phổ thông nằm dưới mức tiền trung cấp, như: nghe vỡ lòng dưới sơ cấp, nói dưới sơ cấp, đọc sơ cấp - tiền trung cấp, viết dưới sơ cấp”. Từ đó, thạc sĩ Phỉ lo ngại: “Khả năng trên 53% SV của trường, nếu không tự học tốt hoặc học thêm ở các trung tâm tiếng Anh, sẽ không đạt chuẩn đầu ra là TOEIC 550 đối với ngành ngoại thương, kinh doanh quốc tế, du lịch và TOEIC 450 đối với các ngành còn lại”.

Năm 2009, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đã ban hành quyết định về chuẩn đầu ra tiếng Anh cho SV của trường. Theo đó, để tốt nghiệp, SV phải đạt trình độ 550 TOEIC quốc tế. Tuy nhiên, thực tế triển khai thì không theo quyết định này mà thực hiện tăng dần theo lộ trình. Cụ thể, với khóa 23 (tức khóa tốt nghiệp năm 2011), chuẩn này là 500 điểm; khóa 24 sẽ nâng lên 525 điểm; khóa 25 đến khóa 27 sẽ giữ nguyên mức 530. Tiến sĩ Phan Ngọc Minh - Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: “Dù đưa ra mức chuẩn là 550 TOEIC, tuy nhiên do thực tế trình độ đầu vào tiếng Anh của SV nên nhà trường phải triển khai theo lộ trình tăng dần, cho đến khi nào đáp ứng được thì mới triển khai theo chuẩn”.

Thay đổi cách dạy và học

Từ năm 2008 tới nay, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng triển khai chuẩn đầu ra tiếng Anh là 350 TOEIC. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Đào tạo, thừa nhận: “Để đạt được chuẩn này, tiếng Anh đầu vào SV phải đạt 250 TOEIC. Tuy nhiên, qua khảo sát nhiều năm cho thấy trình độ tiếng Anh đầu vào của SV rất thấp, chỉ khoảng 5 - 7% SV đạt được mức điểm này. Tuy nhiên, nhà trường không thể hạ thấp chuẩn hơn nữa, mà thay vào đó phải chấp nhận việc SV bị loại do điểm thấp với số lượng không ít. Đồng thời, trường phải đầu tư, thay đổi cách dạy học môn học này trong trường để nâng cao trình độ của SV”. Cụ thể, trường này đã triển khai những lớp học quy mô nhỏ, với tối đa 50 SV/lớp thay vì trên 100 SV/lớp như trước kia. Đồng thời, trường thay đổi giáo trình và phương pháp giảng dạy, trang bị thêm thiết bị giảng dạy… với hy vọng đạt được chuẩn đã công bố.

Từ khóa 2008, Trường ĐH Luật TP.HCM cũng áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh từ 450 - 600 điểm TOEIC tùy chuyên ngành đào tạo. Để đạt chuẩn này, trường đã phối hợp với Trung tâm Anh văn hội Việt Mỹ cùng đào tạo. Tiến sĩ Trần Hoàng Hải - Phó hiệu trưởng, cho biết: “SV chỉ cần đóng học phí cho 7 tín chỉ tiếng Anh theo chương trình của Bộ, nhưng lại được học trong môi trường tốt hơn nhiều. Có được điều này, nhà trường phải hỗ trợ một khoản kinh phí rất lớn khoảng 1,4 triệu đồng/SV/năm. Chúng tôi xác định, trình độ tiếng Anh là điều kiện sống còn với SV luật khi ra trường”.

Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM lại có cách làm khác nhằm đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh khiến SV băn khoăn. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó trưởng phòng Đào tạo trường này cho biết: “Có tới khoảng 30% SV khóa đào tạo theo phương thức tín chỉ đầu tiên của trường (2006 - 2010) chưa đủ điều kiện xét tốt nghiệp, trong đó chủ yếu do nợ chứng chỉ ngoại ngữ”. Từ năm 2007, trường này đã quyết định bỏ việc giảng dạy tiếng Anh trong chương trình học chính khóa. Thay vào đó, SV chỉ cần nộp chứng chỉ A sau khi kết thúc năm thứ 2 và chứng chỉ B trước khi xét tốt nghiệp. Nhưng đầu năm học 2011 - 2012, trường đã yêu cầu SV phải đăng ký học ngoại ngữ không chuyên bắt buộc tại trung tâm ngoại ngữ của trường. Ông Hạ cho biết: “Trung tâm này thuộc trường, được trường giao cho chức năng đào tạo ngoại ngữ cho SV của trường.

SV khi học ở đây được giảm tới 30% học phí, phải thi xếp lớp đầu vào và chỉ phải học khi chưa đủ điều kiện. Thêm nữa, chương trình Anh văn chính khóa trước đây chủ yếu tập trung vào kỹ năng đọc hiểu, SV ra trường rất yếu về kỹ năng nghe nói. Còn học ở trung tâm, SV sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn tất cả các kỹ năng”. Vấn đề đặt ra là nếu muốn nâng cao kỹ năng nghe, nói thì tại sao trường không thay đổi phương pháp giảng dạy môn này ở chính khóa mà lại yêu cầu SV học tại trung tâm?

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.