Thiếu cả tình lẫn lý

22/10/2011 00:21 GMT+7

Sau Đà Nẵng phân biệt bằng tại chức với chính quy, cách tuyển dụng công chức của tỉnh Nam Định cho thấy quan niệm xem trọng bằng cấp và không có chính sách đúng đắn trong việc tuyển chọn người tài vẫn là lối suy nghĩ phổ biến ở VN.

Lý giải về việc tại sao Nam Định không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp trường ngoài công lập (NCL) vào làm công chức cấp huyện trở lên, ông Trần Tất Tiệp - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh, cho rằng xuất phát từ mong muốn tuyển được những cán bộ có năng lực thật sự. Mong muốn này hết sức chính đáng và càng không khó thực hiện. Cũng như bất kỳ đợt tuyển sinh hay tuyển dụng nào, để chọn được người phù hợp, cần một kỳ thi tuyển công khai với những yêu cầu năng lực cụ thể. Thế nhưng, tại sao Nam Định lại không thực hiện việc giản đơn này mà ngay từ đầu đã đặt ra rào cản đối với người tốt nghiệp trường NCL!

Về mặt lý, điều này trái với pháp luật. Vì Luật Giáo dục công nhận bằng cấp của hệ thống đào tạo công lập và NCL tương đương nhau vì thế không có lý do gì Nam Định được quyền phân biệt. Đó là chưa kể, sinh viên NCL họ cũng là một công dân như bao công dân khác nên họ có quyền được nộp hồ sơ vào các đơn vị tuyển dụng.

Trường NCL nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân và đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết nhu cầu học tập của giới trẻ. Tính đến năm 2010, trường NCL chiếm 14% tổng sinh viên toàn quốc. Theo kế hoạch, con số này sẽ là 20% trong thời gian tới và tất nhiên họ góp phần không nhỏ trong quá trình phát triển của xã hội nên không thể phủ nhận họ.

Mặt khác, trong một xã hội hay một tập thể bao giờ cũng có người giỏi, người dở nên không thể luôn có định kiến rằng NCL là tệ (cho dù số người giỏi không cao). Thực tế cho thấy không ít trường NCL có những ngành học nổi trội và sinh viên xuất sắc hơn cả trường công lập.

Khoảng 10 năm trước, báo chí đã có nhiều bài khen ngợi về cô sinh viên chưa tốt nghiệp một trường NCL tại TP.HCM mà đã được nhận vào làm việc tại khách sạn 5 sao nổi tiếng. Chỉ sau 2 năm rưỡi, lúc mới 24 tuổi, cô đã trở thành giám đốc tiền sảnh - một trong rất ít người quản lý khách sạn trẻ nhất vào thời điểm đó, quản lý khoảng 100 nhân viên ở gần 10 bộ phận nhỏ. Đài quốc tế Hàn Quốc KBS World từng phỏng vấn cô cùng hai nhân vật trẻ khác - đại diện cho hình ảnh VN sau chiến tranh - và phát trong chương trình World Plus. Sau đó, cô lần lượt nắm vững nhiều vị trí quan trọng ở nhiều khách sạn tên tuổi khác và hiện là phó giám đốc của một tổ chức nước ngoài. Cũng trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 này, khá nhiều thủ khoa của các trường ĐH lớn là học sinh từ các trường THPT NCL. Như vậy, càng không thể võ đoán cứ cho rằng NCL là kém chất lượng.

Về mặt tình, thành kiến này sẽ tạo mặc cảm cho những người đang học, làm việc trong hệ thống NCL. Sinh sau, đẻ muộn và còn lắm điều bất cập, hệ thống NCL ở VN tất nhiên còn phải hoàn thiện rất nhiều. Trong bối cảnh này, họ cần phải được ủng hộ để tiếp tục phát triển chứ không đáng bị bài trừ. Tất nhiên, không làm ở chỗ này họ sẽ làm chỗ khác, nhưng sự phân biệt này vô tình khiến nhiều người thiếu động lực phấn đấu. Không đưa tay ra để tạo cho mọi người cơ hội như nhau thì thôi, sao lại tìm cách đẩy người khác ra khỏi cuộc đua!

Rõ ràng người tài ở đâu cũng có vấn đề là chọn lựa như thế nào. Một kỳ thi tuyển công khai để sàng lọc trước, chuyện đơn giản thế sao không làm lại đi xây dựng một rào cản sai luật?

Thùy Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.