Thư bạn đọc tuần qua (12-18/9)

18/09/2006 16:36 GMT+7

Trước khi có bài viết Xe buýt "hung thần" giữa Gài Gòn, Báo Thanh Niên đã từng có rất nhiều bài viết về tình trạng chạy ẩu, giành đường, không tôn trọng luật lệ v.v... của nhiều tài xế xe buýt. Sau bài viết này, người dân lại cùng Thanh Niên thêm một lần lên tiếng bày tỏ nỗi bức xúc đồng thời gửi đến cơ quan chức năng những góp ý với mong muốn chấn chỉnh hoạt động của loại phương tiện công cộng này.

Phản ảnh dưới đây là của bạn đọc ký tên lychinhthang gửi từ địa chỉ mail: lct@yahoo.com mà Thanh Nien Online nhận được từ trước khi bài viết trên được đăng: "Vợ chồng tôi về hưu, sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại. Chúng tôi mua vé 45.000 đồng/tập. Ngày 11/9/2006, lúc 12g41 chúng tôi đi từ An Sương đến Hóc Môn bằng se buýt An Sương - An Nhân Tây, mã số 122. Nhân viên bán vé T.H không nhận hai vé tập mà chỉ nhận một vé tập thôi. Chúng tôi góp ý với cơ quan chủ quản quản lý loại phương tiện này:

- Phổ biến rộng rãi cho nhân viên biết vé tập là vé được mua bằng tiền chứ không phải được phát do một ân huệ nào đó.

- Vé tập, vé tháng chính là một phương thức kích cầu để phương tiện xe buýt phát triển".

Và đây là những thư khác, sau khi một lần nữa các "hung thần" bị lên mặt báo:

Nguyễn Thế Tuyên (ĐT: 0914005877): "Tôi đồng ý với tác giả bài viết là cần xử lý thích đáng các lái, phụ xe buýt vi phạm luật GTĐB; các cơ quan chức năng của thành phố cũng cần chú ý đến việc một số xe buýt "móc ngoặc" với các xe dù chạy từ hướng Xuân Lộc, Gia Ray, Long Khánh... nhận chở khách đến bến xe miền Đông nhưng vì các xe này vào cửa ngõ thành phố không có phép buộc phải chuyển khách sang xe buýt và hành khách phải đứng suốt chặng vì xe buýt chật như nêm, nhất là vào những ngày lễ, ngày nghỉ".

Lan Chi (lanchi416157@yahoo.com): "Chính vì xe buýt được nhiều ưu tiên nên không tôn trọng sinh mạng con người và càng không tôn trọng luật lệ giao thông. Theo tôi, nên sa thải những tài xế không có đạo đức, và phải ghi tên những tài xế này vào danh sách đen để thu hồi giấy phép lái xe, nếu tái phạm thì sẽ vĩnh viễn không được cấp bằng lái nữa".

Lê Văn Trí (ĐT: 9133571): "Theo tôi nên bỏ đường ưu tiên cho xe buýt, vì nếu cứ để vậy thì không biết sẽ còn bao nhiêu tai nạn xảy ra vì xe buýt nữa".

Nguyenthequyen (drquyen@hotmail.com): "Thực ra tôi thấy chủ trương của thành phố về động viên dân ta đi xe buýt là đúng đắn. Song thực tế lại không như ý đồ của chính quyền, như thực trạng chạy ẩu, cư xử kém văn hóa của "nhà xe". Vì vậy, thành phố nên "chăm sóc", tuyển chọn các "nhà xe" kỹ hơn".

Phan Van Hung (56/1 Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM): "Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương vận chuyển hành khách bằng phương tiện công cộng thay cho phương tiện cá nhân hiện quá nhiều trong thành phố. Nhưng chính sự ưu tiên khá nhiều, ngại xử phạt nặng với các phương tiện công cộng này đã tạo nên "vấn nạn xe buýt" như hiện nay. Theo tôi, các ban ngành chức năng nên xem xét lại các quyền ưu tiên cho xe buýt, có nên mở rộng tuyến xe buýt tràn lan trong khi đường sá chưa đáp ứng yêu cầu (quá nhỏ); phải xử phạt thật nặng các trường hợp vi phạm giao thông. Lâu nay hình như lực lượng cảnh sát giao thông rất "ngại" "chăm sóc" đối tượng này, và đây chính là nguyên nhân của tình trạng ý thức kém ở tài xế xe buýt".

