"Mỹ nhân, thiếu hiệp" bôn tẩu giang hồ

18/09/2005 19:02 GMT+7

Có một thế giới võ lâm say đắm và mãnh liệt trên Võ lâm truyền kỳ. Đó là thế giới của các game thủ trẻ tuổi. Từ mỹ nhân cho đến thiếu hiệp; từ học sinh đến sinh viên, nhân viên trẻ. Ăn game, ngủ game, uống cả game và luôn hân hoan, trăn trở, quằn quại, đớn đau với nhân vật ảo trên mạng... Thật khó lý giải hiện tượng: Tại sao một bộ phận giới trẻ lại có thể đắm mình vào game online như thế, trong khi xã hội còn có nhiều thú vui khác, kể cả lành mạnh lẫn tiêu cực.

Mỹ nhân lỡ bước... giang hồ

Một trong "thập đại mỹ nhân" của Võ lâm truyền kỳ Việt Nam là cô gái học lớp 12 Trường Nguyễn Thị Minh Khai - Đinh Ngọc Xuân Th. Th. mang nick “Bạch Mao Tinh” đang "luyện" Ngũ Độc Giáo ở cấp... 60. Th. kể: "Hồi tháng bảy, đang nghỉ hè em thấy người ta treo bảng quảng cáo về "Võ lâm". Trước đây em cũng thích xem phim kiếm hiệp của Kim Dung, trong khi các game trước đây hiện đại quá, không gần gũi với thế giới "dân gian" trong kiếm hiệp, thế là em hỏi bạn bè rồi quyết định chơi game này". Th. kể, hồi hè cô chơi khoảng 2 tiếng mỗi ngày vào thứ bảy, chủ nhật. Cô nói: "Em thích đánh thú vật và xem, chơi, thích đi... du lịch chứ không chú tâm đến chuyện lên level". Khi tại TP.HCM có đăng "tuyển" mỹ nhân, Th. cũng đăng hình lên trang web cho vui, không ngờ trúng tuyển. Cô được tập trung cùng các mỹ nhân - game thủ ở các tỉnh thành khác như Đồng Tháp, Cần Thơ... tập biểu diễu thời trang trong showroom, ra ngoại thành quay... video clip, rồi vào chùa thăm trẻ em mồ côi...

Những hoạt động giống như lăng-xê ca sĩ! Trong hơn 1.000 ứng viên nộp hồ sơ tuổi từ 16 - 23 thì có 20 người trúng tuyển, sau lọc lại 18 cô (thập bát mỹ nhân), sau "gạn" còn 10 người (thập đại mỹ nhân). Thập đại mỹ nhân được ra cả Hà Nội để giao lưu với khán giả. Th. than: "Ngày mới được làm "mỹ nhân", em lên mạng bị 5 - 6 nhân vật lao vào đánh túi bụi".

"Tuyệt đại mỹ nhân" trong "thập đại mỹ nhân" của Võ lâm truyền kỳ là Lương Thụy Gia Hòa, SV năm thứ ba ĐH Mở bán công TP.HCM. Hòa cũng "luyện" Ngũ Độc Giáo, giờ ở cấp 56. Cô nói về cái nick "Song Song": "Em thích xem phim Vi Tiểu Bảo, Song Song là tên con gái đầu tiên của Vi Tiểu Bảo!". Hòa cũng thích tiểu thuyết, phim chưởng của Kim Dung. Trong một lần đi coi thế giới game, thấy Võ lâm truyền kỳ hay hay, cô hỏi thăm qua bạn bè rồi quyết định chơi. Vượt qua nhiều ứng viên để giật giải "tuyệt đại mỹ nhân", Hòa được thưởng một chiếc máy vi tính và một chuyến du lịch Trung Quốc vào tháng 10 này. Tiếc là "mỹ nhân" đã có "chồng". "Chồng" cô là Kiều Phong. Hòa kể: "Sau hơn một giờ giao chiến kịch liệt trên mạng, em đả bại Kiều Phong một cách... oanh liệt. Rồi em và chàng kết nghĩa huynh đệ. Sau mến nhau, em... cưới chàng. Hôm làm đám cưới, Nguyệt Lão tặng chúng em hai cái nhẫn!".

