Trẻ thơ bất hạnh và những bức tranh

29/09/2007 23:07 GMT+7

Hơn 100 tác phẩm của 60 họa sĩ nhí (từ 16 tuổi trở xuống) đang được trưng bày ở đại sảnh khách sạn Equatorial (242 Trần Bình Trọng, Q.5, TP.HCM) đến 10.10.2007. Hiện đã có hơn 20 tác phẩm được khách nước ngoài “gắn nơ” (đã được mua). Điều đó phần nào chứng tỏ tranh của các em cũng đã tạo được sự yêu thích từ phía người xem.

Tranh của các em không thể hiện những điều to tát, phi thường mà rất gũi gần với thế giới trẻ thơ nhất là vào dịp Trung thu: được rước đèn, múa lân (tranh của Lê Thắng, Hữu Phước, Văn Chiến, Chí Bảo, Văn Hùng...) hoặc được cùng nhau nô đùa, câu cá... Hình ảnh quê hương cũng thật giản dị, thân thiết: dòng sông, con suối, mái lá, đụn rơm, khóm dừa... Chất liệu cũng thật đa dạng: sơn dầu, màu nước, màu bột... Đặc biệt, ở mảng tranh dán giấy có một số em đã bộc lộ được khả năng: Xuân Quang, Thảo Vy, Thanh Thảo, Kim Hoa, Hồng Châu... Riêng mảng tranh của các họa sĩ nhí trường Khiếm thính Hy Vọng I để lại nhiều cảm xúc cho người xem: Đà Lạt thu (Thanh Tuấn), Rừng tràm (Phương Linh), Chiều quê (Hải Triều)... Để có những cuộc triển lãm tranh trẻ em đường phố và khuyết tật vào dịp Trung thu mỗi năm, không thể không nhắc đến họa sĩ Nguyễn Hoàng Thịnh Trị, anh là giáo viên dạy vẽ cho các em khuyết tật ở cả 4 ngôi trường kể trên trong suốt 15 năm (anh dạy vẽ từ lúc còn là sinh viên mỹ thuật cho đến lúc ra trường). Năm 1999, lần đầu tiên anh “bén duyên” với khách sạn Equatorial bằng cuộc triển lãm tranh của trẻ em đường phố và khuyết tật (cũng là các học trò của anh) để rồi gắn bó với hoạt động này suốt 9 năm liên tục. Anh tâm sự: “Tôi dạy vẽ cho các em, trước hết là để các em giải trí, lấy lại sự cân bằng tinh thần cho các em bởi những stress về khiếm khuyết cơ thể. Tuy nhiên thực lòng tôi muốn hướng nghiệp, tạo cho các em một nghề nghiệp khả dĩ hòa nhập với xã hội mà không phải tự ti, mặc cảm...”.

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.