Hồn của đất

21/09/2005 21:21 GMT+7

Triển lãm Lưu giữ hồn của đất của Nguyễn Đức Thịnh và Phạm Minh Thông đang diễn ra tại Hội Mỹ thuật TP.HCM từ ngày 19 - 26/9/2005. Cùng sinh năm 1983, hai chàng trai đang theo học Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội này đã bị những màu men da lươn, màu đỏ đất nung... của gốm Phù Lãng (Bắc Ninh) mê hoặc. Từ đó, họ bắt đầu khám phá hồn của đất thông qua một hành trình của đất, nước, lửa... theo từng hòa sắc, tạo hình của gốm.

Phần lớn các tác phẩm của Nguyễn Đức Thịnh và Phạm Minh Thông thể hiện những đề tài dân gian, đồng quê với hình ảnh trẻ con chăn trâu trên cánh đồng phất phơ bóng lau, cánh diều no gió nơi chiều quê, con gà trống, tàu lá chuối, đụn rơm, trai gái làng tình tự, giận hờn, như: Chiều quê, Trâu về, Về bản (Nguyễn Đức Thịnh), Những đứa con, Giận hờn, Bên ao làng (Phạm Minh Thông)... Đồng ca, Hoa đất làng nghề của Phạm Minh Thông trông thật thảnh thơi, thoải mái với hình ảnh những em bé hồn nhiên ca hát, cảnh gia đình làng gốm đang quây quần trong niềm vui lao động. Bên cạnh đó, những bức tượng về liền anh, liền chị vùng quan họ Bắc Ninh, tượng nhà sư của Nguyễn Đức Thịnh cũng mang đến cho người xem một cảm giác thật duyên dáng, thanh thoát. Nhưng tác phẩm của họ không chỉ thể hiện những gì nhẹ nhàng, hiền hòa, mà Số phận I, Số phận II, Số phận III của Phạm Minh Thông còn cho thấy họ vẫn day dứt với những ám ảnh về thân phận con người.

Cất công từ Hà Nội vào TP.HCM để giới thiệu với công chúng một chút hồn quê Bắc Bộ, một chút bản sắc gốm Phù Lãng, Phạm Minh Thông và Nguyễn Đức Thịnh còn quyết định gửi toàn bộ số tiền bán được từ triển lãm cho quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam.

Q.Thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.