Nỗi buồn nhạc công

05/10/2006 21:54 GMT+7

Nhạc công là những thành viên trong một ban nhạc chuyên đệm đàn cho ca sĩ hát. Sự thành công của một ca khúc mang nhiều yếu tố nhưng không thể thiếu sự cộng hưởng giữa ca sĩ và nhạc đệm.

Chính vì thế mà từ rất xa xưa và ở khắp nơi trên thế giới, giữa ca sĩ và ban nhạc luôn gắn kết một cách mật thiết. Nhưng trong khoảng mười năm trở lại đây, đã có một "vật thể" chen vào giữa mối quan hệ này và để lại nhiều hệ lụy. Đó chính là chiếc đĩa ghi âm nhạc đệm!

Tại sao có đĩa nhạc đệm? Có lẽ bởi các nhà tổ chức chương trình ca nhạc do hạn chế về kinh phí hoặc muốn "tiết kiệm" nên không mời nhạc sĩ phối âm phối khí cho các ca khúc trong chương trình, hoặc không chi tiền cho ban nhạc (nếu ban nhạc này có khả năng phối âm phối khí). Do đó xảy ra tình trạng các ban nhạc tuy có tập dượt với ca sĩ nhưng chỉ đệm làm nền, không có được sự "đầy đặn" của một ca khúc được phối hoàn chỉnh. Rồi  nếu là ca sĩ "chạy sô" thì cùng một ca khúc nhưng mỗi ban nhạc ở mỗi tụ điểm lại có cách đệm khác nhau. Điều này khiến ca sĩ khá vất vả để "thích ứng" với từng ban nhạc... Những năm đầu thập niên 1990, ở TP.HCM bắt đầu phát triển các phòng thu (studio), nhiều người có giọng hát tốt (kể cả ca sĩ) đổ xô đến các studio để làm album riêng cho mình. Thế rồi, có những ca sĩ lấy phần phối khí đã thu ở trong các studio ra hát trong các buổi diễn của mình và công chúng thấy hay hơn là có một ban nhạc đệm bình thường. Nhất là khi phong trào karaoke du nhập vào Việt Nam, một số ca sĩ không có điều kiện thu phần nhạc đệm trong các studio bèn lấy phần nhạc đệm trong karaoke ra hát. Nếu "rủng rỉnh" tiền bạc thì ca sĩ chọn một số bài hát "tủ" để nhờ các nhạc sĩ (hoặc thuê studio) phối âm phối khí riêng cho mình, cách làm này đã tạo được hiệu quả cao về hiệu ứng công chúng. Từ đó các ca sĩ đua nhau thu nhạc phối riêng cho mình qua hình thức đĩa nhạc đệm và đẩy các ban nhạc vào chỗ... thất nghiệp!

Bạn Vũ Duy - Trưởng ban nhạc của Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM phát biểu: "Em làm ở Đài Phát thanh dù lương bổng không nhiều nhưng được cái công việc khá ổn định. Trong giới nhạc công, chỉ một số ít xuất thân từ Nhạc viện, còn lại phần đông là tự học, tự bươn chải đưa đến tình trạng nhạc công thì nhiều mà chỗ làm thì ít nên chuyện thất nghiệp là nguy cơ phải đối mặt dài dài... Đáng sợ nhất là từ khi có hiện tượng ca sĩ xài đĩa nhạc đệm. Lắm lúc ban nhạc phải trơ mặt đứng "làm tượng". Niềm vui của nhạc công là được chơi nhạc, được thể hiện mình chứ đứng "làm tượng" thì... kỳ quá ! Thu nhập của nhạc công thì "ba cọc, ba đồng" (từ năm, bảy chục cho đến hơn trăm ngàn mỗi đêm), trong khi có nhiều người nuôi vợ con bằng nguồn thu nhập chính này. Đã thế, nhiều tụ điểm lại thích thay đổi nhạc công nên nhiều người cứ phải nay làm đây, mai làm đó, chạy vạy, xin xỏ rất là tội nghiệp! Thậm chí có nơi không "xài" ban nhạc, chỉ dùng đĩa nhạc đệm...".


Chỉ còn những chương trình lớn mới có những ban nhạc
thực sự chơi "live" (ảnh: T.L)

Chị Thu Anh (nhạc công violon) cho rằng: "Các ca sĩ đừng quá lạm dụng đĩa nhạc đệm, bởi khi đó sẽ làm cho sân khấu lỏng lẻo với một khoảng trống ở phía sau. Nên loại bỏ dần thói quen này trừ những trường hợp bất khả kháng (chẳng hạn được mời hát đột xuất, đi hát xa... không kịp thời gian tập với ban nhạc). Ngoài ra, cũng phải nói đến cái tình người - tình nghệ sĩ với nhau. Giới nhạc công cũng có lòng tự trọng, vừa đệm cho ca sĩ A. hát xong, đến lượt ca sĩ "diva" thì ban nhạc phải bỏ trống đàn rút vào hậu trường. Tôi thấy có cái gì đó hơi bất nhẫn!".

