Tâm sự với tân sinh viên

08/10/2008 16:56 GMT+7

Xét về mặt thời gian, từ lớp 12 đến giảng đường ĐH chỉ là khoảng cách của mấy tháng thi cử và đợi chờ. Nhưng nếu nhìn từ góc độ của học vấn, của những thách thức từ cuộc đời thì đó lại là một sự đột biến đáng kể...

1. Phần lớn SV lần đầu tiên xa nhà - giống như những cánh chim non lần đầu rời tổ. Có rất nhiều những thách thức, khó khăn và tất nhiên, cũng có không ít những cạm bẫy đến với họ. Không còn cảnh bố mẹ hằng ngày kiểm soát giờ giấc, quan hệ, chi tiêu. Tất cả là tự mình quyết định cả "nội vụ, tài chính, ngoại giao". "Quyền" thật nhiều nhưng nếu không tỉnh táo thì sai lầm sẽ không phải là ít. Một môi trường lành mạnh xung quanh chỗ ở trọ là điều thứ nhất phải nhớ, nhất là SV nữ.

Hãy tưởng tượng sống gần "tiếp viên" karaoke có thu nhập nhiều một cách dễ dàng, quần áo, son phấn đủ mốt, đủ kiểu thì không bị ảnh hưởng và không đua đòi mới là chuyện lạ. Sự trống vắng, cô đơn cũng như mong muốn xả hơi sau một kỳ thi mệt nhọc là những "người bạn đường" tiếp theo của sự buông thả.

Hãy bỏ thói quen hỏi người khác mọi điều. Chỉ hỏi sau khi mình đã tìm và nghĩ lâu rồi nhưng không thể giải đáp được. Khi đọc sách, phải tự đề ra "chỉ tiêu" cho mình. Chẳng hạn, mỗi ngày phải đọc 100 trang sách trong 150 phút. Đây là cách mà nhờ đó khi còn là SV, người viết bài này đã đọc được rất nhiều.

Phải nhớ rằng bể học rộng không cùng và là một trong ít điều không thể mua nổi trên thế gian này. Học để có cái bằng là điều dễ nhưng để có đủ kiến thức mà sống và ngẩng mặt trong đời thì lại là chuyện chẳng dễ một chút nào. Vì vậy, nhất thiết phải học nghiêm túc, thật sự ngay từ những ngày đầu. Chẳng hạn, chỉ cần "buông" môn ngoại ngữ trong vài tuần thôi thì sẽ lập tức biến thành rùa trong cuộc chạy đua với những con thỏ nhanh nhẹn, chuyên cần.

2. Thống kê cho biết SV Việt Nam kém nhất là ở khâu giao tiếp. Đây là căn bệnh có từ lâu đời của cái "truyền thống" khiêm tốn thái quá. Đừng khom lưng khi đứng trước thầy cô. Hãy tỏ ra tự tin, đứng thẳng và ngẩng cao đầu. Trước khi đồng ý với thầy hãy nghi ngờ. Đó là nguyên tắc. Không có chân lý vĩnh cửu và càng không có những người thầy nói gì cũng đúng. Hãy mạnh dạn phát biểu ý kiến của mình. Đừng sợ hãi cũng đừng ngại ai đó chê cười. Nếu trong học tập - sáng tạo mà luôn luôn sợ "tập thể", "mọi người" hiểu sai thì sẽ không có cái tôi, không có sáng tạo.

Trường ĐH là nơi để kiếm tìm chân lý, do đó, mâu thuẫn, bất đồng là chuyện đương nhiên. Trong Suối nguồn (NXB Trẻ, 2007, tr.1.151), Ayn Rand đã viết rất hay về chuyện này: "Loài người đã được dạy dỗ rằng đồng tình với người khác là một đức hạnh. Nhưng người sáng tạo lại luôn bất đồng. Loài người đã được dạy dỗ rằng bơi theo dòng nước là một đức hạnh. Nhưng người sáng tạo luôn bơi ngược dòng. Loài người đã được dạy dỗ rằng đứng tụ tập bên nhau là một đức hạnh. Nhưng người sáng tạo lại luôn đứng một mình".

Tri thức chỉ có được bằng cách nhặt nhạnh mỗi ngày, bền bỉ và không ngừng nghỉ. Sự tự tin chỉ có được khi chúng ta không sợ vấp ngã trên con đường hiểm trở, gập ghềnh của khoa học. Và, hãy nhớ rằng, hiểu biết là một ngôi nhà rộng lớn đến mức ta phải khám phá suốt đời, nhưng năm thứ nhất ở trường ĐH là viên gạch nền móng đầu tiên của ngôi nhà đó.

Hà Văn Thịnh (giảng viên ĐH Khoa học Huế)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.