Hiểm họa khôn lường từ sao băng

16/10/2010 15:54 GMT+7

Hiện tượng sao băng đôi khi có thể mang lại sự chết chóc trên diện rộng cho những sinh vật trên trái đất.

Hãy tạm thời bỏ qua một bên viễn cảnh Bruce Willis đánh vật với những tiểu hành tinh khổng lồ đe dọa hủy diệt trái đất trong phim Armageddon. Hóa ra con người nên chuyển sự lo ngại sang những tảng đá vũ trụ nhỏ hơn vốn nổ tung khi chạm vào bầu khí quyển của chúng ta. Chúng có thể gây nên sự hủy hoại tại địa phương và xâm phạm không phận của chúng ta mà không thông báo trước. Khi một tiểu hành tinh phát nổ ngoài không gian (dân gian thường gọi là sao băng), xảy ra trên một vùng đảo của Indonesia cuối năm ngoái, nó đã làm rung chuyển cộng đồng cư dân địa phương với năng lượng ước tính khoảng 50 kiloton, tương đương với khoảng 50.000 kg TNT. Và cứ trung bình mỗi 2 năm đến 12 năm/lần, những vật thể này lại tấn công bầu khí quyển trái đất.

Nguy cơ đến từ các thiên thạch phát nổ và sự cần thiết theo dõi những vật thể nguy hại gần trái đất là trọng tâm chính trong Hội nghị Không gian 2010 vừa qua tại California (Mỹ). Space.com dẫn lời nhà vật lý học Mark Boslough (thuộc Phòng Thí nghiệm quốc gia Sandia ở Albuquerque), giới khoa học thường cho rằng mối đe dọa thực tế đến từ những đợt va chạm trực tiếp xuống mặt đất và bầu khí quyển bảo vệ được loài người khỏi những thiên thạch nhỏ hơn. Tuy nhiên, suy nghĩ trên hoàn toàn sai lầm, sau khi mô hình sao băng của Boslough chỉ ra rằng những thiên thạch nhỏ hơn trong lúc dội vào bầu khí quyển đã phóng ra một nhiệt lượng dữ dội và tạo nên các cơn gió giật cực mạnh có thể chạm đến mặt đất.

Một thiên thạch đủ lớn để xâm nhập sâu vào tầng khí quyển, trước khi phát nổ có thể tạo nên những luồng khí đốt thiêu rụi bất cứ thứ gì dễ bị tác động trên mặt đất. Trong phút chốc, thực vật sẽ bị bốc hơi còn đá sẽ tan chảy thành thủy tinh nếu lỡ lọt vào phạm vi của những vụ nổ khủng khiếp này. Một trường hợp tương tự đã xảy ra tại sa mạc Libya cách đây khoảng 30 triệu năm, theo Boslough. Rải rác trên khu vực này là những vật liệu đã tan chảy thành thủy tinh. Những mỏ thủy tinh lớn đã được phát hiện tại những nơi mà lẽ ra chúng không thể hiện hữu.

Chuyên gia Boslough cho rằng nếu tính toán về mặt thống kê, hầu như chắc chắn rằng một vụ nổ hủy diệt kế tiếp sẽ đến từ sao băng. Sự kiện Tunguska, thuộc Siberia, là một ví dụ điển hình. Vào sáng 30.6.1908, một khối cầu lửa đã lao xuống từ trời cao và nổ tung trên không trung. Sức công phá của vụ nổ đã hủy diệt cây cối trong diện tích ít nhất 2.000 km2, nhưng không xuất hiện bất cứ hố nào trên mặt đất. Theo giới chuyên gia, thiên thạch trong sự kiện Tunguska là một vật thể có bề ngang 40m. Trong lúc ma sát với bầu khí quyển, thiên thạch này đã bị nung nóng đến 10.000 độ C và cuối cùng nổ tung tại độ cao từ 6 - 10 km. Sức công phá của vụ nổ tương đương từ 10 - 50 triệu tấn TNT, tương đương với Castle Bravo, quả bom hạt nhân mạnh nhất của Mỹ.

Các nhóm chuyên gia khác cũng chia sẻ cùng ý kiến với Boslough. Bên cạnh việc theo dõi các tiểu hành tinh có kích thước lớn, đã đến lúc con người nên nhận ra rằng những thiên thạch nhỏ cũng có thể đe dọa đến sự sống trên trái đất. Điều cần làm hiện nay là phải đầu tư thêm các kính thiên văn để phát hiện những thiên thạch có khả năng gây nguy hiểm. Và đối với những kẻ hủy diệt tí hon này, việc bắn hạ đúng lúc là cần thiết và hoàn toàn khả thi.

Hạo Nhiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.