Mưu sinh trong lũ

23/10/2011 15:18 GMT+7

Nhiều nơi ở ĐBSCL vẫn đang vật lộn với cơn lũ lịch sử nhưng đây cũng là dịp mưu sinh của những người nghèo.

Bất chấp nước lũ đang dâng cao, hàng ngàn người dân ĐBSCL vẫn chộn rộn mưu sinh. Họ túa đi nhiều nơi đặt lú, đóng đáy, giăng lưới… trên những cánh đồng ngập nước hoặc dưới lòng kênh.


Đặt lú, cách  bắt cá thông dụng của người dân mùa lũ

Ông Lê Văn Xíu, ngụ tại xã An Phú, huyện Tịnh Biên - An Giang, cho biết mới đây, chỉ một đêm mà gia đình ông đã đặt lú được trên 100 kg cá các loại. Trừ hết chi phí, gia đình ông bỏ túi được vài triệu đồng. “Vào mùa lũ, ngày thường gia đình tôi cũng bắt được trên dưới 50 kg, đỡ khổ phần nào”- ông Xíu phấn khởi.


Anh Nguyễn Thành Thạch bắt rắn trên đồng

Từ đầu tháng 5 âm lịch, hàng ngàn người đã chuẩn bị ngư cụ khai thác cá, cua, ếch, rắn… Dọc tuyến biên giới Tây Nam mùa này, tại các ngã ba sông hoặc trên những dòng kênh lớn, lúc nào chúng tôi cũng bắt gặp rất nhiều người chèo xuồng mang lưới đi đóng đáy. Lũ càng dữ, đáy càng khó hứng được nhiều cá, tôm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sến, ngụ tại xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú - An Giang, lại vừa trúng đậm mẻ cá hơn 200 kg. Gặp chúng tôi, ông Sến hồ hởi: “Đợi nước rút xuống, lúc đó tha hồ mà bắt các loại cá lăng, lóc, trèn, kết…, nhất là tôm càng xanh và tép lóng. Mỗi ngày, ráng bắt 200-300 kg cá là kiếm cả chục triệu đồng như chơi!”.


Người dân tập trung chuẩn bị giăng lưới

Những người làm nghề khai thác lú, đáy cũng dễ gặp nguy hiểm, khó khăn hơn vì nước chảy xiết như dao cắt. Tuy nhiên, đối với những người nghèo, chỉ cần sông nước có nhiều cá, tôm là đủ vui mừng. Anh Nguyễn Văn Long cho biết cả tháng nay, vợ chồng anh đã gửi 2 con nhỏ ở huyện Chợ Mới – An Giang để đến “đóng chốt” trên kênh Mặc Cần Dưng (xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn) giăng lưới. “Năm nay lũ lớn nên cá về nhiều gấp đôi. Nhờ vậy, vợ chồng tôi cũng kiếm được mỗi đêm 300.000 - 400.000 đồng, bù cho những khi đói kém”- anh Long cho biết.


Hồ hởi khi giăng được một mẻ lưới đầy cá

Trên tuyến kênh Mặc Cần Dưng đoạn qua xã Vĩnh Hanh, huyện Tri Tôn, cứ tờ mờ sáng hằng ngày, chúng tôi lại gặp hàng đoàn người chèo xuồng đi khắp nơi thu gom ếch đồng về bán kiếm lời. Đến trưa, họ mang đầy sản vật trở về tập kết khiến khung cảnh của một vùng quê mùa lũ trở nên sôi động. Theo chị Trần Thị Thúy, một người thu gom ếch, toàn bộ số ếch sau khi phân loại sẽ được bạn hàng chuyển lên xe tải đưa về TPHCM tiêu thụ.


Thu gom ếch đưa về TPHCM tiêu thụ

Vùng Tứ giác Long Xuyên lúc này ngập chìm trong nước lũ và các loại rắn nước, ráo, hổ ngựa, hổ hành… nhiều vô kể. Đây chính là thời điểm người dân khắp nơi đổ xô đến săn bắt rắn. Chiều buông xuống, hàng chục chiếc xuồng máy tập trung kín cả một đoạn kênh Lò Gạch, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn. Anh Nguyễn Thành Thạch, ngụ huyện Châu Thành - Hậu Giang, một người săn rắn đã có hơn 10 năm kinh nghiệm, cho biết: “Người săn rắn thường đi một mình bằng xuồng nhỏ để tiện ra tay bắt rắn và dễ luồn lách, xoay xở trong các bụi cây rậm rạp còn nhô lên trên mặt nước, nơi thường có rất nhiều rắn. Thêm nữa, khi gặp sóng to, gió lớn, xuồng đi nhiều người sẽ dễ bị lật úp”. Khoe một chú rắn da vàng như nghệ nặng gần 1 kg vừa bắt được, Thạch hồ hởi: “Một đêm bắt chừng 4-5 con cỡ vầy là kiếm được cả triệu bạc”.

Cá, tôm giảm mạnh

Ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang, cho biết sản lượng thủy sản trong tự nhiên giảm đến 60% so với năm 2001. Năm 2001, An Giang khai thác trên 90.000 tấn nhưng đến năm 2010 chỉ còn khoảng 37.200 tấn.

Theo ông Dũng, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này:  Người dân khai thác cá, tôm bừa bãi theo kiểu tận diệt và diện tích đất ngập nước giảm dần do các địa phương làm đê bao sản xuất lúa vụ 3.


Đóng đáy khai thác cá trên kênh Trà Sư – An Giang

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.