Thư bạn đọc tuần qua

12/09/2005 16:01 GMT+7

Năm học mới đã bắt đầu được 1 tuần. Giáo viên và học sinh đã trở lại với nề nếp dạy và học trong nhà trường. Tuy nhiên, những điều bất ổn, cả mới và cũ, từ chuyện trường lớp, học hành thì có vẻ như ngày càng tăng thêm. Xung quanh vấn đề này, tuần qua Thanh Niên đã nhận rất nhiều phản ảnh từ phía bạn đọc - người dân.

Trước tiên là chuyện đồng phục cho nữ sinh. Rất nhiều ý kiến về đề tài này chúng tôi đã tổng hợp đăng trên báo in và trang web. Hiện trên trang chủ chúng tôi có mở mục thăm dò ý kiến bạn đọc với chủ đề “Nữ sinh có nên mặc áo dài khi đến trường”, bạn đọc có ý kiến xin mời tham gia bày tỏ quan điểm của mình.

Một trong những quy định trong chương trình năm học mới đối với học sinh tiểu học, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai là giảm tải chương trình tiểu học. Đây là sự mong chờ của cả giáo viên lẫn phụ huynh. Tuy nhiên, ngay sau khi năm học mới vừa bắt đầu được 1 ngày, bạn Ngoc Thanh ở đường 3/2, Q.10, TP.HCM đã có thư phản ảnh: “Tôi hiện có con đang theo học tại Trường Phan Đình Phùng (Q.3). Theo chủ trương của bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ giảm tải chương trình tiểu học, và nhấn mạnh đối với học sinh học 2 buổi/ngày thì không cho bài tập về nhà. Ấy vậy mà ngay sau ngày học chính thức đầu tiên 5/9/2005 chúng tôi đã nhận thấy cô giáo vẫn cho bài tập về nhà làm. Tôi không biết giữa chủ trương của Bộ Giáo dục - Đào tạo và việc thực hiện có được đồng bộ không?”.

Câu chuyện Học thêm và “biến tấu” dường như là chuyện ai cũng biết, nhưng chỉ đến khi Thanh Niên nêu ra thì người dân mới có điều kiện để lên tiếng:

Bạn Le Phan có thư: “Xin vui lòng ghé sang Trường Nguyễn Thị Định, Q.7, TP.HCM vào 7h30 sáng ngày 10/9/2005 để xem cái gọi là quỹ PHHS tại trường này, chúng tôi khó khăn lắm”.

Bạn Trần Thị Bạch Mai ở 556 chợ Cầu Muối có phản ảnh: “Trường PTCS Minh Đức (Q.1) đã tổ chức đại hội phụ huynh học sinh ngày 11/9/2005. Cũng là điệp khúc “đóng tiền”. Cô giáo thông báo các khoản thu cho năm học mới như sau: cơ sở vật chất 30.000đ/năm, học phí 15.000đ/tháng x 5 tháng, đề thi 7.000đ, phù hiêu 60.000đ/HS (đóng tiền mua phù hiệu rồi nay lại bảo phụ huynh mang áo đi thêu tên - phù hiệu mua về để làm gì ?), hội phí của trường 120.000đ/năm, khuyến học 20.000đ/năm, quỹ lớp 50.000đ/học kỳ, bảo hiểm y tế 60.000đ/năm, bảo hiểm tai nạn 15.000đ/năm (tự nguyện). Tổng cộng các khoản thu của trường là 302.000đ/hs (chưa tính bảo hiểm y tế và tai nạn). Chúng tôi là các gia đình nghèo vừa lo xong cho con em quần áo, đồ đồng phục và tập vở sách giáo khoa đã ngót nghét 1.000.000đ, nay lại phải đóng thêm các khoản thu này nữa thật là một gánh nặng. Đó là chỉ mới có một đứa con đi học, nếu nhà nào có 2-3 con chắc cho nghỉ học luôn rồi cho đi học phổ cập!?”.
 
Bạn Nguyen QUang Hoang ở Vân Đồn, Nha Trang đề nghị: “Lời khuyên “Các bạn học sinh nên đắn đo thật kỹ trước khi quyết định xin tiền cha mẹ để đi học thêm ngay từ tháng đầu tiên của năm học mới. Xin hãy nhớ một điều là hầu hết các thủ khoa đều là những bạn ít hoặc hầu như không đi học thêm!” nên dành cho thầy, cô và những người làm giáo dục”.

