Đề án 112: Còn nhiều câu hỏi lớn

15/09/2007 00:46 GMT+7

* Đã tiêu tốn hết bao nhiêu tiền? * Các công ty phần mềm cũng phải chịu trách nhiệm * Những cảnh báo sớm trên Báo Thanh Niên >> Xem tất cả các tin bài liên quan

Báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH hồi tháng 3.2007 đã chỉ ra rằng Đề án 112 đã thất bại cả trên 5 mục tiêu ban đầu đề ra, gồm xây dựng các hệ thống tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, xây dựng và tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia, tin học hoá các dịch vụ công, đào tạo tin học và thúc đẩy cải cách hành chính.

Tự cho mình quyền "vừa đá bóng, vừa thổi còi"

Nguyên nhân chính được QH chỉ ra là do bộ máy triển khai đề án "có vấn đề". Một đề án lớn và quan trọng như vậy lại được giao cho Ban điều hành do một Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là Trưởng ban, một số thứ trưởng kiêm nhiệm - "nhưng do bận nên ít dự họp và không tham gia chỉ đạo".

Theo Quyết định 137/2001/QGG-TTg của Thủ tướng về việc thành lập Ban điều hành tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005 thì Ban điều hành 112 Chính phủ không có chức năng quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, chỉ có quyền thẩm định các vấn đề về kỹ thuật, công nghệ, phù hợp với mục tiêu của đề án để giúp các bộ, ngành, tỉnh, thành phố phê duyệt đề án của mình. Điều đó có nghĩa rằng Ban điều hành Đề án 112 Chính phủ không có thẩm quyền thẩm định dự án, càng không có thẩm quyền thẩm định thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán của các dự án. "Nhưng trong thực tế, Ban điều hành Đề án 112 Chính phủ đã tổ chức thẩm định các dự án phần mềm và hướng dẫn Ban điều hành 112 các tỉnh thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán là trái với Nghị định 52/1999/NĐ-CP, 12/2001/NĐ-CP, 07/2003/NĐ-CP, 16/2005/NĐ-CP quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, tạo nên tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong đầu tư công nghệ thông tin. Chức năng của Ban điều hành Đề án 112 Chính phủ đã chồng lấn chức năng của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý Nhà nước" - báo cáo giám sát khẳng định.

Trong khi đó Ban điều hành Đề án 112 lại không có mối quan hệ hợp tác với Ban chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin và Bộ Bưu chính - Viễn thông, đẩy các dự án công nghệ thông tin vào tình trạng thiếu "nhạc trưởng", mạnh ai xin phê duyệt thì được làm.

Tối qua, một nguồn tin cho biết, CQĐT - Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can thêm một cán bộ, người liên quan trực tiếp đến những sai phạm trong việc in ấn tài liệu triển khai Đề án 112, nâng tổng số người bị khởi tố trong vụ này lên 9 người.

1.000 tỉ,  3.730 tỉ...  hay còn hơn thế nữa?

Không những yếu về chuyên môn, theo báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường QH, Ban điều hành Đề án 112 còn làm sai các nguyên tắc tài chính. Việc phân cấp đầu tư được Thủ tướng phê duyệt trong đề án rõ ràng và tạo điều kiện chủ động cho các bộ, ngành, địa phương. "Song trong quá trình chỉ đạo, do Ban điều hành 112 Chính phủ không định được khung chuẩn của các hệ thống tin học hóa của các bộ, ngành, địa phương, xác định được mức đầu tư sàn nên dẫn đến các bộ, ngành, địa phương tùy tiện đầu tư. Có bộ, ngành, địa phương đầu tư lớn, có nơi lại ít quan tâm hầu như không có gì thêm ngoài nguồn từ kinh phí trung ương".

