Số 13 may mắn

13/10/2010 14:40 GMT+7

(TNTS) Ngày 7.10.2010, Nga tiến hành lần phóng thứ 13 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava. Con số 13 tưởng như xui xẻo lại đem đến thành công cho lần đầu thử nghiệm này.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa 3 tầng nhiên liệu rắn, R30 3M30 Bulava-30 (NATO gọi là SS-N-X-30), loại phóng từ tàu ngầm, được Nga triển khai thiết kế, sản xuất vào năm 1988. Dự án do Viện Kỹ thuật nhiệt Moscow (MIT) đảm nhiệm. Thông qua dự án này Nga muốn chuẩn hóa các tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn triển khai trên biển và trên bộ, cũng như giảm chi phí phát triển và sản xuất tên lửa. Thời gian để MIT phát triển Bulava ngắn hơn 2 lần so với thông thường (đến 15 năm).

Dự kiến Bulava dùng để trang bị cho các tàu ngầm lớp nguyên tử mới nhất Projekt 955 Borey, trong đó có tàu ngầm Yuri Dolgoruky với 12 bệ hầm phóng tên lửa. Đến năm 2015, Nga dự định đóng tổng cộng 8 tàu ngầm nguyên tử trang bị các loại vũ khí mới nhất, trong đó có Bulava. Tuy nhiên tính từ lần phóng thử đầu tiên (6.2004) đến lần thứ 12 (12.2009), Nga đã chỉ thu được thành công 5 lần. Chính vì thế lần thử thứ 13 này gây sức ép khá lớn.

Vào ngày 7.10.2010, từ tàu ngầm Dmitry Donskoi của hạm đội Phương Bắc trên biển Bạch Hải, tên lửa Bulava thứ 13 được phóng lên và bắn trúng mục tiêu tại bán đảo Kamchatka cách đó 6.000 km. Dự kiến trong năm 2010, Nga sẽ có thêm 2 lần phóng thử loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa này.

Cũng cần nói thêm, trước đó lần phóng thử nghiệm 13 dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày 10.10, nhưng sau đó lại là 7.10. Có thể, Bộ Quốc phòng Nga hy vọng, 7.10 là ngày sinh nhật của Thủ tướng Nga Vladimir Putin, nên sẽ đem lại may mắn và kết quả đúng như mong đợi.

Tín hiệu khả quan

Lần phóng thử nghiệm thứ 13 được chuẩn bị ròng rã hàng tháng trời. Bộ Quốc phòng Nga cùng các kỹ sư chuyên ngành đã phải kiểm tra tỉ mỉ, chặt chẽ từng công đoạn, từng khâu chuẩn bị. Theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga - ông Anatoly Serdyukov, sự chuẩn bị như thế là cần thiết cho 3 lần thử nghiệm trong năm 2010 này.

Vài nét về Bulava-30

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa 3 tầng nhiên liệu rắn, R30 3M30 Bulava-30 có khả năng mang từ 6 đến 10 đầu đạn hạt nhân. Mỗi đầu đạn có công suất 150 kiloton. Tầm bắn của tên lửa Bulava là 8.000 km. Trọng lượng khi xuất phát là 36,8 tấn, sau khi cắt các tầng trong quá trình bay còn 1,15 tấn. Điểm độc đáo là loại tên lửa này có thể phóng từ dưới mặt nước.


Quá trình phóng thử nghiệm Bulava

Lần thử nghiệm thành công gần đây nhất là ngày 28.11.2008 và đó là lần thứ 9 đối với Bulava. Trong 7 lần phóng thử không thành công trước đó, mỗi lần lại xuất hiện một vài lỗi mà phía Nga không thể lường trước. Lúc thì do một động cơ nhiên liệu rắn phát nổ khi thử nghiệm động cơ. Khi thì do trục trặc trong chương trình, ở giai đoạn thử nghiệm thứ hai, tên lửa bay lệch hướng đã định và rơi xuống biển, không đến được mục tiêu. Cựu Viện trưởng MIT - ông Yuri Solomonov, đề cập cụ thể hơn các nguyên nhân dẫn đến thất bại của loại tên lửa dành cho tàu ngầm này. Ông nói: “Đó là cơ sở hạ tầng của Nga chưa đáp ứng các yêu cầu sản xuất linh kiện cho Bulava cũng như điều kiện để kiểm tra, kiểm soát chất lượng của các khâu trong sản xuất còn yếu kém”.