Tại sao phải học thêm là câu hỏi mà bạn Tran Thanh Tung đặt ra. Bạn lại tự trả lời: “Đây là câu hỏi muôn thuở từ lâu đã được hỏi rất nhiều lần. Người cần trả lời là Bộ Giáo dục thì lại im lặng một cách đáng ngại. Quá tải về chương trình, bệnh thành tích, chính sách đãi ngộ cho giáo viên chưa thỏa đáng là các nguyên nhân chính”.

Theo bạn Trần Thắng Lợi ở 6001 Lenzi ave, Chicago, ILLINOIS thì “Nếu thầy cô không mở lớp dạy thêm thì học trò có đi học không? Vậy thì chính thầy cô là người tạo ra cái “thảm cảnh” học thêm như hiện nay”.

Cũng là chuyện trường lớp, nhưng liên quan đến thủ tục hành chính, rất nhiều bạn đọc đã vô cùng bức xúc về trường hợp không xin được cho con vào lớp 1 của anh Trần Minh Phong. TNO đã có bài tổng hợp riêng những ý kiến, chia sẻ của bạn đọc liên quan đến nội dung này.

Các thư khác mà Thanh Niên nhận được trong tuần qua

Thư bạn Bùi Công Bằng ở ngách 445/10, ngõ 445 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội: “Xin cảm ơn Báo Thanh Niên, tôi đã đọc Báo Thanh Niên từ khi còn là học sinh, đối với tôi, Báo là một người bạn tri kỷ không thể thiếu được. Tôi luôn tìm đọc báo TN mỗi khi đi công tác xa, và mỗi một tờ báo là những nguồn thông tin quý giá, nhất là văn phong của Báo làm cho tôi thêm gắn bó với Báo, tôi không thể đọc các loại báo khác hơn được vì đối với tôi, lượng thông tin mà báo cung cấp đã đủ lắm rồi. Càng ngày tôi càng thấy báo phát triển và tạo ra được dư luận rộng rãi, và trở thành một tờ báo lớn nhất Việt Nam. Từ trong đáy lòng mình, tôi biết ơn Báo, mong Báo ngày càng phát triển và lớn mạnh. Xin chúc Báo ngày càng có những bài báo hay, sắc bén đấu tranh lại cái ác, những tệ nạn xã hội. Tôi luôn là độc giả trung thành của Báo Thanh Niên”.

Rất cảm ơn bạn Bùi Công Bằng. Chúng tôi đã và sẽ cố gắng để không phụ lòng tin yêu của bạn cũng như tất cả bạn đọc đã tín nhiệm Thanh Niên.

Vẫn là vấn đề về dịch vụ ADSL của VNN, bạn Nam Hưng ở Suite 202, The Metropolitan Bldg, 235 Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM phản ảnh: “Gần 2 tuần nay, dịch vụ Internet ADSL của VNN liên tục bị lỗi và tần suất lỗi ngày càng tăng, phải chăng VNN quá coi thường khách hàng nên không có một lời phản hồi nào mặc dù các thông báo lỗi đã được gửi tới hỗ trợ kỹ thuật liên tục. Vấn đề đạo đức kinh doanh của VNN thật đáng mang ra xem xét”.  Bạn Dinh Minh Thang ở 85 Đào Duy Anh cũng phản ảnh “Mạng Internet của VNN thường xuyên rớt, không truy cập được hoặc nhận Email trong suốt 3 tuần qua. Công ty chúng tôi là đơn vị kinh doanh có thuê bao dịch vụ ADSL MEGAVNN với mong muốn được sử dụng "xa lộ" này để giao dịch. Tuy nhiên trên thực tế trong suốt 3 tuần qua chất lượng dịch vụ quá tồi. Chắc là “hẻm” chứ không phải “xa lộ” thông tin. Chúng tôi đã yêu cầu Netsolf giải quyết nhưng họ không khắc phục được và không muốn trả lời chúng tôi nguyên nhân và biện pháp khắc phục trong tương lai. Báo Thanh Niên đã phản ánh đúng tình trạng chất lượng của VNN hiện nay”.