Nguyễn Việt Lâm (nslinh@gmail.com): "Không thể vì chính sách khuyến khích phát triển phương tiện giao thông công cộng mà dành những ưu ái trái luật và chấp nhận hy sinh sự an toàn của người đi đường như vậy. Đề nghị xử phạt thật nghiêm tài xế xe buýt phạm luật Giao thông đường bộ".

DHT (tungdh.net@gmail.com): "Tôi thấy ở Hà Nội và ở đây tình trạng cũng tương tự. Tôi nghĩ xe buýt cũng như bất cứ phương tiện nào, cần tuân thủ pháp luật và cần nhất là đạo đức của người lái xe. Đã có trường hợp người dân quá bức xúc đã tấn công lái xe gây mất trật tự nơi công cộng, ảnh hưởng đến giao thông. Thiết nghĩ chúng ta cần quan tâm hơn về vấn đề này".

Nguyễn Thanh Trung (Kha Vạn Cân, Thủ Đức, TP.HCM): "Từ lâu tôi cũng đã rất bức xúc trước tình trạng xe buýt chạy ẩu bởi tôi đã nhiều lần là nạn nhân và nhiều lần chứng kiến sự vi phạm trắng trợn của các xe buýt mà chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Không thể chấp nhận được! Mong rằng các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp giải quyết tình trạng trên, đặc biệt là ở khâu tuyển chọn các lái xe và phụ xe, để người dân có thể an tâm "sống chung với xe buýt", một phương tiện đi lại hiệu quả và hữu ích".

Nguyen Van Tam (Ấp Xuân Thới Sơn 1, Hóc Môn, TP.HCM): "Chúng ta nên phát động chiến dịch khách hàng đi xe buýt góp phần vào chương trình an toàn cho các chuyến xe bằng cách khuyến khích khách hàng gửi hình ảnh (có thể chụp bằng máy ĐTDĐ) và dữ liệu về việc các lái xe coi thường hành khách như vừa lái xe vừa nghe điện thoại, có thái độ thiếu hòa nhã với hành khách, vi phạm luật giao thông v.v...".

Đoàn Trọng Tín (ĐT: 0908195921): "Tôi xin có một vài góp ý như sau:

- Cho tài xế và phụ xế xe buýt đi học về các giao tế và phục vụ nửa tháng 1 lần trong 3 trháng.
- Không nên dành quá nhiều ưu tiên cho xe búyt khi lưu thông trên đường phố.
- Công an giao thông không nên quá vị nể phương tiện này mà làm cho trật tự giao thông trên đường phố luôn bị ách tắc.

Sở dĩ tôi ghi lại những dòng này vì thường xuyên trên đường 3/2 vào khoảng từ 6h30 đến 7h, người đi đường luôn luôn có thể trở thành khán giả xem các xe buýt đua nhau, bất chấp người đi đường phải nép mình chờ họ đi qua".

Binh Binh (ltbinh74@yahoo.com): "Đối với trường hợp xe buýt chạy ẩu, tôi có một số đề nghị:

1- Cần có luật dành cho xe buýt công cộng, với một số quy định sau:
- Đón và trả khách đúng trạm.
- Đến trạm là phải dừng. Nếu không có khách lên hoặc xuống thì sau 5 giây sẽ rời trạm hay đại loại như thế.
- Quy định giờ đến trạm của từng xe. Ví dụ mỗi 15 - 20 phút có một chuyến cùng tuyến ghé trạm A.
- Mỗi xe trong tuyến phải có số nhận diện để người dân có thể khiếu nại hay góp ý. Đây là cách để người dân giám sát.
- Đặt lại vị trí của các trạm xe buýt cho phù hợp hơn. Hiện nay, có một số trạm vừa qua ngã tư là tới trạm (ví dụ như trạm xe buýt trên đường CMT8 góc ngã tư CMT8 và Võ Văn Tần), gây nên tình trạng kẹt xe nghiêm trọng.
- Nguyên tắc ra vào trạm của xe buýt (ví dụ phải dùng đèn báo hiệu 20-30m trước khi ghé trạm).
- Nhân viên phục vụ và phụ xe phải hòa nhã, ân cần với khách hàng. Tất cả đều phải có bảng tên và số hiệu. Chữ và số trên bảng tên phải to và dễ đọc.

2- Xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm luật giao thông và luật dành cho xe buýt công cộng.

3- Có hình thức xử phạt thích hợp với những nhân viên phục vụ vi phạm quy định".

