Kinh tế tăng trưởng, an sinh xã hội được đảm bảo

20/10/2009 10:29 GMT+7

* Chỉ số CPI ước cả năm tăng khoảng 7% * Tỷ lệ dư nợ quốc gia vẫn trong giới hạn an toàn (TNO) Đúng 9 giờ sáng nay (20.10), Kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XII đã khai mạc. Sau lời phát biểu khai mạc của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo trước QH tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010.

GDP tăng khoảng 5,2%

Báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu bật 5 thành tựu nổi bật trong kinh tế - xã hội năm 2009. Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt của chính quyền các cấp, chúng ta đã ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế, đạt được tốc độ tăng trưởng khá và tăng được nguồn lực đầu tư phát triển”.

Chín tháng năm 2009 giá trị sản xuất công nghiệp tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2008, dự kiến cả năm tăng 7,2%. Giá trị tăng thêm của ngành xây dựng từ âm 0,4% năm 2008 tăng lên 11,3% năm 2009. Giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ tăng khoảng 6,5%. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý sau tăng cao hơn quý trước: quý I tăng 3,14%, quý II tăng 4,46%, quý III tăng 5,76%, 9 tháng đầu năm tăng 4,56%, dự kiến cả năm tăng khoảng 5,2%, đạt chỉ tiêu QH đề ra.

Các chỉ tiêu chính của kế hoạch năm 2010

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5% so với năm 2009. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2009. Bội chi ngân sách nhà nước bằng 6,5% GDP. Chỉ số giá tiêu dùng khoảng 7%.

Theo Thủ tướng, đạt được kết quả trên là do chúng ta đã đề ra được các giải pháp tổng hợp để tập trung tháo gỡ mọi khó khăn phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, mở rộng thị trường nội địa, kích cầu đầu tư và hỗ trợ tiêu dùng. Chính sách hỗ trợ lãi suất 4% cho các doanh nghiệp đã phát huy tác dụng tích cực. Tính đến hết tháng 9.2009, tổng dư nợ cho vay thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất khoảng 405 nghìn tỉ đồng. Để kích cầu tiêu dùng, Chính phủ đã miễn, giảm, giãn hoãn thời gian nộp một số loại thuế, với tổng số tiền lên tới 20 nghìn tỉ đồng…

Kết quả nổi bật thứ hai được Thủ tướng nhấn mạnh là chúng ta bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù phải giảm các khoản thuế, tăng chi cho kích thích tăng trưởng và an sinh xã hội nhưng nhờ sớm ngăn chặn được suy giảm, sản xuất kinh doanh phục hồi và có bước phát triển nên tổng thu ngân sách nhà nước năm 2009 dự kiến đạt khoảng 390,65 nghìn tỉ đồng, bằng 100,2% kế hoạch dự toán; bội chi ngân sách được khống chế ở mức 6,9% GDP. Tỷ lệ dư nợ quốc gia so với GDP khoảng 29,7%, vẫn trong giới hạn an toàn. Dự trữ ngoại hối nhà nước vẫn duy trì ở mức bảo đảm 12 tuần nhập khẩu. Tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3%, hệ thống ngân hàng bảo đảm được an toàn và có bước phát triển. Giá cả tương đối ổn định. Chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 4,11% so với tháng 12.2008, ước cả năm tăng khoảng 7%.

Kết quả thứ ba được Thủ tướng đề cập đến là thực hiện có kết quả việc đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm chăm lo người nghèo, các đối tượng chính sách, những vùng khó khăn. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển mới trong điều kiện kinh tế xã hội. Tổng số chi cho an sinh xã hội ước khoảng 22.470 tỉ đồng, tăng 62% so với năm 2008. Chi điều chỉnh tiền lương, trợ cấp, phụ cấp khoảng 36.700 tỉ đồng. Trợ cấp cứu đói giáp hạt và khắc phục thiên tai 41.580 tấn gạo. Các doanh nghiệp đã hỗ trợ 62 huyện nghèo trên 1.600 tỉ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, đến cuối năm 2009 còn khoảng 11%.

Hai kết quả khác được Thủ tướng nhắc đến, lần lượt là cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm đạt được những kết quả tích cực; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được tăng cường. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao.

Người đứng đầu Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra 5 yếu kém của nền kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 thấp nhất trong 10 năm gần đây. Tăng trưởng chủ yếu vẫn theo chiều rộng, cơ cấu kinh tế kém hiệu quả, năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp; các cân đối vĩ mô của nền kinh tế chưa thật vững chắc; kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế kinh tế thị trường chưa có bước cải thiện đáng kể; việc đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn nhiều khó khăn; kết quả cải cách hành chính vẫn còn thấp.

 

Các đồng chí lãnh đạo đảng, Nhà nước dự kỳ họp - Ảnh TTXVN

5 giải pháp tập trung trong điều hành

Chính phủ đặt ra mục tiêu tổng quát trong năm 2010 là: “Tập trung mọi nỗ lực phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009; nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng cường sự ổn định của kinh tế vĩ mô và ngăn chặn lạm phát cao quay trở lại; bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện một bước đời sống nhân dân; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính phủ sẽ tập trung vào 5 giải pháp khi điều hành. Việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh sản xuất, phát triển dịch vụ, khẩn trương xây dựng đề án và thực hiện một bước tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng được Chính phủ xác định là giải pháp ưu tiên số 1. Ở giải pháp này, Thủ tướng cho biết sẽ rà soát các quy định có liên quan đến tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là các thủ tục gia nhập và rút khỏi thị trường, thủ tục hải quan, kê khai và nộp thuế, góp phần tiết kiệm thời gian cho DN. Trong khi xây dựng và thực hiện một bước đề án tái cấu trúc nền kinh tế, Chính phủ xác định việc tăng giá trị nội địa và xây dựng lực lượng doanh nghiệp dân tộc là phương hướng chủ yếu để nâng cao tiềm lực và khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế. Khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp có sở hữu hỗn hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tư nhân tiếp cận các nguồn lực phát triển…

Các giải pháp tiếp theo được Chính phủ đưa ra là điều hành linh hoạt, thận trọng chính sách tài chính, tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa tái lạm phát cao và bảo đảm mục tiêu tăng trưởng; bảo đảm tốt an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.