Cô gái Indonesia 18 năm mong tìm một người Việt

12/10/2008 00:20 GMT+7

Hơn 18 năm qua, Lui Fui Kim giữ lấy bức thư cô không hiểu nội dung và mong có ngày tìm được chủ nhân của nó, một phụ nữ Việt Nam mà cô đã gặp trong khoảnh khắc.

Đó là một ngày tháng 5.1990. Trong xóm nhỏ của Kim trên đảo Bintan của Indonesia người ta kháo nhau vừa có một con thuyền chở những người Việt cập bến. Mẹ Kim giục các con thu vén ít quần áo cũ và vài thứ lương thực sẵn có trong nhà, cầm xuống bến phà. Kim và em gái cũng chạy theo mẹ.

Chuyện diễn ra hôm ấy không phải là lạ lẫm. Suốt trong thập niên 80, có nhiều chuyến tàu của người Việt cập bến nơi đây. Làng trên xóm dưới loáng thoáng có những khu nhà tạm. Những người Việt khéo tay, chăm chỉ bắt đầu tìm sinh kế bằng cách làm ra những vật dụng, những thứ bánh đơn giản bán cho người dân địa phương, và dạy người địa phương làm nhiều thứ. Thi thoảng, Kim, khi ấy 15-16 tuổi, cùng đám trẻ trong xóm cũng tha thẩn đến khu người Việt tạm cư. Ngặt nỗi, không ai hiểu ngôn ngữ của nhau, nên sự sẻ chia cũng chỉ là chóng vánh. Ngày qua ngày, những con tàu lại tiếp tục đưa họ đến những bến bờ khác.

Nhưng lần này thì Kim có thể nói chuyện với những người mới đến, nhờ một người trong nhóm nói được tiếng Anh, từng là cô giáo. Còn Kim thì cũng bắt đầu học thứ ngôn ngữ này. Gặp nhau chừng hai tiếng đồng hồ thì đã đến trưa, Kim phải về nhà để đi học, và không quên ghi lại địa chỉ cho người mới quen.

Hôm sau, Kim hay tin chiếc tàu mới đến đã nhổ neo đi tiếp, không rõ là về đâu. Rồi một ngày đầu tháng 6, Kim (tên Indonesia là Emiliana Veronika) nhận được bức thư của cô gái có tên Nguyễn Thị Mai Trâm từ khu Galang II. Trong tâm thức non nớt của mình, Kim không biết chỗ ấy cách xóm mình bao xa, nhưng so sánh địa chỉ thì hình như không xa lắm, đều cùng thuộc Tanjung Pinang, thủ phủ tỉnh Riau thời ấy. Khổ nỗi, Mai Trâm viết bằng tiếng Việt. Kim đành ngậm ngùi trả lời bằng một bức thư tiếng Anh, nói rằng mình không hiểu gì cả.

Mai Trâm nhận được thư và viết lại bằng tiếng Anh. Những con chữ của Mai Trâm nắn nót, đều đặn, văn phạm tiếng Anh chính xác, từ vựng, câu cú phong phú, chứng tỏ cô được đào tạo khá chuẩn mực. Điều đặc biệt là những tờ giấy viết thư, bao thư rất đẹp, cho thấy rằng Mai Trâm đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hành trang lên đường của mình. Trong thư, Mai Trâm khen Kim và em gái xinh xắn, và những tình cảm Kim dành cho những người mới đến thật là quý báu.

Mai Trâm kể cô rời đảo Bintan trong đêm và đến Galang chừng 6 giờ chiều hôm sau, rồi được thu xếp ăn ở ra sao, vật chất, tình cảm thiếu thốn thế nào. Và Mai Trâm mong một ngày gặp lại Kim: “Hãy nói cho tôi biết, phải mất bao lâu thì một lá thư của tôi đến được tay em. Tôi không thể nói trước khi nào tôi có thể đến thăm em, nhưng tôi sẽ đi bất cứ khi nào có thể. Tôi sẽ đi cùng chuyến tàu xuôi về Pinang mỗi thứ bảy. Tôi sẽ báo trước với em bằng thư khi nào tôi đến. Ngày đó, em sẽ đi đón tôi chứ?”.

Kim xúc động mãnh liệt và gửi lại cho Mai Trâm một bức thư khác có cả ảnh của mình. Nhưng đằng đẵng không có hồi âm. Kim tìm hiểu và được nghe phong thanh mọi người đã chuyển đi nơi khác. Những căn lều tạm cư trong xóm của Kim cũng lần lượt biến mất. Một vài người kết hôn với người dân địa phương thì ở lại. Không có ai đến thêm. Hình như Mai Trâm thuộc nhóm người cuối cùng đến đây.

Kim giữ hai bức thư của Mai Trâm như một kỷ vật quý giá, dù cô đã gỡ hai con tem cho người anh trai cất vào bộ sưu tập. Còn bức thư bằng tiếng Việt vẫn là một điều bí ẩn đối với Kim. Giữa thập niên 90, Kim rời quê hương sang Singapore du học. Gia đình cô cũng lần lượt chuyển hết sang Singapore. Căn nhà ở Bintan khóa cửa để trống cho đến nay.

Trong hành trang mang theo sang đảo quốc sư tử, có hai bức thư của Mai Trâm. Kim nói rằng cô có rất nhiều thư từ của bạn bè, bởi cái thời chưa có internet, thư là phương tiện trao đổi gần như là duy nhất. Kim giữ và mang theo mình hai bức thư ấy vì tin rằng một ngày nào đó cô có thể gặp một người Việt giúp cô hiểu được điều Mai Trâm gửi gắm trong bức thư đầu tiên. Và, biết đâu chừng, đó cũng có thể là manh mối giúp cô tìm lại cô gái Việt tình cờ gặp trong phút chốc.

Và Kim đã gặp tôi, tại một hội chợ y tế ở Singapore. Kim, nhân viên tư vấn của Công ty bảo hiểm AXA; tôi, người muốn mua bảo hiểm. Thú thật, Kim đã không làm tôi xiêu lòng. Tôi dứt khoát không mua gì cả. Nhưng Kim vẫn tiếp tục gọi điện với mong muốn được gặp lại và trò chuyện với tôi “ngoài đề tài bảo hiểm”. Phải mất đến 9 tháng, cuộc hẹn giữa tôi và Kim mới thành.

Lần gặp này, Kim đã kể tôi nghe câu chuyện về Mai Trâm. Một tuần sau, Kim mang đến cho tôi hai bức thư thẳng thớm. Kim nhờ tôi dịch hộ bức thư bằng tiếng Việt. Và trong ánh mắt chứa chan niềm hy vọng, Kim nói rằng: “Ước gì tôi được gặp lại cô ấy. Ngày ấy cô chừng ngoài 20 tuổi, da trắng, tóc dài, và hình như chưa lập gia đình. Nay, có lẽ cô chỉ hơn 40. Nếu gặp lại, tôi sẽ mời cô ấy về nhà tôi ở Bintan, đưa cô ấy đi thăm lại nơi cô từng đến, xem có còn nhận ra không. 18 năm qua, nơi ấy không có nhiều thay đổi”. 

Thục Minh (VP Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.