Từ công sở biến thành nhà riêng của Thống đốc Ngân hàng

03/10/2006 01:36 GMT+7

Ngôi nhà mặt tiền tại số 6 phố Lý Thái Tổ (Hà Nội) với diện tích đất khoảng 80m2 - nằm ngay giữa trung tâm thủ đô, trị giá ước tính hàng chục tỉ đồng - trước vốn là trụ sở làm việc của Ngân hàng Nhà nước đã được bán hóa giá cho chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy để làm nhà ở...

Trước khi được bán hóa giá cho ông Lê Đức Thúy theo Nghị định 61/CP, căn nhà mặt đường số 6 Lý Thái Tổ (Hà Nội) được sử dụng làm trụ sở của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Nội. Ngày 4.9.2004, căn nhà này được bàn giao cho Ngân hàng Nhà nước Trung ương (NHNN T.Ư). Cuối tháng 9.2004, NHNN T.Ư có văn bản về việc không sử dụng căn nhà số 6 Lý Thái Tổ làm trụ sở mà bổ sung vào quỹ nhà ở của NHNN T.Ư.

Sau khi bổ sung nhà số 6 Lý Thái Tổ vào quỹ nhà ở của NHNN T.Ư, ngày 25.10.2004, NHNN T.Ư lại tiếp tục có văn bản nội bộ về việc chuyển đổi nhà ở của Thống đốc NHNN về căn nhà này với lý do "việc đi lại từ nhà ở của đồng chí đến cơ quan làm việc còn gặp nhiều trở ngại, ách tắc làm ảnh hưởng đến công tác". Sau khi hoàn tất một số thủ tục, ngày 22.11.2004, NHNN T.Ư đã có quyết định về việc cho ông Lê Đức Thúy được thuê căn nhà số 6 phố Lý Thái Tổ làm nhà ở. Căn nhà này sau đó đã được bàn giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội để bán hóa giá cho ông Lê Đức Thúy theo Nghị định 61/CP. Tất cả các thủ tục mua bán và cấp sổ đỏ cho ông Lê Đức Thúy đối với căn nhà số 6 Lý Thái Tổ được hoàn tất trước tháng 1.2005 (chỉ trong vòng 1 tháng).

Căn nhà số 6 Lý Thái Tổ đã được sử dụng qua nhiều đời thống đốc và đều dùng làm trụ sở làm việc, đến ông Thúy mới được chuyển đổi thành nhà ở để cho chính ông Thúy thuê. Bản thân ông Thúy cũng không phải là người khó khăn về nơi ở bởi Ngân hàng Trung ương đã phân cho ông Thúy một căn hộ 2 tầng tại Học viện Ngân hàng; sau đó, gia đình ông Thúy cũng đã mua một căn nhà rất rộng ở số 15 phố Bùi Ngọc Dương. Thêm vào đó, diện tích đất tại số 6 Lý Thái Tổ không rộng hơn diện tích đất mà ông Thúy đang ở (tại số 15 phố Bùi Ngọc Dương) mà chỉ "rộng" hơn ở chỗ: vị trí thuộc loại đắt nhất Hà Nội và trị giá của mảnh đất đó lên tới hàng chục tỉ đồng. Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc mua căn nhà số 6 Lý Thái Tổ của ông Thúy gây bức xúc và khiếu kiện trong ngành ngân hàng.

Ông Mai Văn Bạn,
nguyên Phó vụ trưởng
Vụ Chính sách Tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Giá mua hóa giá căn nhà số 6 Lý Thái Tổ (theo Nghị định 61/CP) chỉ chưa tới 1 tỉ đồng (giá thị trường ước tính lên tới hàng chục tỉ đồng). Trước đó, ông Lê Đức Thúy đã được NHNN T.Ư phân một căn nhà ở 2 tầng, diện tích khoảng 120m2 tại Học viện Ngân hàng (phố Chùa Bộc, Hà Nội). Cuối năm 2002, gia đình ông Lê Đức Thúy cũng đã mua thêm khoảng 120m2  đất tại số 15 Bùi Ngọc Dương (Hà Nội) để xây nhà và đã chuyển tới đó ở. Cuối năm 2004, sau khi được mua hóa giá căn nhà số 6 Lý Thái Tổ, ông Lê Đức Thúy đã làm thủ tục trả lại căn nhà được phân ở Học viện Ngân hàng.

Căn nhà số 6 phố Lý Thái Tổ đã được ông Lê Đức Thúy cho xây dựng lại thành một căn nhà 5 tầng (đến nay vẫn chưa hoàn thành). Gia đình ông Thúy hiện vẫn ở tại ngôi nhà số 15 phố Bùi Ngọc Dương.

Chiều 2.10, Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hùng Võ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về các thủ tục pháp lý có liên quan đến việc chuyển đổi và bán ngôi nhà số 6 phố Lý Thái Tổ cho ông Lê Đức Thúy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

* Tháng 9.2004, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHT.Ư) có văn bản không sử dụng nhà số 6 Lý Thái Tổ (Hà Nội) làm trụ sở mà bổ sung vào Quỹ nhà ở của NHT.Ư. Điều này có đúng với các quy định của pháp luật không?

- Ông  Đặng Hùng Võ: Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đang giữ công sản của Nhà nước, giữ công sản sử dụng vào mục đích gì thì không được tùy tiện mà  phải theo đúng quy hoạch của thành phố. Thứ hai, việc sử dụng như thế nào phải được phép của cơ quan quản lý công sản. Điều kiện để chuyển được (việc chuyển từ trụ sở làm việc thành nhà ở - PV) là phải như vậy. Thứ ba, chức năng đưa ai vào nhà ở thì từ năm 1994, tất cả các quỹ nhà của các cơ quan đang quản lý trên địa bàn đều phải chuyển cho UBND địa phương quản lý. Kể từ năm 1996, các cơ quan Nhà nước cấp bộ không quản lý nhà ở nữa nên việc chuyển thành nhà ở là vô lý.

* Như vậy là việc NHT.Ư còn quản lý quỹ nhà ở tại Hà Nội vào năm 2004 cũng không đúng với quy định ?

- Đến năm 2004 thì không thể có chuyện bất kỳ một cơ quan trung ương nào được quản lý quỹ nhà ở, phải bàn giao cho UBND thành phố hết. NHT.Ư còn có quỹ nhà ở là sai.

Nhóm PV KTXH

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.