Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bị kiện phạm tội ác chiến tranh

15/11/2006 15:03 GMT+7

Luật sư của một nhóm 12 tù nhân tại Abu Ghraib (Iraq) và Guantanamo (nhà tù của Mỹ tại Cuba) đã gởi đơn kiện lên các công tố viên liên bang ở Đức hôm 14/11, yêu cầu mở một cuộc điều tra phạm tội ác chiến tranh với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld.

Đơn kiện cho rằng ông Rumsfeld đã ra lệnh và sau đó ngó lơ cho cấp dưới tra tấn tại các nhà tù kể trên. Đơn kiện cũng kể tên thêm 13 quan chức Mỹ khác.

Đơn kiện được nộp lên theo một điều khoản trong luật pháp Đức, vốn cho phép truy tố các những nghi can phạm tội ác chiến tranh, cho dù tội ác được thực hiện ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Các công tố viên Đức đã tuyên bố sẽ xem xét đơn kiện.

Mặc dù chính bản thân các luật sư theo đuổi vụ kiện cũng thừa nhận rằng khả năng Rumsfeld phải ngồi tù ở Đức là rất thấp nhưng mục tiêu của họ là gây áp lực lên các quan chức chóp bu của Mỹ, những người mà các luật sư cho rằng có tội và đáng phải bị trừng phạt.

Đơn kiện dài 220 trang, yêu cầu truy tố nhiều quan chức Mỹ khác như cựu Bộ trưởng Tư Pháp A. Gonzales, cựu Tổng giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) G. Tenet, cựu Tư lệnh quân đội Mỹ tại Iraq R. Sanchez…, cho rằng những người này đã ra lệnh, hỗ trợ hoặc không chịu ngăn chặn các tội ác chiến tranh.

Bryan Whitman, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố phía Mỹ chưa nhìn thấy đơn kiện nhưng những gì được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho thấy đây chỉ là một vụ “phù phiếm”.

“Abu Ghraib là vụ đã được Chính phủ Mỹ điều tra rất thấu đáo”, Whitman phát biểu.

Cũng xin nhắc lại rằng Abu Ghraib, nhà tù của Mỹ tại Iraq, là nơi đã xảy ra vụ xì căng đan sỉ nhục các tù nhân bằng những biện pháp khủng khiếp nhất như cho giựt điện, đe dọa bằng chó nghiệp vụ, lột trần truồng tù nhân và bắt họ thực hiện những động tác khiêu dâm, tra tấn bằng ánh sáng, âm thanh…, trong đó nhiều binh sĩ Mỹ trực tiếp thực hiện các vụ tra tấn này.

Trong khi đó, cựu tướng Mỹ từng phụ trách tất cả các nhà tù Mỹ ở Iraq, Janis Karpinski cho biết bà chấp nhận làm chứng để chống lại các cấp trên của mình vì chỉ mới có một số lượng rất ít ỏi các binh lính cấp thấp bị buộc tội trong các vụ vi phạm tại Abu Ghraib.

Trong số 12 tù nhân phát đơn kiện có M. al-Qahtani, một người Ả Rập Xê Út đã bị giam giữ tại Guantanamo. Ông này bị bắt hồi tháng 12/2001 vì bị tình nghi có thể tham gia vào vụ tấn công 11/9 vào nước Mỹ.

Theo nội dung một cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi năm 2005, Al-Qahtani không chịu khai nhận bất kỳ điều gì sau các quá trình hỏi cung thông thường. Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld đã ra lệnh thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn.

Sau khi Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) bày tỏ quan ngại về vụ này, các nhà điều tra quân đội bắt đầu xem xét lại vụ việc và đến tháng 7/2005, họ thừa nhận là đã áp dụng các biện pháp ngược đãi với các tù nhân, bao gồm việc bắt al-Qahtani, một nam tù nhân, phải mặc áo ngực phụ nữ, phải nhảy với một người đàn ông khác, lột trần truồng ông trước mặt phụ nữ và bắt ông phải giả làm một con chó. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc Mỹ vẫn khẳng định “tra tấn đã không xảy ra”.

Các luật sư trong vụ kiện kể trên nhận định rằng các tài liệu từ cuộc điều trần trước Quốc hội năm 2005 về vụ al-Qahtani sẽ giúp họ rất nhiều. Thêm vào đó, việc ông Rumsfeld đã đệ đơn từ chức và sắp chính thức rời bỏ chiếc ghế Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ giúp làm giảm thiếu các áp lực chính trị nhằm hủy bỏ vụ kiện.

Kiều Oanh (Theo AP)

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.