Vấn đề quản lý nhân khẩu bằng hộ khẩu, bạn Dinh Cong Duc ở khu phố 1, P.Bình Thuận, Q.7 (TP.HCM) đưa ra một cách nhìn nhận khác. Bạn cho rằng bỏ hộ khẩu thời điểm này là chưa đúng lúc. Bạn viết: “Ở các nước phát triển, công dân chỉ cần có Pasport hoặc thẻ cư trú, nhưng việc quản lý con người được chú trọng rất khoa học. Hệ thống hành chính được nhà nước đầu tư thỏa đáng để thực hiện chức năng quản lý con người về mặt xã hội. Việc quản lý chỉ mang tính chất hỗ trợ người dân thực hiện các nghĩa vụ công dân của mình. Bên cạnh đó hệ thống kiểm soát hành vi của công dân được bộ máy thực thi pháp luật thực hiện theo hành lang pháp lý một cách triệt để; trình độ dân trí cao; hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và luôn được cập nhật. Tất cả những điều kiện đó được phát triển một cách đồng bộ, tạo điều kiện cho công tác quản lý. Ở nước ta những điều kiện đó còn chưa được phát triên đồng bộ. Vì vậy, việc quản lý con người vẫn cần một điều kiện hành chính như hộ khẩu. Một thứ giấy tờ nào khác thay thế mang tính khoa học hơn thì cần nhiều thời gian kiểm chứng mới có thể thực thi. Hãy tưởng tượng lượng dân nhập cư ở các thành phố lớn nhiều như thế nào và việc quản lý con người khó khăn ra sao?”.

Về công tác xử lý vi phạm giao thông, bạn Nguyễn Trung ở 183/4 Lê Văn Sỹ, P.14, Q.Phú Nhuận, TP.HCM phản ảnh: “Tôi hiện làm việc ở một công ty nằm trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1, từ tháng 4/2005 đến nay. Những tháng đầu (từ tháng 4/2005 đến tháng 6/2005) do không biết và cũng không để ý biển báo hiệu giao thông (cấm quẹo trái ) ở ngã 3 Bùi Thị Xuân - Cách Mạng Tháng Tám do tầm nhìn bị khuất và biển báo nằm ngay quán cafe (ai lại nhìn vào quán khi đi đường) nên đã bị ghi hình để xử lý vi phạm quẹo trái ở nơi có biển cấm. Điều tôi muốn nói ở đây là thời gian làm thủ tục xử lý vi phạm quá lâu, đến cuối tháng 8/2005 tôi mới nhận được quyết định xử lý vi phạm giao thông (4 tháng sau khi vi phạm) dù hộ khẩu của tôi ở thành phố. Khi tôi đến Đội 4 để đóng phạt thì được biết rất nhiều người đều như tôi ( từ 4 -5 tháng sau khi vi phạm giao thông mới có thông báo vi phạm). Sự chậm trễ này đâu còn tác dụng giáo dục người đi đường (tôi chỉ biết có biển cấm khi đồng nghiệp trong công ty cho biết) mà gây cho tôi cảm giác là cảnh sát giao thông cố tình làm để thu tiền phạt cho nhiều (theo tôi biết người xử lý được hưởng một tỷ lệ phần trăm trên số tiền phạt). Cần phải có quy định về thời gian xử lý để đảm bảo tính giáo dục, đồng thời phải công khai quy định này để người dân thực hiện và kiểm tra, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”.

Đề xuất biện pháp khắc phục "sự cố cá ba sa", bạn Trung viết: “Tôi nghĩ một cách thô thiển nhưng nghiêm túc: Nhân 3 tiểu bang Alabama, Mississipi và Louisiana là những tiểu bang cấm nhập khẩu cá ba sa VN đang gặp nạn do cơn bão Katrina và cần sự giúp đỡ, cứu trợ về lương thực, phương cách để thu phục cảm tình của những nhà chính trị địa phương là VASEP gửi sang giúp các tiểu banh này vài chục tấn cá ba sa đông lạnh. Sau "ngoại giao bóng bàn, bóng rổ, bóng chuyền…", ta có thể gọi đây là "ngoại giao .. cá ba sa".