Tính đến nay cũng chưa có con số chính xác số tiền mà Đề án 112 đã tiêu. Bởi vì báo cáo giám sát phát hiện: "Kinh phí trung ương dự trù không sát, chỉ nói chung chung khoảng dưới 1.000 tỉ. Bên cạnh đó trong quá trình triển khai Ban điều hành 112 Chính phủ không nắm được các bộ, ngành, địa phương đầu tư thêm bao nhiêu". Con số tổng hợp đến tháng 9.2003 số tiền đầu tư là 3.730 tỉ đồng. "Vậy đến cuối năm 2005 (kết thúc đề án - PV) số tiền chi là bao nhiêu? Con số này tương ứng với bao nhiêu phần trăm so với mức cần đầu tư đến 2005 và đã hoàn thành được bao nhiêu phần trăm nhiệm vụ, mục tiêu tin học hóa quản lý hành chính nhà nước đến năm 2005?"-  QH đặt câu hỏi.

Ngoài ra, báo cáo còn cho thấy nguồn kinh phí từ Ban điều hành Đề án 112 Chính phủ chỉ đầu tư cho việc xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu, trong khi đó chưa có phần mềm dùng chung cũng như cơ sở dữ liệu nên vốn đầu tư coi như không có hiệu quả. Nghiêm trọng hơn, theo báo cáo giám sát thì, do tỷ lệ khấu hao thiết bị công nghệ thông tin là 15%/năm nên số thiết bị đã đầu tư sẽ bị khấu hao trong khi sử dụng không hiệu quả.

Những câu hỏi về trách nhiệm cá nhân cũng như những sai phạm trong việc điều hành Đề án 112 có lẽ sẽ tìm được câu trả lời tại Cơ quan điều tra.

Những cảnh báo sớm trên Thanh Niên

Không phải đợi đến khi các cơ quan hữu quan vào cuộc, những dấu hiệu cho thấy có sự bất cập và lãng phí của Đề án 112 (Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005) đã được phát hiện sớm và phản ánh trên Báo Thanh Niên.

Trên số ra ngày 13.4.2006, Báo Thanh Niên đã có bài viết “Đề án 112 thất bại: Lãng phí hàng trăm tỉ đồng”, đã mở đầu cho hàng loạt bài viết về sự lãng phí, bất ổn của Đề án này.

Nguyên nhân dẫn đến thất bại của Đề án 112 cũng như sự lãng phí của Đề án này đã được Báo Thanh Niên tiếp tục phân tích toàn diện và chi tiết trên các loạt bài: "Ban Điều hành Đề án 112 đã vi phạm hàng loạt quy định của Nhà nước" (TN 4.5.2007); "Đề án 112 không thể quyết toán được" (TN 9.5.2007); "Đề án 112: Phần mềm dùng chung thua phần mềm tự viết của quận" (TN 11.5.2007); "Đề án 112: Tiêu tiền của dân sao dễ thế" (TN 12.5.2007)...

Không chỉ phân tích rõ nguyên nhân thất bại, các bất cập và sự lãng phí của Đề án 112, Báo Thanh Niên cũng chuyển tải đầy đủ nhận định, đánh giá về Đề án này của Chính phủ, lãnh đạo UBND TP.HCM và các cán bộ có trách nhiệm, chuyên gia...

Loạt bài của Thanh Niên về Đề án 112 đã nhận được hàng loạt ý kiến đồng tình, ủng hộ của độc giả. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng dứt khoát phải làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan đã gây lãng phí, thất thoát tiền của dân.

M.P

Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ, Phó Tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát: Thủ tướng chỉ đạo "Ai sai đến đâu thì xử lý đến đấy, không bao che!"

