Chìm nổi ca trù Sài Gòn

27/09/2006 23:16 GMT+7

Là loại hình nghệ thuật thính phòng "quốc hồn quốc túy" hết sức độc đáo của VN và có lịch sử hàng trăm năm ở phía Bắc, nhưng ca trù cũng kịp theo chân những lưu dân lãng tử để hiện diện giữa Sài Gòn vào khoảng trước năm 1945. Tuy nhiên, sau khi được khởi xướng lại từ năm 1976, giờ đây ca trù tại TP.HCM đang lâm vào cảnh heo hắt.

Cùng với những nhạc sĩ tâm huyết như Nguyễn Xuân Khoát, Tô Vũ - những người có công lớn trong việc phục hưng ca trù, vào năm 1976, GS-TS Trần Văn Khê từ Pháp về nước, tìm gặp lão nghệ nhân Quách Thị Hồ, ghi âm và giới thiệu ca trù cho thế giới biết qua đĩa UNESCO. Tiếng hát Quách Thị Hồ và tiếng đàn đáy trứ danh của nghệ sĩ Đinh Khắc Ban là 1 trong 9 tiết mục xuất sắc nhất của Liên hoan âm nhạc quốc tế Bình Nhưỡng (1983). Từ đó ca trù hồi sinh, được UNESCO quan tâm và đang tiến hành để công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Vào thời gian này, ca trù hiện diện trở lại ở nhiều nơi tại miền Bắc (Nghệ Tĩnh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên...), còn ở Sài Gòn cũng xuất hiện một vài CLB ca trù. Tuy nhiên, nếu như các CLB, các nhóm ca trù ở miền Bắc có những khoản tài trợ đặc biệt thì ở Sài Gòn nhiều năm qua các nhóm ca trù phải tự lực cánh sinh.


Khách du lịch đang nhập vai ca trù
Ban ca trù Hoa Đào dù vừa đi dự Hội thảo quốc tế về hát ca trù của người Việt (tháng 6.2006 tại Hà Nội) về vẫn bị... thất nghiệp. Trưởng nhóm là nghệ nhân Vũ Thủy cho biết: Hoa Đào thành lập năm 1997, gồm 9 thành viên (trong đó có NSƯT ngâm thơ Trần Thị Tuyết, 75 tuổi, rất quen thuộc với thính giả Đài tiếng nói VN. Bà là con của nghệ sĩ ca trù Nguyễn Thị Phúc cùng thời với cụ Quách Thị Hồ). Trước đây, nhóm dự kiến tổ chức biểu diễn 1 lần/tháng nhưng không thành công. Hiện cả nhóm sống lay lất, ai mời mới đi diễn nhưng có khi cả năm mới diễn 1 lần. Lý do là nhóm tự phát, không có tài trợ, không có đơn vị đỡ đầu và không có cả "tri âm, tri kỷ". "Muốn say mê ca trù cần phải có trình độ nhưng có trình độ mà không say mê ca trù thì... biết làm sao được!", ông Thủy lắc đầu ngao ngán.

Không "bi đát" như ban Hoa Đào nhưng cũng thăng trầm không kém là CLB Ca trù & hát thơ Lạc Việt. TS Nguyễn Nhã - Chủ nhiệm CLB, thổ lộ: "Tiền thân là CLB Ca trù ĐH Hùng Vương, thành lập năm 2000 nhưng chúng tôi luôn phải gánh chịu sức ép giải tán CLB Ca trù từ một nhóm giáo viên chống đối, không muốn dạy cho sinh viên món "cô Đầu". Cụ Ngô Gia Hy lúc đó đang là hiệu trưởng đã rất dũng cảm để vận động cho CLB được thành lập và chúng tôi luôn thực hiện đúng lời dặn của thầy Hy: "Đừng bao giờ lấy tiền của nhà trường". Vì thế CLB phải tự tồn tại bằng cách đưa ca trù vào cuộc sống đời thường, trong các lễ lạc mang tính gia đình (mừng thọ, mừng tân gia, đám cưới, giỗ kỵ, mừng thi đậu...)".

 TS Nguyễn Nhã cho rằng với mô hình "ca trù sống" tổ chức ở các tư gia thì ở TP.HCM có điều kiện và hướng phát triển hơn ở Hà Nội. Tuy thế, đây là nghệ thuật thính phòng chỉ thích hợp với không gian cô đọng và rất kén người thưởng thức (phải yêu thích thơ truyền thống) và không nên quá 10 người... Ca trù sẽ không tồn tại nếu không còn những người làm thơ và người thích thơ truyền thống (lục bát, song thất lục bát, thơ Đường, hát nói...). Về mặt chiến lược lâu dài phải bắt đầu từ môi trường giáo dục, môn tiếng Việt và môn Văn phải dạy cho học trò biết làm thơ, yêu thơ truyền thống. Khi có "cầu" tất sẽ có "cung".

H.Đ.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.