Bà An trao đổi với PV Thanh Niên về cách "trông" con gái khi chơi game

Cũng là... mỹ nhân, nhưng là người của VinaGame - Đoàn Thị Bích Hằng là nhân viên phụ trách marketing. Hằng nguyên là hoa khôi ĐH Ngoại thương TP.HCM. Tại công ty, cô được giao nhiệm vụ "tuyển" mỹ nhân. Hiện "Thập đại mỹ nhân" do cô tuyển đang là nữ đại sứ của Võ lâm truyền kỳ Việt Nam. Như thường lệ, làm game nên Hằng cũng phải chơi "Võ lâm truyền kỳ". Cô nói: "Em theo phái Đường Môn, ở cấp 30 nhưng chơi nhiều "con". Ở công ty, cứ ăn cơm trưa xong em lại "luyện" khoảng một tiếng cho đến giờ làm việc buổi chiều. Cuối giờ chiều em cũng ở lại “luyện” thêm với các bạn để tự trang bị thêm cho mình kiến thức về game". Tại Đường Môn, Hằng lấy nick là "phituyetsaumanu"!

Gập ghềnh đường hành hiệp

Từ mỹ nhân, chuyển sang chuyện của các thiếu hiệp: Có chuyện một quý tử mới học cấp 2 nhưng đã được gia đình chiều chuộng, sắm cho cả xe máy để đi học. Cậu này trẻ tuổi nhưng đã mải mê bar, sàn nhảy, nhậu nhẹt và cả... đua xe. Hễ được ba mẹ "lên đời" cho chiếc xe nào là đi đua và bị công an "nhốt" luôn xe ấy. Đến chiếc xe cuối cùng thì bà má quyết định trực tiếp... đưa con đi học. Buổi sáng, bà đưa con trai đến trường. Tới trưa, bà đến trường đón con đi ăn cơm rồi chở thẳng vô... tiệm net. Bà quyết "nhốt" con bằng... Võ lâm truyền kỳ. Và bà đã "nhốt" được. Quả là từ khi biết trò chơi này thì cậu quý tử đâm ngoan, suốt ngày chỉ cắm đầu quán net ở xa nhà (vì sợ ở gần nhà bạn bè lại rủ rê). Cứ hết giờ đi làm, bà mẹ lại đón con, vẫn thấy nó ở quán cũ và đắm đuối trên mạng. Giờ thì cậu "ngoan" thật nhưng bà má lại lo sợ vì lý do khác: Nó mải mê Võ lâm truyền kỳ mà bỏ bê học hành, ít chịu tiếp xúc với bạn bè tốt và xã hội.

M. là SV mới vào ĐH. Ngày hè, cả gia đình cậu về quê, M. được giao cho vú ở nhà quản lý vừa trông nhà, vừa trông quý tử. Xe ba mẹ mới ra khỏi cổng, cậu đã động viên vú nuôi: "Vú cứ về quê đi, chẳng nhẽ con hai mấy tuổi đầu không coi được cái nhà. Vú cứ về đi". Bà vú bị cậu chủ "động viên" nhiều quá nên sợ, sửa soạn quần áo về quê. Vú vừa ra khỏi cổng, M. thu dọn hai bộ quần áo rồi dzọt lên quán net gần cư xá Bắc Hải. M. ở đó liền tù tì 15 ngày. Ăn trong quán net, ngủ trong quán net, tắm rửa, vệ sinh cũng trong quán net. Một ngày M. ngủ 4 tiếng, từ 6 - 10 giờ sáng. Còn lại là cắm đầu chơi, ăn hủ tiếu, bánh mì, uống trà đá. Kết quả thu được là: Sau 15 ngày, cậu sụt... 5 kg nhưng lên được level trên 90 ở phái Thiếu Lâm. Đến hôm về nhà, bố mẹ thấy nhà cửa sạch sẽ (có ai ở đâu mà chẳng sạch), hỏi: "Vú đâu?". M. thản nhiên: "Con cho vú về quê rồi!".