Ngày 14.9, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên về vụ khởi tố bắt giữ ông Vũ Đình Thuần, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và 7 cán bộ, thiếu tướng Phạm Quý Ngọ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Bộ Công an cho biết, toàn bộ các hợp đồng của đề án này là do ông Vũ Đình Thuần, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký duyệt nên ông ta phải chịu trách nhiệm. Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong vụ này là ai sai đến đâu thì phải xử lý đến đấy, không bao che nhưng cũng không làm sai luật pháp. Cả ngày và tối 13.9, CQĐT đã tiến hành khám xét 9 điểm liên quan đến 8 bị can bị bắt giữ. Đáng chú ý, trước đó, một số bị can là cán bộ có chức vụ đã không chịu hợp tác với CQĐT, không chịu cung cấp các tài liệu liên quan đến vụ án, trong đó có bị can Lương Cao Sơn, cán bộ Văn phòng Chính phủ là thư ký Ban chỉ đạo điều hành Đề án 112. Một vấn đề cần làm rõ là việc in ấn các tài liệu phục vụ đề án đều do người nhà của một số bị can trong vụ án này đứng ra bao thầu.

Việt Chiến - Káp Long

Việc bắt giữ ông Vũ Đình Thuần diễn ra như thế nào?

Theo một số nguồn tin từ phường Phương Mai, 21 giờ ngày 13.9, ông Thuần (ảnh) được đưa trên một chiếc xe 7 chỗ của cơ quan cảnh sát về đến nhà riêng ở  ngõ 4, đường Phương Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội. Ông dùng chìa khóa riêng tự mở cổng. Trước sự chứng kiến của một số cán bộ địa phương, một cảnh sát đọc lệnh khám xét nhà riêng.

Một nguồn tin cho biết: ông Thuần đã có hành vi vi phạm quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng; ông Thuần còn ký gần 50 hợp đồng, văn bản trái quy định trong việc in ấn, xuất bản, phát hành nhiều tài liệu liên quan đến việc triển khai Đề án 112. Ông cũng phải chịu trách nhiệm khi kê giá cao hơn so với thực tế một số phần mềm để triển khai Đề án 112.

Vợ ông Thuần không khóc, tỏ ra khá bình tĩnh, dẫn các cán bộ đi khám khắp 5-6 phòng trong căn nhà. Cuộc khám xét diễn ra trong khoảng 1 giờ đồng hồ.

Nhà riêng của ông Vũ Đình Thuần

V.C - K.L

Giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông TP.HCM Lê Mạnh Hà: Những công ty viết phần mềm cũng phải chịu trách nhiệm!



Ông Lê Mạnh Hà 

Ông Lê Mạnh Hà - Giám đốc Sở Bưu chính-Viễn thông TP.HCM là người đầu tiên lên tiếng về những yếu kém của Đề án 112. Từ tháng 4.2005, Sở Bưu chính - Viễn thông TP.HCM đã có nhiều công văn gửi UBND TP.HCM và Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ Thông tin - Truyền thông) nêu ra những yếu kém của các phần mềm dùng chung cũng như những lãng phí trong việc triển khai cài đặt các chương trình, triển khai đào tạo tin học cho cán bộ.

Trao đổi với Thanh Niên ngày 14.9.2007, ông Lê Mạnh Hà cho biết hiện Sở Bưu chính - Viễn thông TP.HCM vẫn chưa nhận bàn giao kết quả từ Đề án 112 và đang chờ những hướng dẫn của Bộ Thông tin - Truyền thông. "Chỉ nhận bàn giao những kết quả đạt được, còn sẽ không nhận những cái chưa được, đặc biệt sẽ không nhận nợ từ Đề án này", ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh. Cũng theo ông Hà, các phần mềm dùng chung do các công ty tin học viết ra nhưng không đạt hiệu quả thì tất yếu những công ty này cũng phải chịu trách nhiệm liên quan. Đặc biệt khi đó là những doanh nghiệp được chỉ định để triển khai những nội dung của Đề án 112 mà không thông qua quy trình lựa chọn theo đúng pháp luật. Đây là một vấn đề quan trọng cần được cơ quan chức năng làm rõ.

