Tưng bừng lễ hội Katê

15/10/2009 09:48 GMT+7

(TNTT>) Khi những đóa hoa bằng lăng tím nở khắp Ninh Thuận, là lúc các làng Chăm háo hức tổ chức lễ Mbăng Katê (lễ hội Katê).

Lễ Katê là lễ tế thần Cha, các vị nam thần: Pô Klông Garai,  Pô Rôme của đồng bào Chăm. Và năm nay lễ Katê được tổ chức long trọng ở Ninh Thuận, nơi cộng đồng người Chăm sinh sống đông nhất cả nước, vào các ngày 17, 18, 19-10-2009.

Trang nghiêm lễ

Lễ Katê diễn ra trên một vùng không gian rộng lớn tại các đền tháp Chăm cổ kính, trong mỗi làng thôn, ngõ xóm và  từng hộ gia đình người Chăm.

Lễ hội Katê là dịp để du khách có thể tìm hiểu, khám phá nền văn hóa đỉnh cao,  giàu huyền thoại của người Chăm.

Trong phần lễ, sẽ có các nghi thức hành lễ và cúng thật tôn nghiêm, hoành tráng, cầu kỳ. Tất cả nhằm bày tỏ lòng kính trọng  của đồng bào Chăm với các vị  nam thần linh thiêng. Xưa vua Pô Klông Garai và Pô Rôme có công lớn với dân Chăm, nên đã được thần hóa dưới hình thể của thần Shiva trong đạo Bà-la-môn. 

 Lễ hội Katê là biểu hiện một nửa cấu trúc lưỡng hợp thuộc về dương đối lập với yếu tố âm... cầu mong cho sự sinh sôi, nẩy nở

Mê say hội

Trong phần hội của Lễ Katê, du khách sẽ được đắm chìm trong những bản tình ca Chăm, những lời ru, điệu múa quạt xòe Biyên...  của những thiếu nữ Chăm xinh đẹp, dịu dàng. Họ duyên dáng trong những chiếc váy trắng truyền thống dài chấm gót và những chiếc khăn dài  thêu hoa văn tinh xảo. Họ xoay mình uyển chuyển theo tiếng trống Basanưng, trống Ginăng, kèn Saranai dồn dập, tha thiết.

Lễ Katê còn là dịp để người Chăm trên khắp mọi nẻo đường quê hương đất nước trở về đoàn tụ bên người thân và cộng đồng, sau nhiều tháng năm xa quê.

Ẩm thực Chăm

Được biết, trong các bữa ăn hằng ngày, người Chăm quan niệm nôm na là “ăn để mà sống”, “ăn ít để sau ăn nữa...”, nhưng họ  rất hiếu khách, nhất là những khi thiết đãi tiệc tùng.

Người Chăm xưa, như các vị bô lão và các vị chức sắc trong làng,  thường kiêng ăn uống khi nắng chiều đã tắt. Vì họ quan niệm bóng đêm thường đồng lõa với ma quỷ.

Người Chăm quý từng hạt cơm, nên họ rất ngại làm rơi vãi chúng  khi ăn. Họ cho rằng hạt cơm là thân xác và linh hồn của thần lúa gạo. Và trong bữa ăn, họ hạn chế nói chuyện nếu không thật cần thiết, vì sợ chẳng may to tiếng sẽ làm phật lòng thần linh khiến gia quyến gặp nhiều tai ương, rủi ro.

Một số món ăn truyền thống của người Chăm có thể kể đến như bánh Sakaya. Bánh này được làm từ hỗn hợp gồm trứng, đường, gừng và đậu phộng giã nát, rồi đem đổ vào khuôn sứ chưng cách thủy. Khi chín, bánh  tỏa mùi thơm ngào ngạt. Bánh Sakaya không thể thiếu được trong lễ cúng trọng đại của người Chăm và dùng thiết đãi bạn bè. Món thịt gà luộc luôn có mặt trong các lễ, tiệc. Nước luộc thịt sẽ được họ chế biến thành món canh ăn với rau ghém, gồm thân chuối non xắt mỏng trộn với lá lốt thái nhỏ.

Khi chế biến món thịt nướng, nếu dành để cúng thì người Chăm sẽ không tẩm ướp gia vị. Ngược lại, dùng trong bữa ăn hằng ngày thì thịt sẽ được tẩm ướp hỗn hợp: hành, ớt, tỏi, sả, nước mắm và các gia vị mọc ngoài rừng như lá xào dông khiến món thịt nướng có hương vị riêng. Thịt nướng còn được họ ăn kèm với những đọt rau tự nhiên, như đọt lim xanh khiến hương vị món ăn là lạ.

Gỏi là một món ăn truyền thống đặc sắc của người Chăm, thể hiện bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Rau để trộn gỏi thường là các loại rau rừng như măng, bắp chuối… Thịt dùng trộn gỏi có thể là thịt bò, dê, gà... Đặc trưng của món gỏi Chăm là dùng lá me non xắt làm gia vị, tạo độ chua dịu, thơm thanh. Với món gỏi dông, họ trộn cùng đọt cóc chua, rau ngạnh thơm ngon  đến mê tơi.

Và rượu không thể vắng mặt trong các lễ cúng, tiệc thiết đãi khách quý. Rượu được họ ủ tại nhà có tên gọi “tapai” , gồm “tapai cuak” (rượu cần) và “tapai athăr” (cơm rượu). Mới nhấm, vị rượu hơi nhạt, nhưng bạn càng uống thì càng ngọt, thơm và có thể khiến bạn say quên đường về.

Minh Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.