Những ông chồng… tếu

19/10/2010 04:50 GMT+7

Vợ dù hay dỗi cũng không giận nổi ông chồng cà rỡn. Đây là bí quyết “sống chung với... vợ” của bạn tôi, nhất là những lần lỡ nhậu về khuya.

1. Anh tên Nguyễn Tài Nhạc, quê Bình Sơn (Quảng Ngãi). Nhà anh ở cuối cánh đồng, phải đi qua một quãng đường bờ ruộng quanh co, mấp mô mới tới. Nhạc làm nông, vừa đủ ăn, nhưng sống với bạn rất thoáng và chân tình. Hễ nghe anh em “a lô, nhậu chớ”, là xách quần chạy.

“Dễ thương” vậy nên nhậu xong, dù khuya đến mấy anh em cũng đưa Nhạc về. Và cũng nhờ những lần đó mà chúng tôi phát hiện thằng bạn của mình ngó hiền khô, chân chất vậy mà tếu táo, bông lơn rất có duyên.

Một lần đưa Nhạc về sau chầu nhậu mừng “lúa mới”, vợ vừa mở cửa, anh chàng liền nói giọng nghiêm trọng: “Em ơi, không xong rồi, cậu Nở nhà mình (em của vợ) gặp chuyện rắc rối lắm. Kiểu này có thánh cũng phải bó tay!”. Chị Búp, vợ anh hoảng hồn, dồn dập hỏi: “Chuyện gì? Chuyện gì?...”. Nhạc lắc đầu ra vẻ bí hiểm rồi nhắc vợ: “Em tiếp khách đi chớ, từ từ rồi anh sẽ nói, mà có nói em cũng chẳng có cách nào giúp cậu ấy đâu”.

Đợi vợ rót cho mỗi người một ly rượu dầm cá ngựa xong, anh chàng mới ỡm ờ: “Chuyện này gay to, em biết không, mấy hôm nay cậu Nở luôn dằn vặt trong lòng, lơ cơm lơ cháo”. “Nhưng mà chuyện gì?” – chị Búp nôn nóng gắt.

Nhạc tuôn một tràng: “Cậu ấy than ngắn thở dài với anh, anh ơi, em hối hận quá, dù không... để ý để tứ gì nhưng sao cứ thấy em gái của vợ mỗi ngày mỗi trắng da dài tóc, trong khi vợ em thì càng ngày càng xác xơ tàu lá chuối, giờ biết làm sao hả anh, cái điệu này chắc em tiếc mà đổ bịnh quá anh ơi...”.

Chúng tôi ai nấy đều có một trận cười bể bụng. Còn chị Búp thì chưng hửng, bặm môi, nhào đến cấu véo, thụi bình bịch vào lưng ông chồng cà rỡn của mình: “Đồ quỷ sứ. Ăn rồi cứ vẽ chuyện tầm bậy tầm bạ!”. Rồi quay sang khách, chị phân bua: “Ổng sợ tui giận nên nhậu về là giở trò ba lia ba xạo cho vui đó mấy anh à...”.

2. Anh Việt (giáo viên Văn) thì không mấy khi tếu với ai, chỉ hóm hỉnh với vợ con trong những bữa cơm chiều. Những chuyện anh kể không biết là thật hay bịa nhưng thường làm cho cả nhà không thể nhịn cười được. Chẳng hạn như chuyện này: Lớp anh dạy có một thằng học sinh coi môn Toán là “thần tượng”. Cha mẹ nó cũng rất “mê tín” môn này nên hậu quả là thằng nhỏ làm văn tệ tới mức mỗi bài chỉ vài ba câu mà chẳng ăn nhập đâu vào đâu, có thể cho “zê rô” mà không sợ mang tiếng là nặng tay.

Một bữa, khi cả lớp chăm chú viết bài về “cô giáo của em” thì nó gục đầu trên bàn ngủ say. Anh kêu dậy, bắt lên văn phòng làm bài một mình. Độ mười phút sau, nó nộp bài. Nội dung như vầy: “Cô giáo của em có chiều cao là 1,6m; chiều rộng là 0,7m; cạnh đáy là 0,5m. Vì thế đương nhiên thể tích của cô là...”. Vợ con anh bỏ cả đũa chén, cười suýt sặc cả cơm, mặt mày đỏ bừng. Còn anh thì nheo mắt cười tinh quái.

Vợ anh biết là anh “sáng tác” hoặc “cóp” ở đâu đó nhưng chị cho là không quan trọng. Những bữa cơm vui như Tết khiến cả nhà thấy không khí thân thuộc quá chừng, dù món ăn đạm bạc mà vẫn ngon.

3. Còn ở cạnh nhà tôi có anh Tư Pho cũng là một tay bông lơn có hạng khi “chiến hữu” đến nhà lai rai. Điều đặc biệt là khi anh tưng tưng, nói năng cà bụp cà giựt thì bà vợ lại khoái, cứ sán lại ngồi cạnh và tủm tỉm cười. Anh nói mấy ông đi uống về để vợ nguýt lên nguýt xuống là thiếu ga lăng. Mình phải lấy mật mà rót vào tai mấy bả. Ví dụ: Bà chủ xinh đẹp của anh ơi, hôm nay cho “lính” ăn gì thế? Bả chưa chịu phép, còn hứ hé thì ta ga lăng xăng, nghĩa là cứ xoay quanh bả như chong chóng cho bả... chóng mặt chơi, rồi hỏi cơm chưa em, anh dọn lên nhé! A, món này thơm quá, chưa ăn cũng đã thấy ngon. Ồ, lâu quá mới lại thấy em mặc cái áo đẹp này...

Có người vặn vẹo: Nếu bả cũng tiếp tục “trái tim mùa đông” thì sao đây? Thì mình vô lăng – anh đáp gọn ghẽ, tức là không ga lăng ga liếc gì nữa cả, đi uống tiếp. Nghe thế, chị vợ Tư Pho cười hì hì, xô vai chồng, nguýt một cái, nói dám hông, dám hông. Rồi anh chị cùng cười tít mắt.

Tư Pho còn “vỡ lòng” cho đám trẻ mới cưới vợ: “Nhậu về, vợ véo von, mình vọt. Vợ vui vẻ, mình vào. Vợ vòi vĩnh, mình vờ vịt. Vợ vênh váo, mình vỗ về. Hì hì, cứ vậy là cơm lành canh ngọt thôi...”.

Tôi thường nghe không ít bà vợ than phiê­ìn những ông chồng có khuôn mặt âm u của... áp thấp nhiệt đới. Cứ về đến nhà là họ quăng cặp, kêu mệt, mặt nặng mày nhẹ, rất “kiệm lời” với vợ con. Những bà vợ ấy có thể rất giàu tiền nhưng nghèo lắm những nụ cười. Mà nụ cười thì ai bán mà mua? Xem ra, những ông chồng hóm hỉnh, biết hài hước đúng lúc sẽ mang lại liều “thuốc bổ” cho tổ ấm của mình. Thậm chí qua tiếng cười, những ông chồng hay cà rỡn còn làm giảm đi một phần đáng kể những stress của nhịp sống hối hả thường xảy ra với những thành viên trong gia đình.

Trần Cao Duyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.