“Xin cha trả mạng sống cho chồng con!”

13/10/2009 11:19 GMT+7

Bi kịch bắt đầu từ sự đối xử vô tình vô nghĩa của người cha. Hậu quả là ba đứa cháu nhỏ dại mất trụ cột gia đình, tương lai mờ mịt...

Đứng trước vành móng ngựa là một người đàn ông ngoài 70 tuổi. Ở hàng ghế dành cho người bị hại là con dâu và ba đứa cháu nội còn nhỏ dại của bị cáo.

Khi được cho phép trình bày trước tòa, người con dâu nức nở  đòi cha chồng bồi thường mạng sống cho chồng đã chết bởi chính bàn tay bị cáo.

Bốn năm trước, ông Hà Văn Làm (SN 1936, Lộc Giang, Đức Hòa, Long An) đuổi vợ ra khỏi nhà, rước về một phụ nữ nhỏ hơn ông đến 30 tuổi cùng đứa con riêng của bà. Không chấp nhận cha phụ bạc mẹ, các con ông Làm bỏ ra ở riêng, cắt đứt mọi quan hệ với cha. Duy chỉ có anh Hà Văn Tú, dù sống bên quê vợ ở Trảng Bàng (Tây Ninh), vẫn lui tới thăm nom, cho tiền để ông Làm tiêu xài, mua thuốc trị bệnh đau khớp. Tuy nhiên, sau này phát hiện cha dồn hết tiền bạc cho người vợ sau, anh Tú ít lui tới và cắt đứt trợ cấp.

Tuổi già, sức yếu, không thể làm ra tiền, ông Làm thường bị người vợ sau mắng chửi, ghẻ lạnh. Để được yên thân, ông Làm buộc phải ra chợ huyện Đức Hòa, sang chợ Trảng Bàng xin ăn đem tiền về nuôi người phụ nữ vẫn còn sức lao động này.

Trong những lần sang Trảng Bàng ăn xin, ông Làm cố ý đi ngang nhà Tú để anh thấy thương tình mà cho chút đỉnh tiền. Cầm lòng không đặng, anh Tú dúi tiền cho cha nhưng không quên buông lời trách cứ: “Cha có ngày hôm nay là bởi ruồng bỏ mẹ, quay lưng với các con”.

Chiều 29-4, sau nhiều ngày không thấy ông Làm sang Trảng Bàng xin ăn, anh Tú chạy xe máy về thăm cha. Bước vào nhà, thấy cha ngồi dựa sát ở góc giường, mặt hốc hác, đói lả, Tú bước tới hỏi: “Ba ăn cơm chưa?”. Ông Làm dấm dẳn đáp: “Đang bệnh. Nhà hết gạo, không tiền mua thuốc uống, lấy gì có cơm ăn”.

Tú lại hỏi: “Vợ nhỏ ông đâu mà không lo cơm nước?”. Ông Làm lớn tiếng: “Đi chơi rồi! Mày hỏi làm gì?”. Nóng lòng trước tình cảnh cha không được chăm sóc, bực mình vì thái độ “giận cá chém thớt” của cha, Tú khích bác: “Ông không quản nổi bà ấy à? Đáng đời ông chưa?”. Nói rồi, Tú bước ra ngoài, định bỏ đi.

Thấy Tú không cho tiền mà còn xách mé, ông Làm chạy ra sân đánh, chửi Tú nhưng bị Tú gạt tay ra rồi lấy máy xe định đi. Máy xe không nổ, Tú lui cui đạp, không hề biết ông Làm chạy vào nhà lấy dao. Trong tích tắc, Tú chết bởi hai nhát dao trí mạng đâm vào ngực.

Nghe hung tin, mẹ Tú ngã bệnh, nằm liệt giường và trút hơi thở cuối cùng sau khi mai táng anh được mấy hôm. Ông Làm bị bắt và bị truy tố về tội giết người cũng là lúc người vợ sau của ông bỏ đi, không một lần thăm hỏi.

Ngày 30-7, TAND tỉnh Long An đưa vụ án ra xét xử. Trong phần tranh luận, do ít học, không hiểu biết pháp luật, người con dâu chỉ biết đòi cha đền mạng chồng. Phải mất một hồi giải thích, chị N.T.H.Y mới đề nghị ông Làm để lại một phần đất thổ cư mà ông đang ở cho ba đứa cháu nội có cái ăn và được tiếp tục đến trường.
 
Mặc dù bị cáo chấp nhận đề nghị này nhưng tòa không xét, vì luật không quy định bồi thường tổn thất về tinh thần bằng đất. Tòa tuyên phạt ông Làm 3 năm tù mà không đề cập trách nhiệm dân sự.

Sau đó, thông qua tư vấn của luật sư, chị Y. kháng cáo yêu cầu bị cáo bồi thường mai táng phí, tiền cấp dưỡng nuôi ba đứa con đến tuổi trưởng thành, tổng cộng khoảng 90 triệu đồng.

Cuối tháng 9-2009, TAND Tối cao tại TPHCM xử phúc thẩm chấp nhận yêu cầu của chị Y. Bản án tuyên như vậy nhưng bị cáo tuổi cao, sức yếu không thể nuôi mình lấy đâu ra tiền để bồi thường? Vậy nên, gánh nặng vẫn đè lên đôi vai gầy guộc của người con dâu mất chồng.

Theo Trần Hải Nguyên (Người Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.