Những bà mẹ ở tòa án

20/10/2009 10:16 GMT+7

Dù trong hoàn cảnh nào, đối với những người mẹ, con cái vẫn là mối quan tâm bậc nhất, là hy vọng, hạnh phúc lẫn bất hạnh. Cũng vậy, người mà các bị cáo luôn mong mỏi được nhìn thấy đầu tiên, mong mỏi được tha thứ, vẫn là mẹ.

Hầu như ngày nào ở tòa án, người ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những bà mẹ tay xách nách mang đến tòa từ sáng tinh mơ, chờ đợi hàng giờ để rồi tất tả chạy theo chiếc xe bít bùng gọi tên và nhìn mặt con. Cũng có những bà mẹ lặng lẽ, tuyệt vọng và uất hận ngồi vào hàng ghế đại diện hợp pháp của bị hại, nghe lại bản cáo trạng và lời khai của bị cáo để rồi đau xé lòng vì đứa con thân yêu bị chà đạp, lạm dụng hoặc bị tước đi mạng sống. Và có cả những bà mẹ là bị cáo đứng trước vành móng ngựa trong miên man ân hận, âu lo cùng nỗi nhớ thương con đến quay quắt...

Tôi đến phòng xử số 9- TAND TPHCM cũng là lúc HĐXX vào nghị án. Căn phòng chỉ còn mỗi bị cáo ngồi chờ cùng anh cảnh sát dẫn giải. Dõi mắt tìm kiếm mông lung, tôi bất chợt thấy chị, người phụ nữ trạc ngoài 40 tuổi, gương mặt đăm chiêu, u uất, ngồi lẻ loi một mình bên gốc đa cổ thụ. Phải một lúc lâu tôi mới được biết, chị là mẹ của cô gái bị hại trong vụ án.

Đây không phải là lần đầu tiên chị đến tòa án. Lần trước, ở phiên tòa sơ thẩm, chị đã đau đớn, phẫn uất bởi mức án “quá nhẹ” dành cho hành vi giao cấu với trẻ em của bị cáo. Kháng cáo lần này, không phải vì “muốn cho bị cáo phải ngồi tù mọt gông cho hả giận, bởi sau những cố gắng tột cùng để giành lại con gái, sau những mất mát mà bị cáo gây ra cho gia đình tôi, không gì có thể bù đắp được.

Điều tôi mong muốn là mức án đúng người, đúng tội”. Chị rưng rưng: “Con gái tôi giờ đã đi học lại nhưng cháu đã thành một người khác. Không phải là người lớn cũng chẳng phải là trẻ con. Là mẹ, không bảo vệ được con, tôi thật sự không thể tha thứ được cho mình”.

Một bà mẹ khác có dáng vẻ quê mùa, lam lũ ngồi lọt thỏm trong đám đông người đến tham dự phiên tòa, nép thật sát thân hình nhỏ bé vào một góc ghế, hai tay đan chặt vào nhau như  đang cố gồng mình nén nỗi đau, sự lo lắng và cả tủi nhục. “Bị cáo không muốn giết người mà chỉ cần chiếc xe thôi.

Không ngờ, bị cáo đã gây nên tội lớn...”- H.N.H.T (SN 1988, Quảng Ngãi) líu ríu nói lời nói sau cùng trong sự phẫn nộ cao độ của người nhà bị hại. Nhìn con trong tình cảnh ấy, người mẹ khuỵu ngã. Từ đôi mắt nhắm nghiền, hai giọt nước mắt trào ra, lăn dài trên gò má sạm đen. H.N.H.T là đứa con duy nhất còn lại của vợ chồng bà. Trước khi phiên tòa diễn ra, bà đã từng khóc cạn nước mắt vì em trai H.N.H.T không may chết đuối.