Phuong Nguyen (ĐT: 0914125239): "Có thể kể ra đây một số ưu khuyết điểm của xe buýt hiện tại như sau: Giá vé rẻ (kể từ khi xăng lên giá) nhưng chất lượng xe kém, gây ô nhiễm môi trường (bằng chứng: thử chạy sau xe buýt một đoạn đường); ý thức tài xế kém...".
 
Mai Thanh Hà: "Tôi nghĩ rằng Sở Giao thông Công chánh cần có những chuyến công tác thị sát cụ thể các tuyến đường để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời chứ đừng để dư luận lên tiếng khi đó mới chấn chỉnh. Các cơ quan chức năng quản lý nhà nước cần nhận thức được trách nhiệm của mình khi họ ăn lương để phụ trách vấn đề này".

Nguyen Dung (qdvl@yahoo.com): "Tôi cũng như nhiều người dân TP lấy làm hài lòng khi bài viết này được đăng tải, dù  quá muộn nhưng cũng còn hơn không. Lúc xe buýt mới ra đời thì câu chuyện về họ là đáng vui và trân trọng, ngày qua ngày họ trưởng thành và trở thành... Theo tôi biết thì trước đây cũng có đôi lần báo chí đề cập về vấn đề này, được ông này bà nọ phát biểu và nói chắc nịch là sẽ cải cách và giáo dục lại đội ngũ... Nhưng không hiểu giáo dục kiểu gì mà "sản phẩm" của họ càng ngày càng ngang ngược. Hy vọng kỳ này sẽ có cách giáo dục khác những kỳ trước".

Trong tuần qua, khi các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có Báo Thanh Niên đưa tin về nội dung dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân, người dân cả nước đã theo dõi khá sâu vấn đề này. Nhiều bạn đọc đã qua Thanh Niên Online gửi những đóng góp của mình tới các cơ quan chức năng.
 
Ý kiến của bạn Đặng Công Chiến (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội): "Nhiều người băn khoăn không biết căn cứ vào đâu mà các chuyên gia soạn thảo lại đưa ra mức 4 triệu đồng? Theo quan điểm của tôi có một điểm quy chiếu để chúng ta có thể căn cứ vào nó xác định mức khởi điểm chịu thuế, đó là mức lương tối thiểu. Đó là vì: Một là, mức lương tối thiểu được Chính phủ quy định căn cứ vào năng suất lao động xã hội và chỉ số giá tiêu dùng cho từng thời kỳ. Hai là, tính mức khởi điểm chịu thuế bằng bội số nào đó của lương tối thiểu chứ không lấy số tuyệt đối vì đã là luật nó phải có tính ổn định tương đối theo thời gian, thí dụ với mức 4 triệu đồng hiện nay xấp xỉ 11,43 lần lương tối thiểu (350.000đ) nhưng đến tháng 10/2006 lương tối thiểu sẽ tăng lên 450.000đ, khi đó chỉ còn 8,89 lần. Vậy đến 2010 thì lương tối thiểu là bao nhiêu? Khi đó 4 hay 5 triệu có là hợp lý? Vậy tôi xin đề xuất với các nhà làm luật quy định mức thu nhập khởi điểm chịu thuế nên tính bằng một chỉ số là bội số của lương tối thiểu chứ không phải là một mức cụ thể 4 hay 5 triệu đồng".
 
Ý kiến của bạn Thuan Thuan (hbthuan2005@yahoo.com.vn): "Tôi rất không đồng tình về chính sách thuế TNCN đối với tiền gửi tiết kiệm. Theo tôi, tiền gửi tiết kiệm (hoặc là đem cho vay) là tiền còn lại sau thu nhập. Đối với người kinh doanh, buôn bán thì sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, còn lại tiền nhàn rỗi người ta cho vào tiết kiệm để sinh lợi hay chỉ vì mục đích để bảo đảm an toàn. Còn đối với người làm công ăn lương thì tiền gửi tiết kiệm cũng là món tiền có được sau khi đã đóng thuế thu nhập và tất cả các loại bảo hiểm, thậm chí phải dè xẻn trong chi tiêu để có thể dành ra một khoản cho tương lai con cái học hành. Nay những khoản tiết kiệm đó lại phải đóng thuế TNCN thì chẳng phải là đóng 2 lần thuế sao? Tôi mong ý kiến người dân chúng tôi đến được các lãnh đạo để có những chính sách hợp lòng dân".

