Đi uống bia bao cấp

08/10/2010 11:09 GMT+7

Ở quán bia ấy (115 Quán Thánh, Hà Nội), mọi người, kể cả trung tướng hay thứ trưởng muốn uống bia đều phải xếp hàng chờ mua phiếu, sau đó chờ bia để tự bê, tự tìm bàn và… uống.

Thực khách của quán bia đặc biệt này chủ yếu là các bác U60, U70 và không ít cụ đã ngoài 80. 4 giờ chiều quán bia mở cửa và dù còn bia hay hết vẫn sẽ đóng cửa vào khoảng 7 giờ tối. Chủ nhật nghỉ.

Trung tướng cũng tự bê bia, tìm chỗ

Ở đây người ta không thấy lạ khi một cụ già, nguyên là cán bộ cao cấp hay một ông thiếu tướng, trung tướng đứng xếp hàng bưng bia, nem, nách còn cắp thêm một gói phồng tôm nữa. Sau một hồi ngơ ngác, tôi bắt chước các cụ xếp hàng mua tem phiếu, rồi lại lơ ngơ xếp hàng chờ bia.

Trước tôi là những người già, sau tôi cũng vậy. Cảm giác ngại ngần làm tôi đứng không yên. Tôi quay xuống, định nhường chỗ cho cụ già đứng sau tôi, cụ bảo: “Anh có 2 phiếu thì ưu tiên đứng trước đi, tôi mua 3 dây cơ ( mỗi dây 5 cốc) ”. Nói chưa hết lời cụ đã đẩy tôi lên trên.

Hóa ra ở quán này chẳng bao giờ có chuyện chen ngang nhưng những người mua ít lại hay được ưu tiên. Tôi ngại quá. Mấy cụ đứng phía trên đều hùa vào, bảo cho tôi lấy trước. “Cung kính không bằng tuân lệnh”, tôi đưa phiếu cho cô bán hàng...

Nói về chuyện xếp hàng, ở quán này có cụ Phong đeo lon Thiếu tướng đã từng tham gia chống Pháp, Mỹ năm nay đã 92 tuổi vẫn ngày ngày xếp hàng mua phiếu, chờ bia. Vậy mà tôi, một thằng mặt non choẹt, ngơ ngơ ngác ngác lại được các cụ thương, ưu tiên cho mua trước. Thích thật.

Thời gian chờ đợi đủ để tôi quan sát không gian của bia... bao cấp. Trên cái kệ cao nhất là bom bia Hà Nội nghiêng nghiêng. Một giàn ca nhựa và cốc bên tay trái, ở giữa là một cái xoong nhôm trắng chừng hai chục lít. Cô bán bia cứ mò mẫm vục những ca những cốc vào cái chậu trắng xóa, lốp xốp bọt để đong bia. Cốc nào chưa đầy cô lại dúi vòi bia vào cốc hoặc dùng ca nhựa rót thêm cho thật đầy.

Ở quán “bia bao cấp” này có không ít chuyện mua được bia mà không có bàn ngồi. Có bàn có khi lại không có ghế. Có bàn, có ghế có khi lại hết bia hết đồ nhắm. Tôi may mắn có được một chiếc bàn còn trống do một nhóm các cụ vừa đứng dậy về sớm. Tôi ngồi ở đó nhâm nhi một cốc bia, ngắm các cụ uống bia nói chuyện trên trời dưới đất đã gợi những hình ảnh về thời bao cấp đã xa…

Riêng cái khoản rót bia đầy đặn, nhiều cụ khoái lắm. Cùng là cốc bia, ở ngoài người ta xả cho đầy bọt, bia chỉ có hai phần ba, ở đây một cốc bia là đủ một cốc, không có chuyện bia ít bọt nhiều.

Ở quầy bán tem, chính xác hơn là “phiếu dịch vụ” còn có một nhân viên chuyên bán đồ ăn, gồm: nem chua, mực, lạc, phồng tôm... và có cả bánh giò cho các cụ ăn lót dạ. Mua đồ ăn tuy không cần tem phiếu nhưng cũng đưa tiền mới có hàng và cũng phải tinh thần “Lê Nin trong hiệu cắt tóc”.

Tôi bưng hai cốc bia, mua thêm mấy cặp nem rồi đi tìm bàn. Không biết có phải vì “tự kỷ ám thị” hay không nhưng uống ngụm bia đầu tiên, tôi thấy bia ở đây ngon thật. Lại nhớ chuyện ngày xưa, khi tôi mới học lớp ba lớp bốn gì đó, thi thoảng bố tôi mang về can bia Hà Nội. Ông là cán bộ tiếp phẩm của Cty đường dây và trạm - Khu vực Hà Nội nên có điều kiện mua được thứ hàng xa xỉ này. Tôi uống nửa bát. Hương vị thật khó tả. Nó cứ khai khai thế nào ấy...

Cả nhà gần chục người mà can bia 5 lít chỉ uống hết một nửa, nửa còn lại đem thả xuống giếng cho lạnh, tối lại kéo lên uống tiếp.

Hoài cổ - kẻ thích người không

Một cụ mồ hôi nhễ nhại, một tay xách túi vợt cầu lông, một tay cầm cốc bia ghé vào bàn tôi hỏi: “Xin lỗi, chỗ này có ai ngồi không cháu?” “ Dạ chưa đâu ạ, mời cụ ngồi!”. Vậy là tôi có cơ hội để tìm hiểu thêm về quán bia tem phiếu theo kiểu bao cấp này.