Bạn Anh Quân (tức By Bass) bức xúc : "Nhục lắm ! Tôi đã hơn 20 năm trong nghề. Được đào tạo đàng hoàng lại phải chịu thất nghiệp vì không đồng ý làm "casscadeur". Mức thù lao của mình đáng được 150 ngàn đồng một đêm thì chủ tụ điểm hỏi 60 - 70 ngàn đồng mày có đánh không? Không thì để tao kêu mấy đứa "casscadeur". Ai đời mình phải đi thi mới có giấy phép biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, vậy mà... Đã từng có bản nhạc Kiếp cầm ca, nay xin viết giùm bản Kiếp cầm...đờn !".

Đĩa nhạc đệm chỉ tiện dụng cho ca sĩ ở chỗ không mất công tập với ban nhạc (nghĩa là tước luôn khoản thù lao dành cho nhạc công), giải quyết được nhu cầu hát đột xuất và không sợ "lạc tông" nhưng lại khiến ca sĩ hát một cách máy móc, rập khuôn như cái kiểu "hát karaoke không chữ". Nhạc công và ca sĩ sẽ không có được những phút giây "phiêu linh" một cách ngẫu hứng xuất thần. Và cũng chính từ đĩa nhạc đệm mà, nếu ca sĩ không tự trọng sẽ dễ dàng chuyển qua "hát nhép" - một hiện tượng rất phi nghệ thuật đang bị lên án gay gắt.

H.Đ.N

Bức xúc từ nhạc công


Ảnh: N.V
Guitar bass Lý Được: "Vai trò của ban nhạc bây giờ mờ nhạt lắm. Có cũng được, không có cũng chẳng sao, vì ca sĩ vẫn thích và thường hát với nhạc nền thu sẵn. "Cay đắng" hơn, tôi còn biết trong một số chương trình, để đảm bảo chất lượng âm thanh, ban nhạc chỉ đứng cho đẹp sân khấu, chứ thật ra không làm công việc của mình. Vẫn biết hát với ban nhạc sẽ không "mượt" bằng hát play back, nhưng cái chất live của ban nhạc sẽ tạo cảm hứng cho ca sĩ, và họ sẽ hát có hồn hơn. Là một nhạc công lâu năm, phần nào hiểu được trăn trở của anh em đồng nghiệp, tôi mong rằng tình trạng này sẽ mau chóng được khắc phục, không chỉ vì quyền lợi riêng của chúng tôi, mà để các sân khấu "lửa" hơn, sống động hơn một cách thực sự!".


Ảnh: H.T

Nhạc sĩ Lê Quang (Ban nhạc New Friend): "Một số phòng trà và chương trình ca nhạc truyền hình (Con đường âm nhạc, Bài hát Việt) làm theo tiêu chí hát với ban nhạc, cho thấy chút khởi sắc đối với anh em nhạc công, tuy nhiên tình trạng hát với nhạc nền thu sẵn vẫn "chiếm lĩnh" ở nhiều sân khấu. Không phải nhạc công bây giờ không hay bằng những thế hệ trước, nhưng chính vì lý do trên nên họ không có điều kiện cọ xát với nghề, rồi dần dần mất đi hứng thú khi đánh, niềm đam mê cũng giảm theo. Vì thấy nó bấp bênh, nên người chơi nhạc giỏi đều rút vào phòng thu hoạt động (cười)".


Ảnh: T.L

Nhạc sĩ-pianist Trọng Hiếu: "Anh em chúng tôi bức xúc vấn đề này lâu lắm rồi, nhưng chẳng có diễn đàn nào để chia sẻ. Trong khi một nhạc công cũng học hành bài bản hẳn hoi, luyện tập công phu mới được lên sân khấu, nên nhiều khi chúng tôi thấy tự ái ghê gớm khi mình đứng trên sân khấu chỉ để làm cảnh cho người hát. Lương tâm nghề nghiệp không cho phép, nhưng vì "thời thế" đã vậy, rồi vì kế sinh nhai, biết sao bây giờ! Không thể phủ nhận vai trò của nhạc công trong đời sống ca nhạc, nhưng nhiều năm trở lại đây, chúng tôi dường như chỉ là cái bóng. Chúng tôi chỉ mong được "đối xử" công bằng một chút, để anh em hưng phấn làm việc, nâng cao tay nghề".

Nguyên Vân (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.