Vụ tiêu cực trong một bộ phận giáo viên và ban giám hiệu ở Trường Lê Quý Đôn tưởng đã tạm lắng xuống sau kết luận thanh tra của cơ quan chức năng cộng với việc Sở GD-ĐT cử ông Nguyễn Hoài Chương - Phó giám đốc Sở kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng tại trường này. Tuy nhiên, buổi "ra mắt" của vị Phó giám đốc Sở với lời phát biểu "thiếu cẩn trọng" đã lại tiếp tục làm "nóng" dư luận.

Nguyễn Thị Diệu Trang (ntdt100587@yahoo.com.vn): "Qua hàng loạt thông tin trên báo chí, có thể thấy chuyện "chạy trường" chỉ là việc nhỏ trong tảng băng các sai phạm của Ban giám hiệu Trường Lê Quý Đôn. Lẽ ra nếu giáo viên càng mạnh dạn tố cáo tiêu cực thì người lãnh đạo càng phải cảm ơn những người này vì chính họ đã làm cho mình, cho ngành giáo dục biết sai để sửa, để sao cho ngành mau chóng trở lại trong sạch theo đúng nghĩa của nó. Phát biểu của ông Phó giám đốc sở một lần nữa làm cho người dân thêm nghi ngờ về việc bao che của ban lãnh đạo sở đối với nhũng tiêu cực ở trường THPT LQĐ nói riêng và tiêu cực của giáo dục TP.HCM nói chung".

Lâm Phương (Quy Nhơn): "Sau khi đọc bài viết về thái độ cách hành xử của ông Phó giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM, tôi thấy thực sự đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại vấn đề cơ cấu cán bộ lãnh đạo một cách nghiêm túc. Có lẽ cũng không cần phải bàn cãi nhiều về câu thành ngữ mà ông Chương phát biểu. Tôi không thể tin và không muốn tin rằng một quan chức của ngành giáo dục mà lại có thể đưa ra một lời phát biểu như thế. Phải chăng đã từ rất lâu, ông và những người như bà Vân, bà Hương tự cho rằng trường nào mà chả có chạy trường, tiêu cực nên lấy thế làm bình thường, lâu dần thành đúng, còn những người dám đứng ra tố cáo tiêu cực, vì một môi trường giáo dục trong sạch thì chỉ là số ít, rồi trở thành "bìm" - thành kẻ cơ hội? Nhân sự việc của ông làm tôi nhớ lại câu nói mà tôi mới đọc ở đâu đó về vụ việc thầy giáo ở Hà Tây đứng ra tố cáo tiêu cực tại hội đồng thi: Cái lạ ở nước ta là một người dám nói lên cái việc mà ai cũng thấy, ai cũng biết bỗng trở thành nổi tiếng ? Thật là chua xót!".

teresakien duong: "Tôi không phải là một giáo viên, cũng không làm trong nghành giáo dục. Nhưng khi đọc các bài báo về tiêu cực chạy trường LQĐ tôi thật sự cảm thấy xót xa và khinh sợ. Hiệu trưởng Lê Thanh Vân là một giáo viên dạy môn Văn, một "kỹ sư tâm hồn" mà lại có những hành động và việc làm như thế, hỏi nếu vụ việc này không được đưa ra công luận thì những tâm hồn do bà kiến tạo nên sẽ ra sao, một bộ phận người trẻ trong thế hệ tương lai của chúng ta sẽ ra sao? Các giáo viên trong trường phẫn nộ và bức xúc cũng là điều phải thôi. Họ bị đè nén, trù dập quá mà. Chẳng phải ông bà ta có câu "không có lửa làm sao có khói". "Lửa" đã có mà không cho có "khói" thì thật vô lý! Trong các cuộc họp thì mọi người đều có quyền phát biểu ý kiến, việc làm đó thể hiện tính dân chủ. Tôi là người ít học nhưng cũng hiểu những lý lẽ thường tình đó".

Trái ngược với những cách hiểu như trên về lời phát biểu của ông Chương, bạn Công Hoàng (24 đường CMT8, TP.HCM) lại đưa ra một cái nhìn từ một góc độ khác: "Tôi đã đọc đi đọc bài viết lời nói của ông PGĐ trong cuộc họp tại Trường Lê Quý Đôn. Tôi nghĩ ông PGĐ có thiện ý tốt trong việc củng cố tổ chức của trường, và câu nói ở đoạn kết cũng có ý răn đe chung mà thôi, chứ thực ra chẳng có ác ý gì với riêng ai. Việc cải tạo một người xấu trở thành người tốt không chỉ đơn thuần là việc trừng phạt, mà còn phải động viên họ để họ không bị mặc cảm với khuyết điểm mà tránh né tập thể và mọi người, từ đó họ nhanh chóng nhận ra khuyết điểm của mình mà sửa chữa. Trong mỗi chúng ta ai cũng phải có thái độ kiên quyết đối với việc xử lý những sai phạm, song cũng đừng để mất đi lòng nhân ái của con người".