Ở một phiên tòa khác, trong khi nghe HĐXX thẩm vấn bị cáo, người đàn bà gầy nhom, mặc chiếc áo rộng thùng thình có nhiều chỗ vá cứ nhấp nha nhấp nhổm không yên. Dẫu T.H.T đã lớn, cũng đã có một gia đình riêng nhưng từ khi con trai bị giam, chẳng đêm nào bà ngủ yên giấc, ăn gì cũng như nhai sạn đá. “Hồi chưa xảy ra chuyện, nó làm quần quật để nuôi vợ con và mẹ già.

Nó bị tù, lương công nhân của vợ nó ít ỏi, tôi phải đi bán từng tờ vé số phụ vợ nó trả nợ tiền bồi thường cho người ta. Nhưng cực mấy chắc cũng không bằng nó sống cảnh tù tội...”- bà thở dài. Phiên tòa kết thúc. Bà luống cuống đứng lên, năn nỉ anh cảnh sát dẫn giải cho bà được ôm con trai một lần. Nhận được cái gật đầu, bà mừng rỡ tiến đến hôn tới tấp lên tóc, lên má con trai rồi mếu máo: “Má nhớ con quá!”. T. bật khóc. Giọt nước mắt muộn màng và ân hận.

Tôi vẫn còn nhớ như in ánh mắt lạc thần, hoang mang đến cực độ của bị cáo V.T.H (SN 1967, Bình Thuận, phạm tội mua bán trái phép chất ma túy) khi nhắc đến đứa con bé bỏng. Từ Bình Thuận vào TPHCM làm mướn, lỡ có thai rồi bị bỏ rơi. Sinh con được một ngày, H. phải ôm con bỏ trốn khỏi bệnh viện vì không tiền đóng viện phí.

Cuộc sống tạm bợ, bữa đói bữa no khiến đứa bé thường xuyên bị bệnh. Rồi một lần, con bé sốt cao mà H. không còn một đồng trong túi, một người thanh niên ra tay giúp đỡ, kèm theo điều kiện phải bán heroin cho anh ta. Giữa sự sống và cái chết của con, H. nhắm mắt làm liều...

Được vài ba lần thì bị bắt. “Từ hôm bị bắt đến nay, không ngày nào bị cáo không nghĩ đến con. Không biết giờ này con bị cáo nơi đâu? Nó mới 5 tuổi, lại ốm yếu...”- H. khóc ngất. Có lẽ khi nhận lời làm việc này, H. không hình dung được cái giá phải trả cho hành vi vi phạm pháp luật của mình lại nặng nề đến vậy. Rất may, HĐXX cho biết con gái của H. đã được đưa về Bình Thuận cho cha mẹ H. nuôi. Mừng vui khi biết tin tức về con nhưng khi chờ nghị án, H. lại khắc khoải: “Khi tôi ra tù, chắc con không còn nhớ mặt mẹ nữa...”.

Và còn rất nhiều bà mẹ khác mà tôi vô tình gặp trong những phiên xử hay ở sân tòa như thế. Để kết thúc bài viết này, tôi muốn nhắc đến một người mẹ đã cắn răng lựa chọn lẽ phải thay tình mẫu tử, dũng cảm tố cáo đứa con trai đem bán chính hai con ruột của mình- bà K.T.X (mẹ của P.Q.N, phạm tội mua bán trẻ em). “Tôi ngu dốt, không biết gì về pháp luật nhưng cũng biết đâu là lẽ phải. Thằng Cụi (tên ở nhà của N.) làm ra chuyện vô đạo đức thì phải chịu sự trừng phạt.

Nhưng nói thì vậy, là người mẹ, thấy con bị còng tay, chịu tù tội 10 năm, làm sao không đau lòng cho được? Nhiều đêm tôi thức trắng, hỏi lòng “mình làm vậy có đúng không, con có hận không?”. Nhưng xét cho cùng, những gì tôi đã làm cũng chỉ vì tương lai của con, cháu”- bà X. đưa tay áo lau nước mắt. Vậy đó, cho dù phải lựa chọn như thế nào, điều cuối cùng người mẹ mong muốn vẫn là mang đến cho con những gì tốt đẹp nhất.

Theo Tố Trâm / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.