Thế giới đua giảm lãi suất

09/10/2008 11:10 GMT+7

Cơn khủng hoảng tài chính, tín dụng tại Mỹ đã làm thị trường thay đổi, từ chỗ tăng lãi suất (LS) để chống lạm phát, ngân hàng (NH) trung ương nhiều nước đang chuẩn bị giảm LS cơ bản để vực dậy nền kinh tế đang ốm yếu.

Tại VN, cũng do LS cao nên tín dụng tăng chậm, nhiều doanh nghiệp (DN) đói vốn nhưng không dám vay hoặc xoay trở tìm nguồn vốn khác có LS rẻ hơn của NH.

Vay vốn bên ngoài rẻ hơn NH

Các NH đang chạy đua chào mời DN vay vốn nhưng một số DN vừa và nhỏ lại đang tìm vốn vay từ bên ngoài vì có LS rẻ hơn. NH đang chào mời cho vay với LS 19-20%/năm, trong khi các DN có thể vay bên ngoài với LS 17-18%/năm. Trước đây, khi NH cho vay với LS 21% thì DN vay bên ngoài với LS 19%/năm.

Không phải  DN nào cũng có thể vay bên ngoài, nhưng cán bộ phụ trách tài chính của một DN vừa có vốn điều lệ 20 tỉ đồng cho biết cả bên vay lẫn bên cho vay đều hài lòng. Bên đi vay thì vay được vốn với LS thấp hơn, còn bên cho vay thì được LS cao hơn tiền gửi tiết kiệm NH. Cho vay là những trường hợp có vốn nhàn rỗi, không phải là những người cho vay nặng lãi.

Ngân hàng và doanh nghiệp chưa gặp nhau

Đang tồn tại một nghịch lý là nhiều DN ngại vay vốn, một số thiếu vốn, số khác phải trông chờ vào các nguồn vốn ngoài NH trong khi NH lại đang thừa vốn. Giữa NH và DN chưa gặp nhau vì LS cho vay quá cao. Không thể để tình trạng này kéo dài vì khi DN đói vốn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và giải quyết việc làm. Vài tháng trước, vì lý do giải quyết thanh khoản, nhiều NH đã ngưng cho vay. Còn lúc này vốn vẫn chưa đến được DN do LS cao.

Việc vay vốn bên ngoài của DN không gặp khó khăn vì cơ quan thuế cho phép DN được hạch toán chi phí lãi vay bên ngoài ở mức 1,2 lần LS cho vay của NH, trong khi LS DN đã vay lại thấp hơn LS vay NH.

Một chuyên gia tài chính phân tích: LS cho vay của NH cao hơn vay bên ngoài là do NH phải chịu các khoản dự trữ bắt buộc theo quy định của NH Nhà nước. Hiện tỉ lệ này đang là 11%, chưa kể tín phiếu bắt buộc. NH huy động tiền của dân nhưng chỉ được sử dụng 89% số vốn huy động để cho vay nên LS cho vay của 89% này phải cao để đủ trả lãi cho cả 100% số vốn đã huy động. Trong khi cá nhân đem tiền để cho vay thì không bị ràng buộc quy định này.

Tuy nhiên, những đồng vốn vay này chỉ giải quyết nhu cầu vốn ngắn hạn và chỉ mang tính đối phó thời LS cao. DN vẫn muốn vay vốn từ NH nhưng LS phải thấp hơn. Trong khi đó, hiện nhiều DN than phiền rằng NH có đưa ra những chương trình cho vay với LS thấp nhưng không phải DN nào cũng được tiếp cận LS này.

Qua rồi thời LS cao

Cơn khủng hoảng tài chính, tín dụng tại Mỹ đã lan tới châu u làm đảo lộn diễn biến của thị trường thế giới. Giá dầu một thời làm thế giới sững sờ khi có lúc đạt đến 147 USD/thùng thì nay phải chật vật để trụ lại mức trên 90 USD/thùng. Giá nhiều loại hàng hóa khác cũng có xu huớng suy giảm. Kinh tế khó khăn, nhu cầu vay tiền giảm, vì vậy để kích thích kinh tế người ta nghĩ đến việc phải giảm LS.

Giám đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã ngụ ý có thể cắt giảm LS cơ bản, từ mức 2% vào cuộc họp cuối tháng này. Trước đó, FED đã bảy lần giảm LS USD xuống còn 2% và khi đó mức này được xác định là giới hạn cuối cùng để chuẩn bị tăng lại nhằm đối phó với lạm phát. Nhưng nay cơn khủng hoảng tín dụng đã cuốn đi tất cả. Tình hình khó khăn nên ít người vay tiền NH, vì thế không giảm LS cho vay cũng có nghĩa nền kinh tế Mỹ tiếp tục chìm đắm trong khó khăn.

NH Trung ương châu u (ECB) đầu tháng 10-2008 vẫn giữ nguyên LS cơ bản ở mức 4,25% nhưng nay đã đổi giọng khi cho biết có thể giảm LS. Nền kinh tế khu vực châu u giờ đây đang đối mặt với những khó khăn không kém như Mỹ đã từng trải qua. Vì vậy, duy trì LS cao càng gây thêm khó khăn cho các DN.

Còn NH Trung ương Úc từ nhiều tháng qua đã giữ LS cơ bản ở mức cao nay phải giảm từ 7% xuống còn 6%. NH Trung ương Anh cũng đang chuẩn bị làm việc này. Trước đó giữa tháng 9-2008, NH Trung ương Trung Quốc đã giảm LS lần đầu tiên kể từ sáu năm qua, thậm chí giảm luôn cả tỉ lệ dự trữ bắt buộc cho một số trường hợp.

Hiện việc giảm LS không còn là đồn đoán, có chăng là FED và ECB sẽ giảm ở mức bao nhiêu, từ đó ảnh hưởng đến giá của USD và EUR. Lúc này giới đầu tư đang đoán xem đồng tiền nào có mức giảm nhiều hơn để họ còn bán ra, vì những đồng tiền có LS càng cao thì khả năng giảm LS nhiều hơn và giữ những đồng tiền có nguy cơ giảm LS là không có lợi.

Theo T.Tuyền / Báo Tuổi Trẻ

Áp lực phải giảm lãi suất ngày càng lớn

Ở trong nước, áp lực giảm LS cũng rất lớn vì nó đang ngăn cản DN tiếp cận vốn NH. Số liệu thống kê của NH Nhà nước TP.HCM cho thấy tăng trưởng tín dụng trong chín tháng đầu năm chỉ có 9,7%, mức “cực thấp” nếu so với tăng trưởng tín dụng của năm 2007 và khả năng tăng trưởng tín dụng cho phép của cả năm 2008 - khoảng 30%.

Tháng 10-2008, NH Nhà nước giữ nguyên LS cơ bản VND ở mức 14%/năm để phát đi tín hiệu tiếp tục thắt chặt tiền tệ. Nhưng trong vận hành, LS của các NH thương mại đã linh hoạt theo thị trường và giảm dần. Tuy nhiên, sức ép phải giảm thêm LS ngày càng lớn hơn khi cả thế giới đang chạy đua để giảm chi phí cho DN và cho nền kinh tế. Trách nhiệm này đang được đặt lên vai hệ thống NH, trong đó NH Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.