M.P

Ông Mai Anh, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Đặt ra vấn đề lớn về mô hình các "Ban chỉ đạo"

 Dự án này tuy chưa phải là một công trình trọng điểm quốc gia nhưng cũng là một dự án lớn, có Ban chỉ đạo gồm nhiều quan chức lãnh đạo cấp bộ. Nhưng rõ ràng, qua đây cũng thấy một vấn đề lớn cần bàn về mô hình "Ban chỉ đạo". Như Ban chỉ đạo đề án này, có nhiều thứ trưởng là thành viên nhưng ít tham gia hội họp, nắm bắt tình hình để có sự chỉ đạo cho đúng. Mà tình hình chung của các Ban chỉ đạo của ta là thế. Có nhiều lãnh đạo tham gia nhưng ai cũng bận việc. Rồi cuối cùng tất cả các công việc rơi vào tay Chánh văn phòng và chính những người đó thực hiện việc chỉ đạo mà nhiều khi không đúng.

Mạnh Quân (ghi)

Đâu chỉ là “tội” thiếu hiểu biết!

Trao đổi với PV Thanh Niên sáng 14.9, Giám đốc một doanh nghiệp phần mềm có tham gia vào việc thực hiện Đề án 112 nói: "Vấn đề đội giá khi in ấn tài liệu chỉ là một vấn đề rất nhỏ chưa liên quan gì đến các vấn đề thực sự của Đề án 112 vốn là một đề án về công nghệ thông tin với hàng loạt các vấn đề lớn về phần cứng, phần mềm, đào tạo... và nhiều cái khác còn phức tạp hơn rất nhiều". Ông này cho biết, trong số các tội của các quan chức Đề án 112, một tội khó quy nhất và là một tội có thực là tội "kém hiểu biết". Ông này nói: "Đội giá in ấn, vặn sai bù loong, ăn cắp ốc vít... thì rất dễ quy tội và hậu quả trực tiếp có thể nhìn thấy và kết tội chính xác. "Tội kém hiểu biết" có tính hệ thống, gây ra những tác động nghiêm trọng như thế nào thì ai cũng có thể nhìn thấy nhưng chỉ ra mối liên hệ trực tiếp để kết thành án như trong Đề án 112 thì cực kỳ khó, dù đây mới là cái cốt lõi của vấn đề", ông này nhận xét.

Theo thông tin Thanh Niên có được, dự án xây dựng cổng thông tin điện tử của Chính phủ trước đây do một công ty phần mềm là Vietsoftware được chỉ định làm thử nghiệm. Thế nhưng, đến khi chính thức khai trương cổng thông tin này vào tháng 9.2005, đơn vị làm thử nghiệm mới "ngã ngửa người ra" là không phải mình được chọn để thực hiện. Một nguồn tin thân cận từ những người thực hiện cổng thông tin này nhận xét, được triển khai một sản phẩm là cổng thông tin điện tử của Chính phủ (có tên miền là www.egov.gov.vnwww.gov.vn), thì công ty thực hiện lẽ ra phải rất tự hào và sẽ quảng bá rộng rãi về công trình này, nhưng lạ thay khi người ta không thấy tên tuổi cái công ty thực hiện ấy đâu cả. Gần 2 năm sau ngày khai trương, không có mấy ai biết tới cổng thông tin này ngoài việc biết chuyện người quản lý Ban dự án làm website của Chính phủ (nay đã được chuyển thành Cổng thông tin điện tử của Chính phủ) có văn bản về Cổng thông tin điện tử Chính phủ do Đề án 112 thực hiện với hàng loạt các vấn đề bất cập về tính pháp lý, thiết kế, công nghệ... Gần đây nhất thì Cổng thông tin điện tử Chính phủ do Đề án 112 thực hiện đã bị Chính phủ "đóng cửa".

Một chuyên gia lâu năm trong ngành công nghệ thông tin (đề nghị không nêu tên) nhận xét, còn bao nhiêu vụ việc kiểu Cổng thông tin điện tử Chính phủ xảy ra tại Đề án 112 thì cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhưng chắc chắn là những việc này không thể đơn giản chỉ có lỗi bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết.

Hoàng Ly

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.