Thách thức mới từ bán đảo Triều Tiên

20/09/2005 23:42 GMT+7

Việc CHDCND Triều Tiên tuyên bố từ bỏ chương trình hạt nhân cùng với phản ứng tích cực từ phía Mỹ đã mở ra nhiều hy vọng cho việc giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, bên cạnh những gì vừa đạt được thì thách thức phía trước vẫn còn nhiều.

Sau khi tin tức về bản thỏa thuận sơ bộ tại vòng đàm phán 6 bên được truyền đi, một không khí dễ chịu không ngừng lan tỏa. Từ nước Mỹ, Tổng thống G.Bush nhận xét: "Giờ đã có một con đường phía trước. Bình Nhưỡng phải hiểu rằng chúng tôi rất quan tâm đến điều này và chúng tôi muốn tiến trình được thúc đẩy. Trên nguyên tắc, họ nói rằng sẽ từ bỏ chương trình vũ khí của mình. Và điều mà chúng tôi muốn nói là: "Thật tuyệt, đây là một bước đi tuyệt vời". Giờ đây chúng tôi đang xem xét sự việc sẽ tiến triển đến đâu". Phát ngôn viên Kim Man-soo của Phủ Tổng thống Hàn Quốc cũng truyền đi thông điệp lạc quan, rằng những gì vừa đạt được "mang đến cơ hội quan trọng cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân ở miền Bắc".

Tuy nhiên, không khí lạc quan đó có vẻ lắng xuống sau tuyên bố mới nhất của Bình Nhưỡng vào ngày 20/9. Hãng thông tấn quốc gia CHDCND Triều Tiên (KCNA) trích lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này rằng: "Nếu không có sự đảm bảo về việc xây dựng một lò phản ứng nước nhẹ thì đừng mơ tưởng rằng chúng tôi sẽ từ bỏ hệ thống hạt nhân của mình". Về vấn đề "lò phản ứng nước nhẹ" (để sản xuất điện năng), trong thỏa thuận sơ bộ ký ngày 19/9 cũng có nêu: "Các bên tham gia đàm phán tôn trọng và đồng ý sẽ thảo luận vào một dịp thích hợp về đề nghị xây dựng một lò phản ứng nước nhẹ tại CHDCND Triều Tiên" (Điều 1). Có thể thấy, bản thỏa thuận nhấn mạnh "các bên sẽ cân nhắc" chứ chưa có gì đảm bảo rằng yêu cầu của CHDCND Triều Tiên sẽ được chấp thuận. Trong khi đó, theo thông điệp mới nhất thì Bình Nhưỡng muốn việc xây dựng lò phản ứng là điều kiện để họ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Lâu nay, điều kiện này chính là vật cản khiến các nỗ lực đàm phán đi vào bế tắc. Trong khi CHDCND Triều Tiên muốn phát triển hạt nhân vì mục đích dân sự thì Mỹ lại muốn quốc gia Đông Á phải từ bỏ mọi nỗ lực hạt nhân. Vì thế, báo chí phương Tây nhận định rằng, việc CHDCND Triều Tiên "làm mới" đề nghị của mình là một thách thức cho kế hoạch thực hiện những cam kết vừa đạt được.

Sau thông điệp của CHDCND Triền Tiên, hãng tin AP cho biết Ngoại trưởng Nhật Bản N.Machimura đã bày tỏ thái độ thất vọng khi nói rằng đó là một yêu cầu không thể chấp nhận được. Ngoại trưởng Mỹ C.Rice thì cho rằng vấn đề về lò phản ứng nước nhẹ là "chuyện đường dài" chứ không phải yêu cầu cấp bách. Trong khi đó, phản ứng của Hàn Quốc khá dè dặt. Bộ trưởng Thống nhất nước này, ông Chung Dong-young khẳng định  yêu cầu của Bình Nhưỡng là nằm trong dự đoán và không phương hại đến thỏa thuận hôm 19/9.

Từ những điều trên có thể thấy, dù thỏa thuận sơ bộ đã được ký nhưng một vài bất đồng vẫn còn tồn tại. Thế nên, từ nay cho đến cuộc đàm phán quan trọng dự kiến vào tháng 11 năm nay, các nỗ lực ngoại giao cần phải được tăng cường để giải tỏa bất đồng để có thể tiến đến một thỏa thuận phù hợp nhất.

Châu Minh Linh
(CNN, BBC)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.