Sữa không có melamine cũng... “khóc”

06/10/2008 16:07 GMT+7

Ngày 25.9, Trung tâm Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm - Viện dinh dưỡng đã đưa ra kết luận: sữa tươi có nguồn gốc từ Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì không hề chứa Melamine. Thế nhưng...

Nằm ven đường dẫn đến khu du lịch Khoang Xanh nổi tiếng, cửa hàng chuyên bán sữa bò tươi của gia đình chị Lê Khanh (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) mỗi ngày tiêu thụ trên 50 kg sữa bò tươi nguyên chất các loại.

Những ngày cuối tuần, ngày lễ, lượng sữa mỗi ngày mà cửa hàng nhà chị Khanh bán ra lên tới hơn trăm kg.

Nhưng đấy là chuyện của vài tuần trước kia, trước khi xuất hiện tin trên thị trường Việt Nam có sữa nhiễm melamine.

Tiếp chúng tôi trong cửa hàng rộng hơn trăm mét vuông, xây theo lối nhà sàn rất thoáng mát và sạch sẽ, chị Lê Khanh cho biết: "Sữa mình bán đều nhập lại từ Trung tâm, đã qua kiểm nghiệm và kết luận không có chứa melamine. Thế nhưng giờ cũng chẳng bán được mấy. Hôm nào nhiều cũng chỉ bán được gần 20 kg, không bằng nửa non những ngày ít trước đây".
Ông Tăng Xuân Lưu - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì cho biết: trước đây, mỗi ngày Trung tâm vẫn nhập vào 3,5 - 4 tấn sữa từ đàn bò dự án nuôi trong dân; 80% lượng sữa này được phân phối cho Hanoimilk và một công ty sữa lớn khác. Hiện tại, Hanoimilk đã giảm sản lượng nhập vào 50%, công ty sữa còn lại không những lưỡng lự trong việc nhập mà chỉ chấp nhận mua sữa của Trung tâm với giá 5.000 đồng/kg, thay vì 8.500 đồng/kg như trước... Trong khi chưa tìm ra đối tác mới tiêu thụ sữa, Trung tâm đã phải ngưng nhập sữa của nhiều hộ nuôi bò sữa trong vùng vì không còn đủ chỗ để lưu cất, bảo quản sữa.

Trường hợp đại lý Long Hà còn thê thảm hơn.

Trước thời điểm xuất hiện tin sữa nhiễm melamine, đại lý này hôm nào cũng đông khách; một ngày, chỉ tính riêng sản phẩm sữa tươi nguyên chất, đại lý này đã bán khoảng trên 100 kg. Nay con số này là không quá 15 kg.

Rất nhiều hộ gia đình, đại lý tại Ba Vì cũng lâm vào tình trạng như trên và nhiều gia đình đã phải đóng cửa vì không bán được hàng.

Ngoài các hộ gia đình, đại lý kinh doanh sản phẩm sữa bò, nhiều hộ chăn nuôi bò sữa cũng lâm vào thế kẹt vì vắt sữa bò ra nhưng không tiêu thụ được.

Trong những ngày cuối tuần qua, Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì đã gần như ngừng nhập sữa bò từ các hộ gia đình cũng như các chủ trang trại nuôi bò sữa lớn tại đây.

Vắt sữa bò ra không bán được, nhiều hộ nuôi bò sữa không dám để đàn bò tiếp tục cho sữa vì không có tiền để mua cám tinh cho bò ăn (6.000 đồng/kg). Thay vào đó, họ chỉ cho bò ăn cỏ để... cầm cự.

Tuy nhiên, theo những hộ dân ở đây, điều nguy hiểm là tình trạng trên sẽ không kéo dài. Không được ăn cám tinh, bò sữa sẽ không đủ sức đề kháng và sẽ mắc rất nhiều bệnh, khả năng chết là rất cao.

Các hộ dân đã vậy, các chủ trang trại nuôi bò sữa cũng không khá hơn.

Trang trại chăn nuôi bò sữa rộng 10 hecta với 50 con bò lai cho trung bình 4,5 - 4,6 tạ sữa mỗi ngày của anh Lê Mạnh Hà là một ví dụ.

Trước khi có vụ melamine, anh Hà đã mạnh tay đầu tư trồng thêm 6 hecta cỏ VAO6 - với giá 250 triệu đồng/hecta, sắm mới giàn máy xay chế biến thức ăn tinh... Kết quả là đàn bò 50 con của anh có nhiều con đạt trên 30 kg sữa/ngày. Nếu như trước đây, đó là "cỗ máy đẻ ra tiền" thì bây giờ...

Anh Hà cho biết thêm, trước đây, nhiều chủ nuôi đã tìm tới tận trang trại, sẵn sàng trả anh cái giá 50 triệu đồng để được sở hữu con bò nào cho 30kg sữa/ngày.

"Khi đấy nếu chỉ cần đánh tiếng bán là trong tay mình lúc nào cũng có ngon ơ 1,6 tỷ đồng. Giờ muốn bán được thì chỉ còn cách đưa ra mấy cái lò mổ, nhưng bán thịt thì rẻ lắm, chưa nổi... 8 triệu đồng một con" - anh Hà buồn rầu tâm sự.

Để tránh khả năng phải xóa sổ đàn bò sữa do không bán được sữa cho Trung tâm, anh Hà đã chủ động nhập một dây chuyền chế biến bánh, sữa cô đặc hiện đại vì "không muốn sữa bò vắt ra phải đổ xuống cống", anh Hà nói.

Minh Sang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.