19 con tin trở về từ cõi chết

01/10/2008 23:04 GMT+7

Lọt vào tay bọn bắt cóc khi đang du ngoạn trên sa mạc ở Ai Cập, 19 con tin dường như đã rơi vào bàn tay tử thần. Thế rồi chuyện kỳ lạ đã xảy ra. Theo Đài truyền hình quốc gia Ai Cập, toàn bộ 19 con tin, bao gồm 11 du khách châu u và 8 người Ai Cập, đều trong tình trạng sức khỏe tốt sau khi thoát khỏi tay bọn bắt cóc vào ngày 29.9. Đến hôm 1.10, tất cả các du khách châu u đã về đến quê nhà.

Hãng tin AFP dẫn lời giới chức Ai Cập cho biết ngày 19.9, những nạn nhân trên, gồm 5 người Đức, 5 người Ý, 1 người Romania cùng 8 người Ai Cập (gồm 2 hướng dẫn viên du lịch, 4 lái xe, 1 bảo vệ và giám đốc một công ty du lịch), đã bị 5 kẻ bịt mặt bắt cóc trong khi đang đi săn tại một vùng sa mạc hẻo lánh ở miền tây nam Ai Cập.
"Chúng chĩa súng vào người chúng tôi và bắt quỳ xuống. Chúng tịch thu mọi thứ rồi đưa chúng tôi đi", du khách người Ý tên Walter Barroto kể lại với kênh truyền hình Sky TG24 sau khi vừa trở về nước. "Có những lúc, chúng tôi nghĩ thế là hết", Barotto nói tiếp với báo La Stampa. Một du khách người Ý khác tên Giovanna Quaglia nhớ lại: "Nước và thực phẩm được chia theo khẩu phần, chúng tôi lo lắm. Chúng không bao giờ đánh chúng tôi nhưng lúc nào cũng tỏ ra rất hung hăng. Chúng tôi phải dùng khăn che mặt lại". "Thời điểm tệ hại nhất là vào thứ bảy và chủ nhật vì không có tin tức gì. Lúc đó, chúng tôi ngầm hiểu là cuộc đàm phán (về tiền chuộc) đã thất bại. Tôi hy vọng không ai sẽ phải trải qua những giây phút kinh hoàng như tôi", bà Mirella De Guili, người Ý, nói. Giới báo chí chỉ có thể biết được hành trình của các con tin qua lời kể của du khách Ý, còn du khách Đức vẫn chưa cung cấp thông tin gì.

Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về kế hoạch giải cứu con tin. Theo các con tin, họ đã được những kẻ bắt cóc bất ngờ trả tự do, chứ không phải được giải cứu trong một cuộc bố ráp của quân chính phủ như lời giới chức Ai Cập tuyên bố. "Có đọ súng ư? Chúng tôi không nghe thấy bất cứ tiếng súng nổ nào", bà Guili cho hay. Theo BBC, các con tin khẳng định họ đã được bọn bắt cóc thả cùng với một chiếc xe. "Chúng tôi chạy xe trên sa mạc trong suốt 4-5 giờ và không ngừng cầu nguyện. Chúng tôi không có bánh xe dự trữ. Nước thì còn rất ít. Nếu phạm sai sót gì, chúng tôi sẽ chết", bà Guili nhớ lại. "Tất cả mọi người ngồi chen chúc trên xe, một số ngồi lên mui xe", Hassan Abdel Hakim, một con tin Ai Cập, kể lại với hãng tin AP. Theo Hakim, thời điểm trước khi lên xe, ông nghĩ mình và những con tin Ai Cập khác sắp bị đem ra hành quyết. "Bọn chúng yêu cầu những người Ai Cập đứng riêng một hàng và lên cò. Lúc đó, chúng tôi nghĩ phen này chết chắc. Thế nhưng, bọn chúng bảo chúng tôi lấy xe và chạy đi", ông Hakim rùng mình kể lại.
 
Trong khi đó, giới chức Ai Cập khẳng định con tin được giải cứu nhờ vào cuộc tấn công giải vây của lực lượng đặc nhiệm vào rạng sáng 29.9. Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Hussein Tantawi tuyên bố "khoảng một nửa trong số 35 kẻ bắt cóc đã bị tiêu diệt" trong cuộc tấn công của quân chính phủ, theo hãng tin MENA. Tuy nhiên, không lâu sau đó, một số quan chức khác cho biết không có bạo lực xảy ra.

Một số thông tin khác thì cho hay quân đội Sudan đã ra tay giải cứu con tin trước. Quân Sudan đã tiến hành tập kích những kẻ bắt cóc sau khi phát hiện bọn chúng tại miền bắc Sudan. Sáu tên trong nhóm bắt cóc đã bị bắn chết, trong đó có tên thủ lĩnh. Hai tên khác bị bắt giữ. Hãng tin SUNA thì dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Sudan Ali Yousif cho biết các con tin được giải thoát nhờ chiến dịch phối hợp giữa lực lượng Sudan và Ai Cập. Theo ông Yousif, chiến dịch bắt đầu hôm 28.9. Theo AP, Bộ Ngoại giao Đức cho biết lực lượng đặc biệt nước này cũng đã có mặt tại Ai Cập để giải cứu. Tuy nhiên, họ không có cơ hội ra tay vì các con tin đã được tự do trước đó.

Theo giới chức Ý, bọn bắt cóc đã đòi tiền chuộc nhưng chính phủ nước này không đồng ý. "Chúng tôi chưa tìm ra động cơ (của việc thả con tin) nhưng chúng tôi khẳng định không hề có việc chi trả tiền chuộc", Ngoại trưởng Ý Franco Frattini nói. Trước khi các con tin được trả tự do, những kẻ bắt cóc đã đòi khoản tiền chuộc gần 9 triệu USD từ Chính phủ Đức, theo BBC. Tuy nhiên, theo giới chức Sudan thì mọi việc đã thay đổi vào phút chót khi quân đội nước này tìm ra dấu vết bọn bắt cóc và tiến hành giải cứu.
 
Theo chuyên gia phụ trách vùng Ả Rập của đài BBC, các vụ bắt cóc du khách nước ngoài hiếm khi xảy ra ở Ai Cập trong những năm gần đây. Tuy nhiên, vụ việc kể trên là một cú đánh mạnh giáng vào ngành du lịch vốn đem lại lợi nhuận khoảng 8 tỉ USD/năm.

Châu Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.