Đến cuối tháng 7.2010, Ủy ban thanh tra quốc gia Nga đã xác nhận những nguyên nhân tương tự như ông Solomonov đưa ra. Lần thử thứ 12 (9.12.2009) thất bại, theo ủy ban thanh tra quốc gia, do trong hành trình của mình, tầng một và tầng hai của Bulava không thể định vị đúng ở vị trí chuẩn. Đây không phải do lỗi thiết kế mà là lỗi do công nghệ sản xuất. Để khắc phục điều này, Bộ Quốc phòng Nga không chỉ giám sát chặt chẽ các thiết bị, công nghệ sản xuất mà còn xem xét kỹ lưỡng toàn bộ hệ thống cấu thành của Bulava. Bộ trưởng Quốc phòng Nga - ông Anatoly Serdyukov, vào trung tuần tháng 9.2010 tuyên bố, nếu thử nghiệm Bulava tiếp tục thất bại, Nga sẽ thay thế toàn bộ hệ thống sản xuất cũng như kiểm soát chất lượng các thiết bị của loại tên lửa này.  

Sau tuyên bố có phần “đe dọa” trên của ông Anatoly Serdyukov, ông Yuri Solomonov bị sa thải khỏi vị trí Tổng công trình sư thiết kế Bulava và khỏi chức Viện trưởng MIT. Thay vào các vị trí đó là ông Aleksandr Shukhodolsky. Có lẽ vì thế mọi việc đã trở nên hiệu quả hơn dẫn đến việc thử nghiệm lần thứ 13 của Bulava thu được thành công.  

Không có đường lùi

Trong tương lai, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava sẽ là vũ khí chiến lược dành cho tàu ngầm lớp nguyên tử Borey. Đây sẽ là “quả đấm hạt nhân” cực kỳ quan trọng trong hệ thống phòng thủ và tấn công chiến lược của Nga trong thời kỳ mới. Vào cuối năm 2009, Phó thủ tướng Nga - ông Sergei Ivanov tuyên bố: Hơn 40% ngân sách quốc phòng được chi cho lực lượng hải quân. Bởi, chính các tàu ngầm nguyên tử với sự cơ động, tầm hoạt động xa, có thể đảm đương việc cất giấu hay vận chuyển vũ khí hạt nhân đến bất kỳ vùng biển nào trên thế giới. Hơn thế, tàu ngầm rất khó bị đối phương  theo dõi phát hiện trước khi nó bắt đầu phóng tên lửa đạn đạo. Đây chính là yếu tố gây bất ngờ mà quân đội của bất cứ quốc gia nào đều mong muốn đạt tới.

Projekt 955 - Borey

Tàu ngầm lớp nguyên tử Borey được thiết kế, sản xuất cho việc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa 3 tầng nhiên liệu rắn. Tàu có sức rẽ nước 24 nghìn tấn, có thể lặn sâu 450m so với mặt nước. Ngoài công năng chuyên chở, phóng tên lửa đạn đạo, Borey còn có 6 ống phóng ngư lôi. Ngoài tàu ngầm mang tên Yuri Dolgoruky, Nga còn có các tàu ngầm khác như Vladimir Monomakh, Aleksandr Nevsky, Svyatitel Nicolai... đều có thể đảm đương nhiệm vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Tuy thế, nếu như thử nghiệm Bulava tiếp tục thất bại sẽ ảnh hưởng đến dự án tàu ngầm lớp nguyên tử Borey. Bởi hiện Borey được trang bị hệ thống khí tài mới rất đắt tiền, hầu như đã được hoàn tất thiết kế. Một chiếc Borey đã ra đời chỉ để thử nghiệm tên lửa Bulava. Hủy bỏ dự án này để đóng mới loại tàu ngầm khác là điều hầu như Nga không thể làm vì đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn.  

Ngoài vấn đề tài chính, việc thử nghiệm thành công hay thất bại Bulava còn là vấn đề mang tính danh dự không chỉ của MIT mà còn của ngành quốc phòng vốn dĩ danh tiếng của Nga. Trong lịch sử phát triển vũ khí của mình, Nga chưa bao giờ có nhiều thất bại như thế đối với thử nghiệm loại tên lửa như Bulava. Chẳng hạn, với loại tên lửa R-29R (cũng dành cho tàu ngầm), Nga phóng thử nghiệm tổng cộng 42 lần và thu được thành công 31 lần. Hay khi thử nghiệm loại tên lửa R-27 trong thập niên 1960 thì cả 24 lần đều thu được kết quả mỹ mãn. Giờ đây phía Nga đang hy vọng, sau lần phóng thử nghiệm vừa qua, mọi việc sẽ trở nên suôn sẻ, bởi các lỗi trong quy trình sản xuất đã được kiểm tra, giám sát và khắc phục. Còn nếu trong 2 lần thử nghiệm từ nay đến cuối năm mà thất bại, nhiều khả năng Nga sẽ thay thế toàn bộ hệ thống sản xuất cũng như kiểm soát chất lượng các thiết bị của loại tên lửa này. Đây là điều người Nga không mong muốn, nhưng không thể không làm. Vì không thể để các tàu ngầm lớp nguyên tử Borey ra đời mà nằm không như một đống sắt gỉ.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.