Quên

09/10/2008 01:11 GMT+7

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi vừa quyết định tiêu hủy 26 thùng thuốc "quá đát" với trọng lượng gần một tấn, gồm tân dược và đông dược, do đã bị bỏ "quên" trong kho của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi suốt 9 năm nay.

Đây là số thuốc do các đơn vị trong nước hỗ trợ cho đồng bào gặp nạn lũ lụt tại Quảng Ngãi từ đợt lũ năm 1999 mà Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi coi là "của để dành". Nhưng "để dành" lâu quá nên… quên (?). Và vì thuốc chứ không phải vàng, nên cất giữ quá lâu thành… “quá đát”, không dùng được nữa, phải hủy. Trong khi bà con là nạn nhân trận lũ lụt kinh hoàng năm 1999 quá cần từng viên thuốc, từng cân thuốc để vượt qua bệnh tật hay bồi bổ sức khỏe sau lũ lụt. Và trong khi những người hảo tâm trong cả nước phải chắt bóp từng đồng tiền gom góp lại mua thuốc gửi cứu trợ bà con bị lũ lụt. Với một số cơ quan của Quảng Ngãi, thực ra đây không phải lần đầu tiên hay duy nhất họ xoa tay xác nhận là mình… quên. Trong khi không ai quên nhận lương hay "hớt lộc", thì những cái quên kiểu Hội Chữ thập đỏ Quảng Ngãi chỉ khiến người dân khi nghe phải giật thót cả mình! 

Mới đây, Sở Tài chính Quảng Ngãi cũng "quên" có… 3 tỉ đồng, tiền cấp vở học và sách giáo khoa cho 40 nghìn học sinh các dân tộc miền núi trong tỉnh trước năm học mới. Đó là tiền từ nguồn kinh phí sự nghiệp - tức tiền ngân sách - năm nào cũng cấp. Vậy mà năm nay đột nhiên quên. Dĩ nhiên, tiền ngân sách nếu "nhỡ quên" chưa dùng thì vẫn còn đó, không mất đi đâu. Nhưng mục đích của số tiền 3 tỉ này không hề là "của để dành". Nó là "tiền tươi thóc thật" hằng năm dùng mua sách vở cho học trò nghèo vùng dân tộc thiểu số, nó là tiền tình tiền nghĩa của Nhà nước và nhân dân dành cho sự nghiệp "trồng người" ở những vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số khó khăn. 

Cứ nghĩ mà xem, chỉ với hai cú "quên" của hai cơ quan có tính "lơ đãng nghệ sĩ" đó, nhân dân bị mắc nạn lũ lụt và trẻ em người dân tộc thiểu số đã chịu thiệt hại như thế nào! Sau mỗi lần "quên" như thế, chắc sẽ có hình thức "kiểm điểm sâu sắc" và "nghiêm khắc rút kinh nghiệm". Cũng tốt thôi, nhưng đừng "rút kinh nghiệm" để lần sau… quên tiếp, thì khổ cho dân lắm lắm. 

Từ xưa, thời phong kiến mà người làm quan còn luôn được nhắc phải nhớ trách nhiệm đối với dân khi được ngồi trên "ghế nóng". Thậm chí trong triều đình còn dành hẳn một chức quan chuyên "nhắc nhớ" như thế, để đừng quên những việc không thể quên. Bây giờ tinh giản biên chế, chắc không sinh ra một cơ quan chuyên "nhắc bài" như thế, nhưng việc mỗi cơ quan, mỗi quan chức hay công chức luôn phải tự nhắc nhở mình trách nhiệm đối với dân không chỉ là việc "cần làm ngay" mà là việc phải làm thường xuyên, như Bác Hồ đã dạy. Cứ lâu lâu lại "nổ" ra một cú "quên" như thế, thì còn ai dám quyên góp giúp đỡ một khi ở đâu đó trong nước bị thiên tai, còn ai dám nghĩ tới mỗi mùa khai trường, trẻ em các vùng dân tộc khó khăn đều được Nhà nước cấp đủ sách vở giấy bút tới trường. Vì ai cũng biết, bây giờ vận động được một em bé người dân tộc đến trường học, không bỏ học là khó khăn thế nào! 

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.