Đây là câu chuyện của hai bố con cùng chơi game. Ông bố làm kế toán tại quận 3. Đứa con mới học lớp 7. Hồi nó mới chơi game, nó bảo ba: "Khi nào con học tốt, được văn toán 10 điểm thì ba cho con chơi chút xíu nghen". Ông bố "OK". Thế là hai ba con cùng "luyện". Ba luyện phái Nga Mi, ở cấp trên 70. Con luyện phái Thiếu Lâm, cấp 80 - nghĩa là con giỏi hơn... ba. Dù cho ở nhà, ông bố "quản lý" con trai rất chặt nhưng dường như ở chốn giang hồ, "tình yêu" không thể cùng chia sẻ. Con trai ông "biết yêu" rồi giấu ba... cưới vợ. "Vợ" nó là một ma đầu. Cưới nhau một thời gian, chẳng biết bị "vợ" tỉ tê thế nào mà "chồng" khai tuốt tuồn tuột từ e- mail, password cấp 1, cấp 2... Rồi "nick" của cậu con trai bị "vợ" hack. Nó bù lu bù loa khóc với ba. Ông bố lầu bầu: "Mới tí tuổi đầu đã yêu đương, bày đặt chuyện vợ con, mới lớp 7 đã cưới vợ!". Ông bố mới dắt con tới công ty than thở và nhờ công ty phục hồi lại. Ông than: "Con tôi nó nhỏ quá, nó không có chứng minh thư, nhưng tôi dám mang "con" của tôi (nhân vật trên mạng của ông bố) ra đảm bảo cho nó. Nhờ mấy anh giúp nó coi, tội nghiệp thằng nhỏ".

Lam Trường, nam đại sứ của Võ lâm truyền kỳ Việt Nam

Phụ huynh nói gì?

Bà Nguyễn Thị Kim An là chủ một doanh nghiệp tại TP.HCM. Con gái bà là Trịnh Ngọc Phương Thảo, một trong "thập đại mỹ nhân" của Võ lâm truyền kỳ. Thảo hiện là học sinh lớp 11 Trường quốc tế Horrison, có nick trên mạng là "Boy chảnh". Bà An kể: "Biết con chơi game tôi rất lo. Hồi đầu tôi phải tham khảo bạn bè, ra các cửa hàng net nghe ngóng, sau mới quyết định mua máy cho cháu chơi". Tại nhà bà An, máy tính để gần nơi bán hàng để bà vừa tiện việc kinh doanh vừa tiện bề "trông" con gái. Bà kể: "Tôi còn hai đứa nữa, anh chị của Thảo đều học bên Mỹ và cũng chơi game. Với hai đứa này, tôi phải thường xuyên trao đổi e-mail, điện thoại để nhắc nhở, quản lý các cháu". Với Thảo, bà An có cách quản lý tương đối gắt gao: "Con tôi học vi tính từ... 5 tuổi nên biết game nhanh lắm. Nhưng một ngày tôi chỉ cho chơi từ 1 - 2 giờ, mỗi lần chơi chừng vài chục phút là phải nghỉ. Cháu còn phải học hành, chợ búa, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Tôi là một phụ nữ Huế nên rất coi trọng việc giáo dục con cái theo truyền thống".

Hôm 17/9, VinaGame có mời ca sĩ Lam Trường, nam đại sứ của game online Võ lâm truyền kỳ tại Việt Nam tới gặp gỡ. Với Lam Trường, dù "thời gian là vàng" nhưng anh vẫn dành thời gian để "luyện" môn phái Cái Bang, giờ ở cấp trên 40. Lam Trường cho biết, anh chơi Võ lâm truyền kỳ chủ yếu để giải trí, còn lại vẫn phải chú tâm cho các công việc. Cùng ngày, tại VinaGame tổ chức kỷ niệm một năm ngày thành lập và tổ chức giao đấu giữa các phòng ban trong công ty với khẩu hiệu: "Làm hết sức, giết director hết mình". Theo một nguồn tin từ Ban Giám đốc VinaGame thì công ty đang xem xét, nghiên cứu ứng dụng các phần mềm để hạn chế thời gian chơi của các game thủ, đặc biệt là các gamer trẻ tuổi đang là học sinh, sinh viên. Qua đó, người chơi chỉ được chơi trong một giới hạn thời gian nào đó để còn tập trung vào học hành. Để được như vậy, phải cần sự đồng ý, phối hợp của các phụ huynh, những người trực tiếp "nuôi" tài khoản cho các game thủ.

Phóng sự của Thiếu Gia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.