Người đã quay phim và công khai "những hình ảnh gây sốc" trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2006 ở Hội đồng thi Nam Đàn 2 (Nghệ An) hiện đang chờ mức án kỷ luật do "vi phạm quy chế thi nghiêm trọng". Kết luận này của Thanh tra Sở GD-ĐT Nghệ An đã gây phản ứng dữ dội trong dư luận vốn đang quá "nóng" trước những tiêu cực trong ngành giáo dục ở nhiều nơi:

Nguyễn Ngọc Huân (Trần Quí Cáp, Tam Kỳ, Quảng Nam): "Tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn trong quyết định của Thanh tra Sở Giáo dục Nghệ An khi cho rằng thầy Hoàng vi phạm qui chế nghiêm trọng và đang xem xét hình thức kỷ luật đối với giáo viên này. Lẽ ra những người dũng cảm và có trách nhiệm với nền giáo dục nước nhà như thầy Hoàng phải được tuyên dương, khích lệ để khuyến khích những người đang nỗ lực góp sức cùng toàn nghành chống tiêu cực. Đằng này lại xem việc tố cáo tiêu cực nằm trong cái "vi phạm quy chế" là sao (?).  Chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thực chứ không nên có những kiểu làm việc cứng nhắc như vậy. Tôi đưa ra sự so sánh như thế này có khập khiễng quá không: Một giáo viên đang trên đường đi dạy, thấy có nhà bị cháy, xông vào cứu người và tài sản, khi đến lớp bị muộn và bị nhà trường phê bình là vô kỷ luật. Tôi kêu gọi mọi người hãy công tâm hơn trong khi xem xét các sự việc. Nếu tất cả đều đúng qui chế thì làm sao có những cảnh như vậy để thầy Hoàng phải đi quay phim? Nếu chủ tịch hội đồng thi đôn đốc nhắc nhở cán bộ coi thi và thanh tra làm tròn chức trách của mình, bảo vệ cũng hoàn thành nhiệm vụ thì hỏi làm sao có tình trạng lộn xộn đó xảy ra? Ta thấy ở đây là sự vô trách nhiệm và tiếp tay cho tình trạng lộn xộn tiêu cực của phần lớn người trong hội đồng thi. Thầy Hoàng có lẽ là trường hợp cá biệt có trách nhiệm và không vô cảm như những ngưòi khác nên mới có một hành động dũng cảm như vậy. Thầy làm sao hoàn thành nhiệm vụ được trong tình trạng lộn xộn như vậy? Nếu không có sự phanh phui của thầy thì hội đồng thi sẽ báo cáo là "Kỳ thi thành công tốt đẹp" rồi phòng giáo dục và sở giáo dục lại có những bản báo cáo đẹp lên cấp trên như mọi năm và tiếp đến là được khen thưởng. Là một người dân, tôi cho rằng nếu việc này không được làm một cách công tâm thì khác nào đây là một đòn cảnh cáo cho tất cả ai đang và muốn chống lại tiêu cực trong giáo dục. Và cũng đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ thầy Hoàng".

Hoàng Thiện (cadimodo@gmail.com): "Trong điều kiện cả trường đã hỗn loạn như vậy, mình thầy Hoàng thì làm sao cản trở được? Chẳng lẽ cứ thản nhiên nhìn cảnh lộn xộn trong thi cử mới là làm đúng quy chế sao? Tôi thấy kết luận của cơ quan chức năng là hết sức vô lý và máy móc. Nếu cho là vi phạm quy chế thi, thầy Hoàng vi phạm 1 thì chủ tịch hội đồng thi vi phạm 10. Đây là một kết luận quá xem thường dư luận !".

Đỗ Thề Hiên (167 Trần Văn Đang, TP.HCM): "Tôi rất đồng ý với những phân tích hợp lý của tác giả bài Một kết luận hài hước!. Bao giờ những người lãnh đạo chịu nhìn nhận lỗi và thực sự sửa đổi, lúc đó nền giáo dục VN mới có thể thay đổi".

TNO cảm ơn sự quan tâm và tín nhiệm của bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.