Công SCTV quảng cáo chưa sát với thực chất dịch vụ Internet băng rộng MediaNet  là phản ảnh mà bạn Phạm Hoàng Dũng ở Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3, TP.HCM gửi đến Thanh Niên: “Công ty SCTV chỉ quảng cáo khoa trương mà thôi chứ chẳng mấy ai được sử dụng thử dịch vụ Internet băng rộng MediaNet của họ! Tôi là một khách hàng của SCTV, đã đăng ký sử dụng thử dịch vụ đó của SCTV 2 lần, lần thứ nhất vào tháng 4/2005, lần thứ 2 vào tháng 6/2005, thế mà đến nay chưa hề được SCTV cho dùng thử MediaNet! SCTV bảo rằng 16/8 đã đưa vào thử nghiệm dịch vụ đó, trước hết ở 10 quận nội thành; tôi ở ngay quận 3, nhưng đến ngày 6/9 tôi hỏi trực tiếp cô nhân viên đăng ký dịch vụ MediaNet ở chi nhánh SCTV tại quận 3 (đường Bàn Cờ) cũng chỉ nhận được lời hứa suông: "Các anh kỹ thuật viên đang cân chỉnh, khi nào xong sẽ báo cho anh sử dụng thử...". Tôi cho rằng, cứ cái kiểu "đánh trống bỏ dùi" này thì đến hết 15/9 (tức sau một tháng kể từ ngày SCTV tuyên bố đã thử nghiệm thành công MediaNet), tôi và hàng nghìn khách hàng khác của SCTV cũng không có cơ may được dùng thử xem mặt mũi của cái dịch vụ MediaNet này ra sao”.

Về chất lượng nhà ở của chung cư cao cấp Trung Hòa – Nhân Chính (Hà Nội), bạn Thanh Nhan - một người dân đang ở trong khu nhà này có thư phản ảnh: “Chúng tôi hiện đang làm việc và sinh sống ở khu đô thị mới Trung Hoà – Nhân chính, chủ đầu tư xây dựng của khu chung cư này là Tổng công ty xây dựng Vinaconex, một trong những cơ quan xây dựng tương đối có uy tín ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau một thời gian ở trong các khu chung cư được gọi là cao cấp này, những người dân ở đây đã phải chịu nhiều những vấn đề bất cập ảnh hưởng không nhỏ đến những sinh hoạt hàng ngày của họ:

Ngửi mùi tập thể. Sở dĩ chúng tôi gọi như vậy vì hệ thống hút mùi và thoát mùi của khu 17T5 quá kém, nhà này luôn phải chịu đựng đủ loại mùi từ bếp nhà hàng xóm, hàng ngày.

Sự cố về điện nước - hết thời hạn bảo hành! Tại Khu Đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, nhà cửa cũng được bảo hành cẩn thận. Tuy nhiên, khi một số sự cố về điện xảy ra, chúng tôi gọi Ban quản lý (cũng xin nói thêm là toàn bộ đường dây lẫn sơ đồ về điện đều do bên Quản trị Hội đồng nhà chịu trách nhiệm) thì được nghe một giọng giải thích: phụ trách về điện nói rằng do điện của nhà đó chập, nhưng vì thời hạn bảo hành hết rồi nên… chưa biết làm thế nào? Đến Ban quản lý còn chưa biết làm thế nào thì người dân biết làm gì đây?

Chưa hết, đường ống nước ngầm của nhà tôi chẳng hiểu vì lý do gì mà chảy nước thấm ướt cả mảng tường nhà trên, thấm xuống trần nhỏ nước tong tỏng xuống nhà dưới. Nhà dưới khiếu nại ban Quản lý, ban Quan lý kêu hết thời hạn bảo hành (đường ống nước ngầm cũng được bảo hành 1 năm) rồi cho người lên thương lượng với 2 nhà, giải pháp cuối cùng là mỗi nhà bỏ ra 1 triệu để cho các bác thợ xây đục khoét nhà mình ra và sửa lại. Tưởng bỏ tiền ra là sẽ được nhanh gọn nhưng hóa ra chẳng phải, họ đục ra, bảo để đấy cho khô nhưng cả tuần trời cũng không thấy quay lại, được hôm quay lại thì vào cuối giờ chiều và bảo “hôm nay muộn rồi, để mai em quay lại”, đến 3 ngày sau vẫn chẳng thấy đâu. Thật chu đáo khi mà ban thiết kế dành riêng 1 khoảng trống và ống nước cho máy giặt (chỗ thiết kế này lại chỉ vừa cho những máy giặt khoảng 5kg, sắp tới loại máy giặt này sẽ tăng giá vì khu đô thị này nhà nào cũng phải dùng máy giặt 5kg) nhưng nhà tôi lại chưa có máy giặt, không biết có phải vì thế mà nước ở ống nước dành riêng cho máy giặt cứ thế mà rò rỉ chảy ra vì không được sử dụng?

Trên đây là một vài điều thực tế đã và đang xảy ra ở Khu đô thị mới Trung Hoà – Nhân Chính, xin phép được chia sẻ với các bạn”.
 
