Hơn cả nỗi buồn

02/10/2007 21:11 GMT+7

Anh H. quý mến Tôi có thói quen đọc báo từ tinh mơ. Sáng sớm, đọc bài Nỗi buồn giáo viên vùng cao của tác giả Quế Hà trên Báo Thanh Niên (26.9.2007), tự nhiên tôi thấy cay cay nơi khóe mắt. Bức xúc quá. Và tôi nghĩ ngay đến anh - người bạn vong niên của tôi, người đang đứng đầu ngành giáo dục tỉnh nhà.

Tôi chỉ hy vọng mong manh (xin lỗi nhà báo Quế Hà) là tác giả bài viết đã "cường điệu sự thật". Bởi vì nếu đúng như những gì chúng ta được đọc thì hơn cả nỗi buồn - nó xót xa quá!

Hơn hai mươi năm Bình Thuận đổi mới, đất nước đổi mới mà trường THCS Sơn Lâm (huyện Bắc Bình) vẫn "chỉ vỏn vẹn có 1 dãy nhà lợp tôn với 3 phòng học. Được che bằng cót ép". Lại nữa "một phòng vừa xây chưa tô xi măng, dùng để làm phòng hội họp, thư viện, thiết bị và kiêm luôn phòng làm việc của Ban giám hiệu".

Cơ sở vật chất tệ như thế mà đòi nâng cao chất lượng dạy và học thì thật hoang tưởng! Tôi chợt nhớ lại con số hơn hai ngàn tỉ đồng trái phiếu giáo dục. Chẳng biết huyện vùng cao vất vả gieo neo này có được chút ơn "mưa móc" nào không?

Thà là đất nước đang có chiến tranh, chứ trong hoàn cảnh xã hội ngày càng khởi sắc như hiện nay, 22 đồng nghiệp của chúng ta ở trường Sơn Lâm phải sống như thế thì dù đưa ra bất cứ lý do gì để biện minh cũng không thể chấp nhận được. Tôi không biết Đảng ủy, Ủy ban xã Phan Sơn, ông Trưởng phòng Giáo dục và các vị lãnh đạo huyện Bắc Bình có chút nào xúc động trước sự chịu đựng 2 năm ròng rã của các thầy cô ở ngôi trường vùng cao này? Tôi nghĩ, những giáo viên trẻ ấy, nếu họ "quyết tâm trụ bám" ở quê hương, hay dạt về Phan Thiết, Sài Gòn, làm gì họ cũng có thể sống được, ít nhất không cực như những gì họ đang chịu đựng. Vậy mà họ tự nguyện xa nhà, lên vùng cao, xóa bớt đi khoảng cách chênh lệch giữa miền núi và miền xuôi. Những thầy cô giáo ấy xứng đáng được quan tâm, chăm sóc tử tế, chu đáo hơn.

Tôi nhớ đến anh, hơn 20 năm quen nhau, tôi biết anh là người sống có trách nhiệm với công việc và có tình với người thân. Do công việc quản lý có thể nặng nề, anh chưa có điều kiện cảm thông sâu sắc nỗi khổ hết sức vô lý của 22 đồng nghiệp của chúng ta ở Sơn Lâm và thực trạng cơ sở trường lớp tệ hại ở đây.

Lá thư này đến muộn. Tôi tin anh đã nắm đầy đủ tình hình "nỗi buồn giáo viên vùng cao" Bình Thuận (chưa chắc chỉ đột xuất có Sơn Lâm!) và thế nào cũng nghĩ được cách tháo gỡ, cải thiện tình hình. Chỉ mong, cũng trên Báo Thanh Niên, tôi - cũng như tất cả những ai đang khắc khoải quan tâm đến ngành giáo dục - sớm nhận được tin vui về sự đổi thay tích cực của trường Sơn Lâm. Chứ cứ như ông Bí thư Đảng xã Phan Sơn cho biết, các thầy cô trường này ít nhất phải sống như hiện nay 4 tháng nữa. Anh H. ạ, lúc ấy đã vào mùa đông. Cái rét lạnh của vùng cao Bình Thuận tôi ngờ là cũng rất khắc nghiệt. Thể trạng giáo viên mình lại còm cõi yếu đuối lắm. Nghĩ như thế, mắt tôi lại cay cay. Đừng cười tôi, anh H. nhé.

Thân ái

Trần Hữu Tá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.