Cụ già ngồi cùng bàn với tôi đã uống bia ở quán này gần... ba chục năm nay. Tôi không giấu được sự ngạc nhiên. Ba mươi năm đâu có phải là khoảng thời gian ngắn đối với đời người. “Chúng tôi vẫn nói vui rằng, quán này là thành lũy cuối cùng của thời bao cấp còn sót lại” - Cụ cho biết.

Cụ thích nói chuyện về cầu lông, tôi xin phép một bài thơ vui vui: “Khi chơi cầu lông với đội nhà/Cầu thủ mơn man cầu lông và.../Bỏ ngỏ sân trên thi thoảng dưới/Đường ban quen thuộc đánh lơ là./Khi chơi cầu lông với đội xa/Cầu thủ mơn man cầu lông và/ Bám chặt sân trên kèm chặt dưới/ Đường ban hồi hộp vút tăng đà”. Nghe bài thơ vui tôi vừa đọc, cụ bảo: “Hay! Cái tay nào làm bài thơ này chứng tỏ hắn không chỉ biết chơi cầu lông đâu đấy!”.

Mải nói chuyện bia và chơi cầu lông, tôi chưa kịp hỏi tên cụ, chỉ biết rằng cụ nguyên là cán bộ ở một cơ quan trung ương. Là thành viên của câu lạc bộ cầu lông thuộc Trung tâm thể thao Ba Đình, mỗi năm cụ chỉ phải đóng năm trăm năm mươi ngàn đồng sinh hoạt phí, được miễn tiền gửi xe, thậm chí có thời điểm còn được tắm nước nóng sau khi tập luyện.

Bia ngon, đồ nhắm cũng bình dân vừa phải, cung cách phục vụ mang hơi hướng, âm hưởng của thời bao cấp nên nhiều cụ thấy thích. “Tập thể thao xong không nên ngồi ngay, đi lại tí chút để xếp hàng mua phiếu vé, lấy bia, tìm chỗ cũng là cách vận động khoa học. Bán có giờ có giấc nên anh cũng chẳng thể uống quá đà được. Với lại còn phải để bụng về ăn cơm nhà chứ...” - Cụ cười khà khà.

Đã hết tiêu chuẩn hai cốc bia, một gói phồng tôm, tôi mời cụ dùng thêm nhưng cụ lắc đầu: “Cảm ơn anh! Cữ nó thế rồi, không uống hơn được”. Cụ khoác túi vợt lên vai ra về, tôi vẫn nán lại.

Tôi ghé sang bàn bên cạnh, xin được thỉnh giáo các cụ về quán “bia bao cấp”. Thấy tôi tỏ vẻ thích thú với quán bia đặc biệt này, ông Tuệ- cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghỉ hưu bảo: “Được cái bia ở đây ngon. Nhưng mà cứ phải xếp hàng tự bưng bia nhiều lúc cũng khó chịu lắm! Tôi đã góp ý nhiều lần nhưng họ không chịu nghe. Bia thì không rót vào cốc ngay mà lại cho vào xoong, rồi từ xoong mới múc vào ca vào cốc. Mất cả ngon!”.

" Không chỉ các cụ tập luyện ở Trung tâm thể thao Ba Đình thích quán bia gợi nhớ thời bao cấp mà còn có các thực khách thấy kiểu phục vụ hay hay, bia ngon, giá cả phải chăng cũng tìm đường đến quán. "

Ông Nựng, cựu cán bộ Tổng cục đường sắt giải thích thêm: “Bia thì vẫn ngon, nhưng mà anh tính, nếu rót từ bom vào cốc ngon hơn, lạnh hơn chứ! Đằng này họ xả bia vào xoong rồi mới múc vào ca, từ ca chắt vào cốc. Nó hả đi chứ.

Như tôi và ông này, mỗi người uống hai cốc thì phải mua luôn từ đầu chứ chẳng lẽ mất công xếp hàng lại mua từng cốc một à? Thế là phải uống bia nguội, đáng ra ngon mười thì để lâu thế chỉ còn bảy, tám thôi. Tôi thì vẫn cứ muốn phục vụ như bên ngoài”.

Ông Vinh - Nguyên Giám đốc nhà khách của Bộ Giáo dục& Đào tạo lại không tán thành quan điểm đó. Cụ Vinh cho rằng, uống bia ngoài quán vẫn không thể bằng ở đây. Ngoài kia xô bồ lắm. Có nhân viên người ta phục vụ mình nhưng mà cốc bia có ra cốc bia đâu. Vừa dễ bị trộn, rót thì vơi, đồ nhắm thì đắt đỏ... Tôi hỏi ông nhá, không ngon hơn, không hay hơn thì sao khách bên ngoài họ cũng mò vào đây uống?
“Nhưng mà cái cung cách hách dịch, cửa quyền thời bao cấp nó làm cho người ta khó chịu. Cứ nghĩ lại cái thời bao cấp khốn khổ ngày xưa, tôi lại thấy sợ”. Cụ ở phe phản đối vẫn giữ quan điểm: phục vụ phải ra phục vụ.

Và dĩ nhiên, rất nhiều cụ vẫn tiếp tục ủng hộ kiểu xếp hàng mua bia bằng tem phiếu và coi đó như một thức nhắm tinh thần thú vị. Các cụ tha hồ nhấm nháp, ngẫm ngợi về “thời xa vắng” đã qua...

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.