Những khuất tất trong xây dựng và mua sắm trang thiết bị tại Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) đã gây rất nhiều bức xúc cho người dân. Bạn Nguyen Van Quang có đề nghị: “Theo chúng tôi, trước mắt các vị được giao trách nhiệm quản lý, giám sát BV này của UBND TP.HCM cũng phải xem xét bản thân mình khi để xảy ra những chuyện như vậy”.

Bạn Huu Loi ở TP Huế có thư: “Trong trường hợp nào đi nữa thì ban lãnh đạo bệnh viện Trưng Vương TP.HCM cũng là những nhân vật có liên quan trực tiếp đến những vụ việc báo chí đã nêu, chúng tôi đề nghị lãnh đạo thành phố và Thủ tướng xử lý ngay, tham nhũng là ở đó. Tôi xin đề nghị với Chính phủ là trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và chính sách xã hội, bất kể hành vi tiêu cực nào ảnh hưởng rộng đến toàn bộ nhân dân thì không cần phải bàn nhiều, phải xóa ngay ban lãnh đạo nơi đó dù họ là ai, những đảng viên cấp ủy ở đó phải đồng loạt xin ra ngay khỏi đảng, có như vạy xin hoạt đảng mới đi vào long dân, mới đúng với điều lệ của Đảng, phải chặn ngay những buổi sinh hoạt đảng mang tính chất bao che”. 

Bạn Truyền ở số điện thoại 0913887458 bức xúc đề nghị: “Trước đây tôi đã từng đối diện với sự thờ ơ, vô trách nhiệm của nhân viên ở bệnh viện này, cũng từng mục kích sự tồi tàn về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại phòng siêu âm nơi đây. Trong khi đó đây là một bệnh viện vừa được đầu tư nâng cấp, xây mới và là một trung tâm cấp cứu của thành phố. Tuy thế nhưng người dân lại vẫn phải đóng tiền dịch vụ kỹ thuật cao! Qua bài báo Thanh Niên, nỗi bực dọc của tôi biến thành căm phẫn. Họ đã rút ruột tiền của nhà nước, xem thường mạng sống của người dân, xem thường kỷ cương pháp luật của nhà nước. Tôi đề nghị cơ quan công an hãy vào cuộc thật sớm để điều tra”.

Về tác dụng của thuốc bổ mắt Tobicom, bạn Tình ở Hồ Văn Huê, Q.PN, TP.HCM có thư phản ảnh: “Cách nay khoảng 2 tuần mình bị chứng mỏi mắt khi làm việc (tiếp cận với máy tính), mình có đến hiệu thuốc mua về 2 miếng thuốc Tobicom (mỗi miếng gồm có 10 viên và với số tiền là 30.000đ tất cả). Nhưng khi mà mình uống xong rồi, cho tới nay chỉ còn lại 4 viên mình không can đảm để uống nữa, chứng mỏi mắt của mình càng nhiều hơn, mấy ngày trước mình bỗng dưng bị chóng mặt, mất phương hướng và sau đó mình hỏi lại mấy người lớn tuổi thì họ nói có người đã uống thuốc Tobicom cũng bị cảm giác đó. Không hiểu tại sao lại cho lưu hành loại thuộc không có tác dụng đó? Mong ý kiến của mình được chuyển đến những người có trách nhiệm liên quan”.

Bạn Kỷ Mỹ Liên ở C/c Bình Trưng Đông, P.Bình Trưng Đôn, Q.2, TP.HCM muốn qua Thanh Niên gửi một thắc mắc đến Công ty Phát triển và quản lý nhà quận 2. Nội dung thư của bạn như sau: “Vừa qua tôi có nhận hóa đơn tiền điện 2 tháng 7 và 8/2005 với đơn giá 5.700đ/m3 (không vượt mức với qui định), so với những tháng trước đơn giá tôi nhận được là 3.000 đ/m3. Tôi thắc mắc và được nhân viên thu tiền trả lời "đơn giá 3.000đ/m3 chỉ áp dụng cho hộ gia đình tái định cư còn những hộ mua nhà từ người dân tái định cư thì đơn giá 5.700đ/m3". Vậy sự việc trên là đúng hay sai? Trong khi đó, hộ gia đình tôi đang trong thời gian chờ chuyển tên quyền sử dụng nhà thì trên thực tế giấy tờ vẫn mang tên người chủ cũ là bà NguyễnThị Cúc (thuộc hộ gia đình tái định cư) thì việc tính đơn giá chênh lệch 2.700đ/m3 là có đúng về mặt pháp lý hay không?”.
 
