Vệ sinh thực phẩm dịp Tết Trung thu: Vẫn còn nguy cơ chưa an toàn

12/09/2005 00:57 GMT+7

Theo các cơ quan chức năng, nhiều cơ sở sản xuất cung cấp từ hàng chục đến cả trăm tấn bánh trong mùa trung thu này. Với số lượng lớn và nguyên liệu làm bánh là thực phẩm chế biến, do vậy đây là mặt hàng rất dễ bị ô nhiễm nếu không được cơ sở sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm. Ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cảnh báo về những nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu. Ông cho biết:

 

Do sản xuất bánh trung thu đem lại lợi nhuận rất cao, lãi suất tới 20-30%, nên chiến dịch sản xuất bánh trung thu đã được bung ra ở khắp các vùng với khoảng 40-60 loại bánh. Như chúng tôi được biết, nhiều cơ sở có tên tuổi sản xuất trong mùa bánh này khối lượng lên tới 400-600 tấn. Các cơ sở vừa cũng từ vài chục đến trăm tấn. Ngoài ra, hàng trăm ngàn các cơ sở nhỏ, thủ công cũng sản xuất vài ba tạ đến vài tấn. Với số lượng lớn, nguyên liệu sản xuất bánh là thực phẩm chế biến và quy trình sản xuất có các công đoạn thủ công nên các nguy cơ ô nhiễm hóa chất, vi sinh vật và các yếu tố khác rất cao.

 

* Những vi phạm nào đã từng được cơ quan chức năng phát hiện?


"Nguyên liệu làm nhân bánh thường có trứng, thịt, xúc xích, lạp xưởng... là những thứ dễ bị ô nhiễm và cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi phát triển. Qua đi kiểm tra nhiều nơi, đã xuất hiện lẻ tẻ các trường hợp bị đau bụng, tiêu chảy do ăn bánh trung thu". - PGS.TS Trần Đáng (Ảnh: Ngọc Thắng)
 - Nhìn chung, phần lớn các cơ sở có tên tuổi đều đảm bảo được quy trình sản xuất an toàn. Song, một số cơ sở nhỏ, sản xuất thủ công, hoặc cố ý hoặc vô ý, vẫn sử dụng các phẩm màu độc, các chất bảo quản chốáng mốc độc hại, các nguyên liệu làm bánh không đảm bảo. Vẫn còn các cơ sở diện tích chật hẹp, không đảm bảo yêu cầu, nhân viên làm bánh không được khám sức khỏe. Thậm chí, người làm bánh nặn bánh trực tiếp bằng tay chưa được rửa sạch. Ngoài ra, vì nhắm vào thị hiếu của trẻ em, nhiều cơ sở đã sản xuất các loại bánh hình các con vật nhiều màu sắc do sử dụng phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế, gây độc hại nếu ăn phải.

 

*Nhưng thưa ông, người tiêu dùng không thể có điều kiện kiểm tra như cơ quan chức năng, làm sao mua được bánh trung thu đảm bảo chất lượng?

 

  - Bánh để lâu trong môi trường nóng, ẩm rất dễ bị mốc, hư hỏng nên khi mua cần được kiểm tra. Thông thường, bánh đảm bảo chất lượng có màu sắc đều, vỏ mỏng, nhân cắt ra không bị rớt. Người mua rất cần lưu ý xem hạn sử dụng, bao gồm cả ngày sản xuất. Với bánh dẻo, trung bình hạn dùng chỉ 8-10 ngày, bánh nướng có thể dài hơn, 20-30 ngày. Chúng tôi lưu ý điều này vì nhãn sản phẩm của nhiều cơ sở còn chưa đảm bảo đúng quy định. Thực tế, qua kiểm tra ở nhiều cơ sở trong những năm qua cho thấy, ngay cả bánh nướng, bánh dẻo của các doanh nghiệp có tên tuổi cũng có vi phạm về nhãn mác. Bánh chỉ ghi hạn sử dụng chứ không ghi ngày sản xuất, thậm chí có sản phẩm bán trong siêu thị cũng không chấp hành đầy đủ quy định này. Người tiêu dùng chỉ nên mua bánh có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất tại các cơ sở đã có sự giám sát kiểm tra của các cơ sở y tế. Đối với nhà sản xuất, kinh doanh, các đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã tăng cường kiểm tra để ngăn chặn, phát hiện các cơ sở sản xuất bánh trung thu giả, kém chất lượng. Tuyệt đối không được bán bánh quá hạn, bánh mốc rồi đem lau chùi để bán. Chúng tôi rất hoan nghênh việc tăng cường truyền thông giáo dục, đặc biệt trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao trách nhiệm và lương tâm người sản xuất, kinh doanh cũng như nâng cao nhận thức và thực hành cho người tiêu dùng.

 

Liên Châu (thực hiện)

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.