Sự khó chịu từ cái mũi

12/09/2005 22:57 GMT+7

Viêm mũi dị ứng là bệnh khá phổ biến hiện nay, nhất là tại các thành phố lớn, điều kiện môi trường sống, làm việc bị ô nhiễm bởi khói, bụi... Sai lầm của phần lớn người bệnh cho rằng bệnh không sao, để vậy cũng sẽ tự khỏi, nên không quan tâm chữa trị, vì thế bệnh dẫn đến viêm mũi - xoang do vi trùng...

Nguyên nhân gây bệnh

Theo bác sĩ Phạm Thanh Sơn - khoa Tai - mũi - họng của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), viêm mũi dị ứng là bệnh hiện nay có rất nhiều người mắc phải (chiếm gần 70% dân số trong nước). Nguyên nhân thường gặp là do thay đổi về thời tiết, khí hậu; do ảnh hưởng bởi môi trường (trong nước thường là do bụi bặm; khí thải công nghiệp; khói thuốc lá trong những phòng máy lạnh...); một số trường hợp bị ảnh hưởng bởi môi trường làm việc bị ô nhiễm; những người làm trong bộ phận đông lạnh, may mặc (bụi vải); một nguyên nhân khác còn do tình trạng sức khỏe của cơ thể mỗi người, nhất là những người ít vận động, hoạt động thể lực cũng dễ bị viêm mũi dị ứng... Ngoài ra, một số trường hợp mắc bệnh viêm mũi dị ứng do yếu tố di truyền.

Những triệu chứng biểu hiện thường gặp của bệnh viêm mũi dị ứng bao gồm: hắt hơi, chảy nước mũi (trong, loãng), nghẹt mũi, nhức đầu, ngứa họng và ho... mà số đông người bệnh hay lầm tưởng rằng mình bị cảm.

Biến chứng của viêm mũi, nếu nhẹ thì thường làm nghẹt mũi, gây khó chịu trong sinh hoạt, khiến cơ thể có cảm giác uể oải, mệt mỏi (do mũi bị nghẹt, nên lượng oxy đưa lên não bị thiếu hụt); biến chứng kế tiếp là gây nhức đầu, giảm tập trung trí nhớ làm ảnh hưởng đến công việc, học tập; một số trường hợp do nghẹt mũi nên tối ngủ phải thở bằng đường miệng, dẫn đến bị khô họng, gây viêm họng; biến chứng quan trọng đó là viêm mũi dị ứng, nếu để lâu sẽ trở thành viêm mũi - xoang do vi trùng, phải điều trị kéo dài, tốn kém. Ngoài ra, nếu để mũi thường xuyên bị nghẹt lâu ngày có thể dẫn đến viêm tai giữa cấp, rất nguy hiểm.

Đối với trẻ em, viêm mũi dị ứng thường kết hợp với viêm VA (khối sùi ở vòm mũi - họng), nếu để lâu không chữa trị sẽ làm cho cơ thể trẻ chậm phát triển. Đối với trẻ em, viêm mũi dị ứng rất dễ dẫn đến viêm tai giữa (đây là biến chứng hay gặp nhất ở trẻ), có thể làm biến dạng trên khối xương mặt (biểu hiện như: răng hô, răng cửa to...).

Điều trị và phòng bệnh

Bác sĩ Phạm Thanh Sơn cho rằng, sai lầm thường gặp ở những người bệnh là quan niệm bệnh "không có chi", để vậy cũng sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh tự khỏi, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp từ một bệnh viêm mũi dị ứng thông thường nhưng không chữa trị đã dẫn đến viêm mũi - xoang do vi trùng. Một sai lầm nữa mà số đông người bệnh hay mắc phải đó là tự mua thuốc để nhỏ mũi. Đây là những loại thuốc có tác dụng làm co mạch tại chỗ, nên rất hiệu nghiệm đối với những trường hợp bị nghẹt mũi do viêm. Tuy nhiên, nếu tự ý dùng lâu dài thuốc nhỏ mũi sẽ dẫn đến suy yếu niêm mạc mũi, bệnh trở nên nặng thêm! Đối với việc điều trị, bác sĩ Sơn cũng lưu ý người bệnh phải cẩn trọng đối với những loại thuốc xịt mũi, bởi có loại thuốc xịt có thể dùng lâu dài, nhưng có loại chỉ được dùng từ 3 - 7 ngày. Do vậy, cần phải có chỉ định dùng thuốc cho từng trường hợp của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh không được tự ý dùng mà khiến cho bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Kế đó, là một số thuốc chống dị ứng sử dụng trong viêm mũi dị ứng, người bệnh cũng thường tự ý mua dùng là điều không nên.

Một điểm nữa mà bác sĩ Sơn cũng lưu ý người bệnh, đó là thói quen thường xuyên dùng ống hít (để tạo cảm giác thông mũi). Rất nhiều người, hầu như lúc nào cũng mang theo ống hít bên mình, một ngày hít rất nhiều lần, khi cảm thấy mũi nghẹt nghẹt, vướng vướng là hít vô tư! Nếu cứ tự ý dùng loại ống hít này lâu dài sẽ gây nên tình trạng "nghiện" và làm giảm khả năng nhận biết về mùi.

Theo bác sĩ Sơn, phần lớn điều trị viêm mũi dị ứng là điều trị nội khoa. Thông thường thời gian điều trị từ 3 - 7 ngày bệnh sẽ lui. Tuy nhiên, bệnh này thường hay tái lại khi gặp môi trường thuận lợi.

Theo dân gian, bác sĩ Sơn cho biết, phương pháp nấu một số loại lá có tinh dầu để xông mũi cũng rất hiệu nghiệm đối với bệnh viêm mũi dị ứng. Gần đây, một số cơ sở thường dùng phương pháp khí dung (xông mũi có thuốc qua máy), đây là phương pháp người bệnh có thể tự làm tại nhà khi được bác sĩ hướng dẫn. Trong điều trị đối với trẻ em phải hướng dẫn trẻ "xì mũi" đúng cách, nếu trẻ quá nhỏ chưa thực hiện được thì phải dùng ống hút.

Để phòng bệnh viêm mũi dị ứng, theo bác sĩ Phạm Thanh Sơn, phải thường xuyên vận động, tập thể dục, chơi thể thao nhằm tạo sức đề kháng cho cơ thể. Khi đi ngoài trời nắng, bụi và gió thì phải mang khẩu trang. Bệnh cũng có thể tự khỏi trong vòng vài ngày (nếu cơ thể có sức khỏe tốt). Nếu quá 3 ngày mà bệnh không thuyên giảm, thì cần đến chuyên khoa để chữa trị, nhằm tránh việc dẫn đến bệnh trầm trọng hơn.

Khánh Vy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.