Thảm họa và trách nhiệm

17/10/2009 00:37 GMT+7

Vụ xả nước hồ chứa của công trình thủy điện A Vương trong cơn bão số 9 vừa qua đã đẩy hàng chục vạn dân vùng hạ lưu của các con sông lớn ở Quảng Nam phút chốc chìm trong biển nước mà “không hiểu vì sao”, sẽ được các bộ, ngành chủ quản đưa lên bàn nghị sự để quy trách nhiệm.

Trước khi đưa ra kết luận cuối cùng “lỗi thuộc về ai”, cả Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn lẫn Bộ Công thương đã cử đoàn kiểm tra vào tận A Vương để thị sát thực địa. Người dân Quảng Nam - nạn nhân của vụ xả hồ chứa nước vừa rồi, rất hy vọng vào sự công tâm của đoàn kiểm tra, những mong sau chuyến thị sát này, các “thủ phạm” gây ra trận đại hồng thủy ấy sẽ phải chịu một phần trách nhiệm, ít ra là một lời xin lỗi với người dân. Thế nhưng họ đã thất vọng.

Ông Cao Anh Dũng, Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), người trực tiếp thị sát A Vương và kiểm tra tình hình khắc phục bão lụt của ngành điện tại miền Trung - Tây Nguyên khẳng định: “Hồ A Vương đã tham gia cắt nửa cơn lũ”. Xin lưu ý với bạn đọc, đây là câu trả lời với cơ quan báo chí của một quan chức có trách nhiệm. “Cắt nửa cơn lũ” mà các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên không chỉ bị lũ dìm trong biển nước trong phút chốc mà còn làm cho nhiều ngôi làng bị biến dạng do “thảm họa bùn” từ trận lũ mang lại. Cứ theo cách lập luận của ông Dũng, người dân Quảng Nam lại phải “đội ơn” thủy điện A Vương!

Ai cũng biết điều này: “Nửa cơn lũ” mà thủy điện A Vương đã “cắt” hôm ấy xảy ra trong ngày 28.9, thời điểm vừa chớm lũ. Người dân không quá ngây thơ để tin vào cách lập luận tù mù trên đây của nhà chức trách mà họ thừa hiểu rằng, “cắt lũ” lúc chưa có lũ lớn là đồng nghĩa với việc tích nước để chuẩn bị cho mùa khô của các nhà máy thủy điện vậy. Đến khi thừa mứa nước rồi, nuốt không trôi nước nữa rồi, sợ vỡ đập đến nơi rồi, người ta mới nhả nước ra. Ông Cao Anh Dũng đã biện giải cho việc “cắt lũ” này như sau: “Thiên tai là việc khó dự báo, người ta đã tính cho thủy điện A Vương với tần suất chống lũ là 0,02%, có nghĩa là phải tới 5.000 năm mới xảy ra một trận lụt tương tự, bão và lũ diễn ra đồng thời. Đây lại là “rốn lũ”, tức là tất cả các con sông đều đổ về nên đã khiến mực nước dâng cao trong một thời gian ngắn. Tình huống này được coi là bất khả kháng”. Nói như vậy, hóa ra trách nhiệm của vụ “nhận nước dân” vừa rồi thuộc về… trời? Ơ hay, khi lập luận chứng để làm công trình thủy điện A Vương chả lẽ không ai biết ở miền Trung bao giờ bão cũng kèm với lũ sao? Không biết A Vương là rốn lũ sao? Nói như thế cũng có nghĩa rằng, đây là trận lũ lớn nhất kể từ khi Vua Hùng dựng nước, vì “5.000 năm mới có một lần”!

Nhắc lại những điều trên đây với mong muốn những người nắm trong tay sinh mệnh của hàng triệu người dân cũng phải biết “nhìn lại” mình chứ không nên đổ vấy cho trời mà phủi trách nhiệm. Ở miền Trung hiện nay không chỉ có thủy điện A Vương, chỉ riêng Quảng Nam đã có 14 công trình thủy điện, Quảng Ngãi có 10, rồi Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, mỗi tỉnh 5-7 “túi nước khổng lồ” luôn treo trên đầu hàng triệu người dân vùng hạ lưu. Nếu chỉ biết đến lợi riêng theo kiểu “lúc dân cần nước trong mùa khô thì nhà máy thủy điện lo giữ nước, khi  dân cần cắt lũ thì nhà máy xả ra vì sợ vỡ đập” thì thảm họa sẽ không chỉ đến một lần. Nên hiểu rằng, làm thủy điện là để góp phần đem lại sự sung túc cho người dân chứ không phải mang họa cho họ.

Trà Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.