Nhà văn - biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn: Biết chấp nhận ý kiến khác mình

10/11/2007 14:34 GMT+7

Làm phim với các nhà sản xuất Việt Nam là việc mà nhà văn - biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn đã quen từ hai lăm năm nay. Nhưng cộng tác với một hãng phim nước ngoài thì đúng là điều hãy còn rất mới mẻ...

* Là tác giả của rất nhiều kịch bản phim nhựa và phim truyền hình Việt Nam, anh có thể nói gì về tính chuyên nghiệp của các nhà làm phim Việt Nam?

- Về việc sản xuất phim, chúng ta nói đến tính chuyên nghiệp với ý nghĩa là cách quản lý và tổ chức sản xuất đồng bộ, tính công nghiệp cao, mà không để ý rằng, để làm được như vậy cần có điều kiện gì. Một trong những điều kiện rất cần, đó là tiềm lực mạnh. Chính vì thiếu tiềm lực mà những năm qua, điện ảnh Việt Nam tuy đã khá cởi mở, nhưng các hãng phim, cả Nhà nước và tư nhân, vẫn chưa bứt phá lên được như chính các nhà sản xuất mong muốn.  

* Anh nhận định thế nào về sự có mặt của các nhà làm phim Việt kiều trong việc sản xuất phim “Made in Vietnam?”

- Sự tham gia của các nhà làm phim Việt kiều, ngoài việc giúp cho điện ảnh Việt Nam thêm đa dạng, phong phú, còn tạo sự kích thích, hòa hợp và cạnh tranh giữa các hãng phim và các nhà làm phim, rất đáng hoan nghênh. Xem những bộ phim của Trần Anh Hùng, Hồ Quang Minh, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Lưu Huỳnh, Charlie Nguyễn..., tôi thấy họ đều coi tác phẩm đúng là máu thịt của mình. Điều này rất đáng trân trọng, bởi không ít nhà làm phim hiện nay vẫn coi sản phẩm mình làm ra là... máu thịt người khác!

* Anh có nhận xét gì về độ chênh nghệ thuật, hiệu ứng xã hội, tài chính... giữa các phim made-in-nhà-nước với phim made-in-tư-nhân?

- Hiện tại, các hãng phim nhà nước và tư nhân, dù thắng hay thua, vẫn đang trong thời gian thể nghiệm. Mặt khác, với thực tế thị trường sản xuất phim, bề ngoài cứ tưởng lạc quan, bên trong thực ra rất khắc nghiệt, ta nên có cái nhìn thông cảm. Nếu có điều gì đáng nói, chính là ở chỗ đừng quên phim là một thứ hàng hóa, nhưng phim cũng chính là văn hóa.

* Hầu hết các hãng phim hiện nay đều than thiếu kịch bản hay, theo anh do đâu?

- Ở góc độ cá nhân của biên kịch thì, kịch bản hay không phải cứ muốn là có. Nhưng ở góc độ nhà sản xuất, nếu biết thẩm định ý tưởng để lựa chọn và đầu tư, cộng với biên tập giỏi, và nhất là đạo diễn có tài, chất lượng bộ phim chắc chắn sẽ được nâng lên rất nhiều. Phần lớn các hãng phim Việt Nam hiện nay đều đang thiếu nguyên dây chuyền này chứ không chỉ thiếu kịch bản hay.

* Gần đây, anh có cơ hội làm việc với Hãng phim Bigfoot Entertaiment (BE) của Mỹ. Anh có thể nói gì về sự hợp tác này?

- Điều này, báo chí đã đưa tin rồi, tôi chỉ xin nói gọn: họ tìm đến tôi và tôi đã đồng ý hợp tác. Kịch bản thứ nhất là Nước mắt phương xa đang triển khai với sự hợp tác của BE và Hãng phim Giải Phóng. Kịch bản thứ hai, tôi và BE đã ký hợp đồng, tôi đã hoàn thành bản tiếng Việt trong một tháng làm việc ở  Cebu - Philippines.


Làm việc với Timm Doolen - Ảnh: N.M.T

* Anh nghĩ sao về bài báo cho rằng BE chỉ là một hãng phim đặt trụ sở ở Hồng Kông?

- Thời đại kinh tế toàn cầu, giá trị thương hiệu không lệ thuộc vào địa chỉ văn phòng hay kích thước trụ sở. BE là một thương hiệu, tuy không phải hàng đầu nhưng cũng không vô danh ở Mỹ, có văn phòng ở bốn nơi: Philippines, Hồng Kông, Singapore và Mỹ. Tất cả điều này đều thể hiện trong website của BE.   

* Sự khác biệt nào đáng kể nhất khi anh làm việc với BE?

- Một tháng ở Cebu, làm việc chính thức và trực tiếp với tôi về kịch bản là Michael Gleissner (Chairman of the Board - Bigfoot Group of companies); Timm Doolen (Director of  Development). Họ rất tinh ý, khắt khe và kỹ càng hơn nhiều so với các hãng phim và cách duyệt phim ở Việt Nam. Nhiều khi chúng tôi tranh cãi rất căng, song cuối cùng đều đi đến thỏa thuận sòng phẳng cho cả hai phía. Điều quan trọng là họ rất chịu khó nghe và biết chấp nhận những ý kiến khác mình. 

