Lãi suất cao, doanh nghiệp gặp khó

08/10/2010 23:16 GMT+7

Lãi suất (LS) đứng khựng và có xu hướng tăng đang tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp (DN) trong nước.

Năng lực cạnh tranh thấp

 Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần (CTCP) thủy sản Út Xi, cho biết: “Do DN kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp nên có được LS vay 12% - 12,5%/năm đối với tiền đồng và 5% - 6%/năm đối với USD. Mức LS này được đánh giá là tốt trên thị trường hiện nay. Thế nhưng trong bối cảnh các nước trên thế giới đang nới lỏng tiền tệ với LS thấp để hỗ trợ hàng hóa xuất khẩu thì mức LS mà DN vay trong nước vẫn còn rất cao. Có thể kể ra LS của các đồng tiền như yen Nhật, USD ở mức gần 0%/năm, trong khi đó LS mà các DN vay USD trong nước trả từ 5% - 6%/năm, cao gấp 5-6 lần”.

 
Lãi suất cho vay ở Việt Nam cao hơn nhiều lần so với thế giới - Ảnh: D.Đ.Minh  

Theo bà Trần Thị Thanh Tuyền - Kế toán trưởng Trung tâm điện máy Gia Thành (TP.HCM), hợp đồng vay của DN với ngân hàng (NH) vừa được điều chỉnh giảm còn gần 14% so với mức 14,4%/năm trước đó. Với mức LS này, DN chỉ vay theo từng đơn hàng khi cần thiết với thời gian ngắn chứ không dám vay nhiều. Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp may tại TP.HCM cho biết hợp đồng vay của công ty vẫn đang ở mức 14% - 15%/năm (tùy hợp đồng). Đến nay DN vẫn chưa nhận được bất kỳ điều chỉnh giảm LS nào. Điều này cực kỳ khó khăn vì DN đang chuẩn bị sản xuất hàng hóa cho mùa tiêu thụ khó khăn nhưng vẫn không dám vay thêm.

Ông Đỗ Duy Thái - Tổng giám đốc Công ty Thép Việt, nhận xét nếu DN nào sử dụng tỷ lệ vốn vay quá nhiều trong hoạt động sản xuất sẽ gặp khó khăn. Bởi tỷ suất lợi nhuận nói chung của nhiều ngành kinh doanh hiện vẫn chỉ cao hơn LS NH một tí. “Với mức LS vay 15%/năm, DN lo tồn tại cũng khó. Vì vậy sẽ hiếm có DN dám đầu tư mở rộng sản xuất hay đầu tư về công nghệ... Từ đó năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam không thể được nâng lên”, ông Thái nói. Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Băng Tâm - Chủ tịch HĐQT CTCP sản xuất kinh doanh XNK Bình Thạnh (GIL), cho rằng: GIL sản xuất chủ lực để xuất khẩu nên chỉ vay ngoại tệ (có ngoại tệ thu về bán lại cho NH) nên LS thấp hơn vay tiền đồng. Tuy nhiên với mức LS vay ngoại tệ 6%/năm, vẫn cao hơn rất nhiều so với mức 1-2%/năm ở nhiều nước trên thế giới. Như vậy, các DN trong nước không thể tính đến chuyện giảm giá bán vì chi phí sử dụng vốn còn khá cao.

 Trong khi đó, theo kế hoạch kinh doanh của một số DN đang niêm yết trên sàn chứng khoán, mức lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ phổ biến ở mức 15% - 17%/năm. Tuy nhiên như nhiều năm trước, việc có đạt được kế hoạch đề ra hay không lại là một chuyện khác.

Lợi nhuận giảm

So với LS đầu năm 2010, LS huy động và cho vay hiện nay đã giảm chút ít. Nhưng LS chung trên thị trường vẫn ở mức cao. Mức LS phổ biến đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh khoảng 13% - 14%/năm; các DN xuất khẩu, khách hàng truyền thống, có quan hệ sử dụng dịch vụ tốt được các NH áp dụng LS từ 12% - 12,5%/năm. Còn cho vay lĩnh vực phi sản xuất, các NH hiện áp dụng mức LS phổ biến từ 15% - 17%/năm tùy theo lĩnh vực kinh doanh và mục đích sử dụng vốn. Riêng cho vay tiêu dùng, một số NH, công ty tài chính áp dụng mức LS trả góp lên đến 33% - 46,5%/năm.

Ông Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết trong khi các nước khác đang áp dụng mức LS thấp thì Việt Nam áp dụng mức LS cho vay trung - dài hạn theo thỏa thuận phổ biến 14% - 15%/năm là quá cao. Lạm phát của Việt Nam ở mức 8%/năm, trong khi LS huy động 11% - 12%/năm làm cho LS thực dương ở mức 3 - 4%/năm là cao. Do đó DN vay vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ khó khăn hơn.

Ông Nghĩa cho hay: “Thống kê của chúng tôi gần đây cho thấy lợi nhuận của cả khối DN và NH đều giảm”. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2010 so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận trên tổng tài sản của nhóm ngành nguyên vật liệu giảm từ 7% - 8% xuống 6,2%, công nghệ giảm từ 9,95% xuống 6,37%, dịch vụ công cộng giảm từ 5,01% xuống 3%. Còn nếu so sánh lợi nhuận ròng trên vốn tự có thì giảm mạnh hơn. Đối với ngành nguyên vật liệu giảm từ 14% - 15% xuống 10,6%, công nghệ từ 17,4% xuống 11,1% và dịch vụ công cộng từ 11,93% xuống 7,23%. Ngoài ra, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cũng đã giảm xuống 1,75% (cùng kỳ năm ngoái là 1,83%), chứng tỏ DN ít vay hơn.

Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng LS huy động và cho vay phải giảm xuống “vào 10 - ra 12” như Chính phủ yêu cầu thì thị trường mới có thể chấp nhận.

Lãi suất giảm chậm vì lạm phát tăng

Trong thông cáo phát đi ngày 8.10, NH Nhà nước Việt Nam thừa nhận LS cho vay của các NH có giảm nhưng chưa theo mức chỉ đạo của Chính phủ do lạm phát có xu hướng tăng trở lại, các NH vẫn gặp khó khăn trong huy động vốn.

Theo báo cáo, trong quý 3, LS huy động VND dao động ở mức 10,59%-11,2%/năm, giảm 0,2%-0,3%/năm so với cuối quý 2. LS cho vay VND ngắn hạn 12%-13,5%/năm dành cho lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu, DN vừa và nhỏ; các loại LS cho vay khác phổ biến ở mức 13%-15%/năm. LS huy động bằng USD tăng khoảng 0,1%-0,3%/năm so với cuối quý 2 và LS cho vay bằng USD ít biến động. Theo đánh giá của NH Nhà nước, diễn biến tiền tệ, tín dụng, ngoại hối trong quý 3 đều ổn định. Tuy nhiên, LS chưa thể giảm theo chỉ đạo của Chính phủ vì lạm phát có xu hướng tăng, NH gặp khó khăn về vốn. (Anh Vũ)

Thanh Xuân - Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.