Hiếm muộn đâu chỉ bởi tại em !

01/10/2007 20:20 GMT+7

Có nhiều ông chồng vì tính tự ái, hoặc quá tự tin cho rằng, việc khó có con là do vợ chứ không phải do mình, nên nhất quyết không chịu đi bác sĩ! Việc đó rất dễ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình nếu để tình trạng này kéo dài.

Chuyện của cặp vợ chồng dưới đây là một trong số nhiều tình huống gặp phải ở các cặp vợ chồng bị hiếm muộn, vô sinh. Số là, anh T.H (34 tuổi, ở TP.HCM) lập gia đình hơn hai năm nay mà vợ anh vẫn chưa có thai, trong khi hai người không áp dụng biện pháp tránh thai nào. Gia đình H. khuyên cả hai vợ chồng anh đi bác sĩ khám xem sao, nhưng, H. nhất quyết không chịu đi, vì cho rằng mình còn trẻ, cao to khỏe mạnh (H. cao hơn 1,7 mét, nặng 72 kg) thì làm gì có chuyện khó có con. Mãi hơn một năm sau, vợ H. là chị L. âm thầm đi bệnh viện để khám một mình. Kết quả sức khỏe của L. tốt, buồng trứng không có vấn đề gì..., bác sĩ bảo L. về thuyết phục chồng đi kiểm tra. Cuối cùng thì H. cũng miễn cưỡng đi bác sĩ, và quả thực nguyên nhân vợ anh không mang thai... chính là do anh! Chuyện như thế rất nhiều.

Các bác sĩ cho rằng, chuyện đi điều trị hiếm muộn, vô sinh phần khổ là thuộc về chị em, chứ còn mấy ông thì không mất thời gian nhiều. Cụ thể, một cặp vợ chồng cưới nhau lâu chưa có con, trước tiên bác sĩ sẽ chưa cho làm thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) ngay - theo bài bản là như thế, nhưng thực tế vì nhiều lý do có nơi cũng cho làm TTTON ngay từ đầu, gây tốn kém không cần thiết cho người bệnh.

Đầu tiên, người vợ sẽ được tư vấn, khám tổng quát, rồi bác sĩ sẽ hẹn đến ngày thứ 2, thứ 3 của chu kỳ kinh trở lại để xét nghiệm nội tiết tố buồng trứng, và xét nghiệm các loại như, lậu, giang mai, HIV, viêm gan B. Riêng ông chồng thì đầu tiên cũng sẽ được làm 4 loại xét nghiệm cơ bản như trên. Nếu các xét nghiệm của chồng âm tính, thì bác sĩ tiến hành thử tinh dịch đồ. Nếu tinh dịch đồ bình thường nữa thì phần chồng coi như xong. Còn nếu tinh dịch đồ bất thường (tinh trùng yếu, ít, hoặc không có tinh trùng trong tinh dịch), thì cần phải khám nam khoa để xác định nguyên nhân.

Phần người vợ, nếu những xét nghiệm trên bình thường, thì sẽ tiếp tục quy trình còn dài nữa, đó là: định lượng nội tiết buồng trứng. Nếu bình thường, sẽ được hẹn đến ngày thứ 7, thứ 8 của chu kỳ kinh quay trở lại bệnh viện để làm phết tế bào cổ tử cung, và chụp X - quang buồng tử cung - ống dẫn trứng. Nếu mọi chuyện bình thường, thì được hẹn ngày thứ 10 đến ngày thứ 14 của chu kỳ kinh trở lại để siêu âm khảo sát sự phát triển của nang noãn (trứng). Nếu trứng phát triển tốt, thì được hẹn đến ngày thứ 16 chu kỳ kinh (tiếp ngay sau đó) quay lại để siêu âm xác định có rụng trứng hay không. Nếu có hiện tượng rụng trứng (phóng noãn), thì bác sĩ sẽ hướng dẫn hai vợ chồng... giao hợp trong những ngày thích hợp để dễ thụ thai. Rồi ở nhà, đi làm bình thường chờ xem... có thai không.

Nếu người vợ thấy trễ kinh, thì đến thử thai. Nếu vẫn không có thai, thì tiếp tục theo dõi, thực hiện lại chu kỳ tiếp theo như trên, nhưng không phải làm các xét nghiệm cơ bản nữa.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương, đối với những người vợ trẻ thì thực hiện khoảng 4-6 chu kỳ kinh như trên. Còn đối với người vợ lớn tuổi, thì theo dõi 3-4 chu kỳ, mà vẫn không có thai được thì mới tiến hành làm TTTON.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.