* Anh có bị cái mác Hollywood làm cho ngây ngất?

- Về thứ bậc, Hollywood đúng là trái núi không lồ so với điện ảnh Việt Nam, nhưng về công việc, chúng tôi là những đồng nghiệp, lại cũng không ở trên đỉnh núi, nên hai bên hoàn toàn thoải mái. Nếu còn trẻ, với thứ tâm tính nghiệp dư, có lẽ tôi cũng sẽ mất bình tĩnh. Nhưng thực ra, tác phẩm văn học và điện ảnh của tôi đâu phải lần đầu ra nước ngoài.

Từ năm 1982, Nguyễn Mạnh Tuấn bắt đầu viết kịch bản phim: Biển sáng (tiền đề cho tiểu thuyết Đứng trước biển), Xa và gần (từ tiểu thuyết Những khoảng cách còn lại), Lối rẽ trái trên đường mòn, Vĩnh biệt đàn bà, Tình ngoài, Hạnh phúc đắng cay, Trọn kiếp lênh đênh, Đời hát rong, Hải đường trắng, Lưới trời, Sinh mệnh... Phim video: Cotylua, Yêu đương nên ở tuổi nào, Đạo gốc, Tội phạm...

Từ năm 1990, anh là tác giả có kịch bản phim truyền hình dàn dựng nhiều nhất ở Việt Nam: Đồng tiền xương máu, Người đàn bà yếu đuối, Chuyện tình bên dòng kinh Xáng, Ấp ba nhà, Động cát đỏ, Cô thư ký xinh đẹp, Chị Sáu Kiên Giang, Hạnh phúc mong manh, Vết chân trong lũ, Blouse trắng, Luật ngư trường, Hướng nghiệp, Trái tim vuông, Chuyện tết thời vi tính, Ninh Thạnh Lợi - đất và lửa, Nghề báo, Hậu họa...

Nhiều kịch bản phim truyện nhựa và truyền hình của anh đang được dàn dựng: Nước mắt phương xa, Tử hình, Trần Thủ Độ và người tình (trong chương trình Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long), Công nghệ thời trang...

Anh đã đoạt nhiều giải thưởng quốc gia: Bông sen vàng (Xa và gần), Bông sen bạc (Lối rẽ trái trên đường mòn)... Gần đây nhất là Cánh diều vàng (Lưới trời - đạo diễn Phi Tiến Sơn), Cánh diều bạc (Blouse trắng - đạo diễn Trần Mỹ Hà), Cánh diều vàng (kịch bản phim Sinh mệnh)...

Ba lần đoạt Bông sen vàng kịch bản (Xa và gần, Lưới trời, Blouse trắng)...

* BE có hiểu biết gì về điện ảnh Việt Nam?

- Hiểu biết sâu về điện ảnh Việt Nam thì chưa, nhưng trong chiến lược phát triển điện ảnh sang châu Á, BE nói riêng và điện ảnh Mỹ nói chung, bắt đầu quan tâm đến đề tài và thị trường Việt Nam. Kịch bản Nước mắt phương xa của tôi tình cờ gặp BE ở chỗ này.

* Anh hy vọng gì đối với sản phẩm có được từ sự tác hợp này?

- Trong dây chuyền sản xuất phim, kịch bản chỉ là khâu mở đầu. Giá trị quyết định của bộ phim tùy thuộc vào chất lượng sự hợp tác đầu tư của hai hãng phim BE và Giải Phóng, vào đạo diễn và tập thể đoàn làm phim. Tôi hy vọng sẽ có kết quả tốt đẹp.

* Đối với anh, cái được lớn nhất từ sự hợp tác này là gì?

- Cái được lớn nhất của tôi trong việc hợp tác với BE, là được thấy tận mắt, làm tận tay những điều trước đây mình mới chỉ đọc và nghe về một hãng phim Hollywood.

* Còn cái không được hay bất lợi?

- Đó là sự lớn tuổi và yếu kém tiếng Anh. Tầm hoạt động của BE (không chỉ lĩnh vực điện ảnh) là trên toàn cầu và thường xuyên chuyển động để thích nghi với hoàn cảnh, rất phóng khoáng nhưng cũng rất nghiệt ngã, những người ít tham vọng như tôi chỉ nên làm khách tình cờ, để chỗ dành cho các bạn trẻ.

* Anh có một ước mơ lãng mạn nào cho điện ảnh Việt Nam?

- Tôi có một mong muốn rất thực tế với những người làm phim Việt Nam, trong đó có mình: trước khi mơ tới việc đưa điện ảnh Việt Nam ra thị trường thế giới, hãy thực sự chú tâm vào việc sản xuất phim nhằm chinh phục khán giả Việt Nam. Bởi trâu ta ăn cỏ đồng ta, tuy vô vàn khó khăn, nhưng dầu sao vẫn không khó bằng việc đi chinh phục khán giả nước ngoài.  

Ngô Thị Kim Cúc (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.