Nước lại bị cặn vàng là phản ảnh của bạn Đoàn Đức Long ở 120B Chu Văn An, P.Tân Thành, Q.Tân Phú (TP.HCM): “Tối 9/9/2005, tôi để nước chảy vào hồ chứa trong nhà, khi đầy hồ 1m3 tôi phát hiện nước bị nhiễm bẩn, có cặn đen và vàng khè như nước cống, Việc này xảy ra đã nhiều lần, tôi xem báo nghe nói các lãnh đạo của bên cấp nước hứa sẽ khắc phục tình trạng này vào ngày 10/9/2005 nhưng hiện nay nước cứ vẫn bị dơ buộc lòng tôi phải xả bỏ. Phải xả bỏ nhưng tôi vẫn phải trả tiền nước sạch cho Cấp nước Phú Hòa Tân là không công bằng tí nào”.

Đây là những lời tâm huyết của bạn Minh Tâm ở Hải Châu, TP Đà Nẵng trước tình trạng cảnh quan bãi biển Đà Nẵng đang bị phá vỡ: “Là người dân Đà Nẵng tôi rất bức xúc khi đọc bài "Bãi biển ĐN đang bị băm nát" và thực sự cảm kích các phóng viên VPMT của Báo TN đã dũng cảm viết rất có trách nhiệm, thể hiện nỗi bức xúc chung của toàn thể những người dân có lương tri của thành phố Đà Nẵng và cả nước trước hành động phá hoại cảnh quan môi trường tuyệt đẹp dọc tuyến đường biển Sơn Trà - Điện Ngọc hiện nay của những con người vô tâm vô cảm vô đạo đức ở BQLDA Sơn Trà - Điện Ngọc, Sở xây dựng, và người ra quyết định phê duyệt trong lãnh đạo TP Đà Nẵng. Nhân dân đã chọn nhầm người để trao quyền điều hành quản lý và phát triểnTP Đà Nẵng. Đã có biết bao lời phàn nàn cảnh báo từ những người dân và các nhà chuyên môn, trên các báo và tạp chí về hiện tượng xây dựng nhà ống, qui hoạch chia lô phá nát cảnh quan đô thị, giải tỏa đền bù vô tội vạ kèm theo biết bao nhiêu tệ nạn tham ô nhũng nhiễu của những quan chức biến chất trong các BQLDA, ban đền bù giải tỏa ở TP Đà Nẵng. Những người làm qui hoạch kém chuyên môn từ Viện Qui hoạch, Sở Xây dựng và lãnh đạo TP nhẫn tâm ra kế hoạch băm nát bãi biễn Đà Nẵng và phá hoại có hệ thống lâu nay sự phát triển hài hòa, hiện đại TP Đà Nẵng phải bị lên án mạnh mẽ. Tôi rất buồn vì sự yếu ớt, thiếu trách nhiệm và thờ ơ của những tổ chức HĐND và đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng không dám công khai, mạnh mẽ lên tiếng phê phán và bác bỏ những việc làm sai trái của những người đã gây nên những hậu quả trên. Góp một ý kiến để cùng mọi người lên tiếng phản đối các việc làm sai trái của những người có trách nhiệm đồng thời mong muốn thành phố Đà Nẵng thân yêu luôn phát triển sạch đẹp, hiện đại, văn minh và giàu mạnh”.

Về chất lượng dịch vụ 1088, bạn Pham The Quyen ở Trần Đại Nghĩa, Tân Tạo A, Bình Tân có phản ảnh: “Tôi thường xuyên sử dụngdịch vụ 1088 của Bưu điện TP.HCM để tư vấn sức khỏe. Nói chung các bác sĩ rất nhiệt tình và rất vui vẻ khi tư vấn cho khách hàng. Nhưng hôm 9/9, khi tôi gọi điện thoại nhờ tư vấn cho cháu bé ở nhà thì gặp một nữ bác sĩ. Tôi nghe bác sĩ này bật ti vi rất lớn và tôi phải nói thật lớn thì bác sĩ này mới nghe. Hơn nựa, các giao tiếp của bác sĩ này rất cộc cằn mặc dù trước đó tôi đã chào hỏi lịch sự. Qua Báo Thanh Niên, tôi mong rằng những góp ý nhỏ này của tôi cũng như mong muốn của mọi người rằng dịch vụ 1088 sẽ là nơi chia sẻ tin cậy”.

TNO cảm ơn sự quan tâm và tín nhiệm của bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.