Về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên: Vòng đàm phán cuối cùng?

13/09/2005 23:51 GMT+7

Sau 13 ngày làm việc không có kết quả hồi cuối tháng 7 và đầu tháng 8, vòng 4 của chương trình đàm phán 6 bên về cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã tái khởi động vào ngày 13/9.

Trong khi 6 bên tham gia đàm phán - Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản - đã đồng ý trên nguyên tắc về một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân thì Mỹ và CHDCND Triều Tiên vẫn còn giữ những lập trường khác biệt. "Những gì mà Bình Nhưỡng phải làm là ngừng ngay chương trình hạt nhân của mình", Trưởng đoàn đàm phán Mỹ C.Hill nói trước khi bước vào phòng họp. Tuyên bố này cho thấy người Mỹ vẫn mang đến vòng đàm phán lần này một lập trường cứng rắn. Trước thái độ đó của Mỹ, đại diện CHDCND Triều Tiên đã nhắc lại quyết tâm phát triển một chương trình hạt nhân vì mục đích dân sự và khẳng định rằng đó là quyền lợi chính đáng của họ. Trưởng đoàn đàm phán nước này, Thứ trưởng Ngoại giao Kim Kye-gwan nhấn mạnh: "Chúng tôi có quyền đó và chúng tôi sẽ sử dụng quyền của mình. Quyền lợi này không cần phải được ai cho phép hoặc thông qua".

Trong kỳ đàm phán gần đây nhất, lập trường của Mỹ là CHDCND Triều Tiên phải hủy bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân rồi sau đó mới nhận được viện trợ năng lượng và kinh tế. CHDCND Triều Tiên thì muốn được viện trợ trước rồi mới từ bỏ chương trình hạt nhân. Chính hai lập trường khác biệt này đã khiến cuộc đàm phán tháng 7 và 8 không đạt được kết quả và các bên đã phải "nghỉ giải lao" để tìm giải pháp mới. Suốt hơn 1 tháng "nghỉ giải lao" đó, các bên đã đẩy mạnh hoạt động ngoại giao. Giới chức Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã có nhiều cuộc gặp song phương tại New York. Hồi đầu tháng này, hai nhà lập pháp Mỹ cũng đã đến Bình Nhưỡng để thúc đẩy đàm phán. Sau đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ C.Hill đã gặp Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Chung Dong-young trong một nỗ lực tìm hiểu thêm quan điểm của các bên tham gia. Bất chấp hàng loạt nỗ lực ngoại giao, Mỹ và CHDCND Triều Tiên - hai nhân vật chính của vòng đàm phán - vẫn còn quá nhiều điểm bất đồng. Người Mỹ vẫn cương quyết yêu cầu CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, cho dù đó là chương trình quân sự hay dân sự vì họ cho rằng từ việc làm giàu uranium để sản xuất điện cho tới việc chế tạo vũ khí hạt nhân "chỉ cách một gang tay".

Khi mà ngay cả những người trong cuộc cũng không mấy tự tin vào một kết cục sáng sủa thì giới phân tích chính trị quốc tế cũng tỏ ra dè dặt trong việc dự đoán kết quả. Vào lúc này, những người lạc quan nhất cũng chỉ hy vọng rằng vòng đàm phán lần này sẽ tạo cảm hứng cho các bên tiếp tục thực hiện các biện pháp ngoại giao trước khi đạt được mục tiêu cuối cùng: một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân.

Đỗ Hùng
(BBC, CNN, THX)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.